Khám sức khỏe định kỳ là một trong những thói quen tốt giúp bảo vệ bạn khỏi những căn bệnh nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng. Nhưng có cần chuẩn bị gì cho buổi khám tổng quát đó không. Hay các hạng mục chuẩn bị khám sức khỏe định kỳ gồm những gì luôn là những vấn đề được quan tâm của rất nhiều người hiện nay.
Menu xem nhanh:
1. Chuẩn bị trước khi khám sức khỏe định kỳ gồm những gì
Khám sức khỏe định kỳ đang dần trở thành thói quen tốt trong thời đại hiện nay. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều người e ngại, chần chừ thực hiện vì chưa có sự hiểu biết tường tận, rõ ràng về khám sức khỏe tổng quát hàng năm. Đặc biệt, vẫn còn những mặc định tưởng chừng việc chuẩn bị cho hoạt động khám sức khỏe là không cần thiết.
1.1 Tìm hiểu trước thông tin về gói khám
Khi có nhu cầu kiểm tra sức khỏe bạn cần tìm hiểu, tham khảo trước thông tin về các gói khám. Bằng cách này sẽ giúp bạn biết được các danh mục khám gồm những gì, trải qua các bước nào và mục đích thực hiện của từng danh mục riêng lẻ có trong đó. Lúc này bạn sẽ có cái nhìn tổng quát và mường tượng phần nào buổi khám sức khỏe của mình sắp tới. Qua đó, nỗi lo lắng, mơ hồ sẽ vơi bớt, thay vào đó là sự tự tin, thong thả và an tâm trước ngày thực hiện.
Hơn nữa, trong quá trình tìm hiểu sẽ dễ nảy sinh nhiều thắc mắc cần được giải đáp. Hãy ghi chú lại những vấn đề bạn chưa rõ/chưa hiểu, hỏi trực tiếp bác sĩ để được giải đáp kịp thời.
1.2 Tìm kiếm bệnh viện uy tín về khám sức khỏe định kỳ
Một trong những hạng mục thiết yếu trong việc chuẩn bị trước khi khám sức khỏe định kỳ là: tìm kiếm một vài bệnh viện uy tín, được đánh giá cao để nghiên cứu và lựa chọn. Hầu hết các phòng khám, bệnh viện công lập/bệnh viện tư đều có dịch vụ khám sức khỏe tổng quát. Do đó, dễ dàng tìm kiếm trên internet, hỏi từ những người quen đã từng thăm khám để tổng hợp, chọn lọc ra địa chỉ phù hợp với nhu cầu và ngân sách của mình.
Một bệnh viện uy tín, được nhiều người tin tưởng lựa chọn sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, đó là:
- Máy móc y tế hiện đại, tân tiến
- Đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, nhiều năm kinh nghiệm
- Không gian thăm khám rộng rãi, phân khu rõ ràng
- Dịch vụ thân thiện, chuyên nghiệp đem lại cảm giác thoải mái cho người bệnh
1.3 Chọn thời điểm thực hiện khám
Tưởng không quan trọng nhưng việc chọn thời điểm thăm khám lại có ảnh hưởng không nhỏ tới thể chất, tinh thần của bạn cũng như kết quả cuối cùng. Hãy bắt đầu kiểm tra sức khỏe hàng năm càng sớm càng tốt để kịp thời nắm bắt tình trạng cơ thể của mình vì hiện nay các bệnh lý ác tính ngày càng có nguy cơ “trẻ hóa” độ tuổi.
Hơn nữa, nên thực hiện kiểm tra sức khỏe ngay từ buổi sáng sớm, vừa giúp tiết kiệm tối đa thời gian, chỉ thăm khám trong 1 ngày; vừa hạn chế sự mệt mỏi, đói lả và các dấu hiệu hoa mắt chóng mặt khác (vì trước khi thực hiện xét nghiệm cần nhịn ăn ít nhất 4-6 tiếng). Sắp xếp thời gian khám sớm, bạn sẽ không phải ngồi chờ đợi lâu, thay vào đó quy trình khám trở nên dễ dàng, nhanh chóng và cực kỳ thoải mái.
2. Lưu ý trong khi khám sức khỏe định kỳ
Khám sức khỏe định kỳ có diễn ra suôn sẻ hay không còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có những lưu ý riêng mà bạn cần ghi nhớ. Bao gồm:
- Chuẩn bị các thông tin cá nhân, về tiền sử bệnh lý của gia đình và bản thân, về các tên thuốc đang sử dụng (nếu có)
- Cần nhịn đói ít nhất 4 tiếng để kết quả xét nghiệm máu cho ra được chuẩn xác
- Không sử dụng các chất kích thích, các đồ uống có cồn như: rượu, bia, cà phê, thuốc lá,…
- Uống thật đầy nước và nhịn tiểu trước khi bắt đầu siêu âm ổ bụng để bác sĩ có thể quan sát dễ dàng
- Mặc trang phục thoải mái, đơn giản; tránh mặc váy liền, những trang phục cầu kỳ ảnh hưởng đến quá trình khám. Hạn chế đeo các phụ kiện bằng kim loại
- Đối với nữ giới, cần lựa chọn khám vào thời điểm ngoài thời kỳ kinh nguyệt. Nếu đang mang thai, ngay từ túc khám ban đầu cần báo ngay cho bác sĩ để được tư vấn, chỉ định danh mục nào nên/không nên thực hiện
Ngoài những lưu ý quan trọng trên, khi thực hiện các bước thăm khám bạn cũng cần lắng nghe, thực hiện theo chỉ dẫn của bác sĩ/y tá để kết quả đạt mức chính xác nhất. Khi được hỏi cần trả lời trung thực để bác sĩ phán đoán được tình trạng sức khỏe của bạn.
3. Sau khi khám sức khỏe định kỳ, cần chuẩn bị gì?
Vậy chuẩn bị gì sau khi khám sức khỏe định kỳ? Có cần hay không? – Duy nhất một điều, đó là có một tâm lý thật thoải mái và một tinh thần lạc quan đón nhận mọi kết quả là điều bạn cần ưu tiên chuẩn bị. Một tinh thần lo lắng, sợ hãi và có xu hướng tiêu cực sẽ ảnh hướng tới sức khỏe và cuộc sống sau này. Thay vào đó, hãy bình tĩnh và suy nghĩ xem bạn còn thiếu sót câu hỏi nào chưa được giải đáp trước đó hay không, chuẩn bị thêm vài câu hỏi về xây dựng thói quen/lối sống hay tần suất kiểm tra bao nhiêu lần là phù hợp. Nói chung, bạn vẫn còn lấn cấn bởi vấn đề gì hãy hỏi ngay để nhận được tư vấn phù hợp.
Có thể thấy, các hạng mục chuẩn bị khám sức khỏe định kỳ gồm những gì không phải là câu hỏi khó như nhiều người hay nghĩ. Việc chuẩn bị cũng không hề rườm rà, phức tạp mà rất có ích tới kết quả buổi thăm khám của bạn. Đồng thời, bạn sẽ tránh được những bỡ ngỡ, rủi ro có thể xảy ra trong quá trình thực hiện hay phát sinh ra những điều tiêu cực sau khi nhận kết quả nếu không được chuẩn bị kỹ càng về mọi mặt.
Hy vọng với thông tin trên, bài viết phần nào giải tỏa được những khúc mắc ban đầu trước khi bạn quyết định khám sức khỏe định kỳ.