Giúp bạn nắm rõ về triệu chứng viêm phế quản cấp

Viêm phế quản cấp là tình trạng niêm mạc ống phế quản bị viêm, thường xảy ra sau nhiễm virus hoặc do kích ứng đường hô hấp. Bệnh tiến triển nhanh, biểu hiện qua những triệu chứng đặc trưng như ho khan hoặc ho có đờm, sốt nhẹ, tức ngực… Việc nhận diện đúng triệu chứng ngay từ giai đoạn đầu có vai trò quan trọng trong quá trình điều trị và phòng ngừa biến chứng. Cùng TCI tìm hiểu các triệu chứng viêm phế quản cấp mà người bệnh thường gặp qua bài viết dưới đây.

1. Triệu chứng viêm phế quản cấp bạn cần biết

Triệu chứng của viêm phế quản cấp thường khá rõ ràng và dễ nhận biết, tuy nhiên nhiều người vẫn chủ quan, không điều trị kịp thời, dẫn đến bệnh kéo dài hoặc biến chứng nặng hơn. Trong quá trình thăm khám, bác sĩ sẽ dựa trên các triệu chứng lâm sàng, nếu cần thiết có thể chỉ định thêm các xét nghiệm để xác định chính xác. Các dấu hiệu thường gặp gồm:

1.1. Ho là triệu chứng viêm phế quản cấp phổ biến

Đây là triệu chứng phổ biến nhất, báo hiệu tình trạng viêm nhiễm tại đường hô hấp. Ban đầu, người bệnh có thể là ho khan, sau đó chuyển sang ho có đờm. Ho kéo dài, từng cơn hoặc liên tục, thường kèm theo tức ngực và chảy nước mũi. Các bác sĩ có kinh nghiệm thậm chí có thể đánh giá vị trí viêm chỉ qua tiếng ho của người bệnh.

1.2. Sốt – Triệu chứng viêm phế quản cấp có thể gặp

Người bệnh có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao, đôi khi sốt theo cơn hoặc kéo dài liên tục. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp người bệnh không bị sốt.

triệu chứng viêm phế quản cấp

Triệu chứng của viêm phế quản cấp thường khá rõ ràng và dễ nhận biết

1.3. Viêm long đường hô hấp trên

Gây ra triệu chứng như sổ mũi, nghẹt mũi, hắt hơi, đau rát cổ họng…

1.4. Khò khè cũng là triệu chứng viêm phế quản cấp

Phát ra do lòng phế quản bị thu hẹp bởi phù nề, co thắt hoặc có nhiều đờm. Cần phân biệt rõ tiếng khò khè từ phế quản với tiếng “khụt khịt” ở mũi do viêm mũi. Tiếng khò khè ở viêm phế quản thường phát ra từ ngực và sẽ rõ hơn về đêm khi nằm.

1.5. Tiết đờm

Đờm là phản ứng của cơ thể với tình trạng viêm. Đờm có thể trong, trắng, vàng hoặc xanh. Tuy nhiên, màu sắc đờm không thể giúp xác định nguyên nhân do virus hay vi khuẩn.

1.6. Đau họng

Cổ họng thường ngứa, rát, đau khi nuốt, kèm theo sưng nhẹ hoặc nặng tùy mức độ bệnh.

1.7. Mệt mỏi

Cơ thể thường xuyên cảm thấy uể oải, thiếu năng lượng, kém ăn và giảm đề kháng.

1.8. Khó thở, thở nhanh

Ít gặp trong viêm phế quản thông thường, nhưng nếu xuất hiện cần nghĩ đến các bệnh lý hô hấp khác như viêm phổi, hen suyễn hoặc dị vật đường thở.

1.9. Những triệu chứng viêm phế quản cấp khác

Có thể bao gồm đau ngực nhẹ, đau cơ, đau lưng, đau đầu,…

2. Một số đường lây truyền viêm phế quản cấp

Khi một người mắc viêm phế quản cấp, trong dịch tiết như đờm, nước bọt… chứa một lượng virus nhất định. Những virus này có thể dễ dàng lây lan sang người khác nếu không có biện pháp phòng tránh hiệu quả. Trên thực tế, viêm phế quản cấp có thể lây lan nhanh chóng trong cộng đồng, đặc biệt ở môi trường kín hoặc đông người. Hai con đường lây truyền bệnh phổ biến bao gồm:

2.1. Lây truyền từ người sang người

Virus gây viêm phế quản cấp có thể phát tán thông qua giọt bắn khi ho, hắt hơi, nói chuyện hoặc tiếp xúc gần. Khi bạn hít phải không khí chứa giọt bắn của người bệnh, hoặc bắt tay – chạm vào da người bệnh khi tay họ có chứa dịch tiết chưa được vệ sinh sạch, nguy cơ nhiễm bệnh rất cao.

2.2. Lây truyền bệnh qua tiếp xúc với vật dụng cá nhân

Virus có thể bám trên các bề mặt như tay nắm cửa, cốc uống nước, khăn tay, điện thoại… trong một khoảng thời gian sau khi người bệnh chạm vào. Nếu bạn chạm vào các bề mặt đó, rồi vô tình đưa tay lên mắt, mũi hoặc miệng, virus có thể xâm nhập và gây bệnh.

đường lây truyền bệnh

Khi một người mắc viêm phế quản cấp, trong dịch tiết như đờm, nước bọt… chứa một lượng virus nhất định.

3. Nguyên nhân phổ biến gây nên căn bệnh viêm phế quản

– Phần lớn các ca viêm phế quản cấp là do virus, đặc biệt là: Virus cúm (bao gồm cả cúm gia cầm), virus hợp bào hô hấp (RSV), một số chủng Herpes virus, virus gây dịch SARS,…

– Chúng dễ lây lan qua đường hô hấp và thường khởi phát sau một đợt cảm lạnh hoặc cúm.

– Một số loại vi khuẩn có thể gây viêm phế quản, đặc biệt là: Vi khuẩn không điển hình như Mycoplasma và Chlamydia, vi khuẩn gây mủ như phế cầu (Streptococcus pneumoniae) hay Hemophilus influenzae (thường gặp ở trẻ nhỏ hơn người lớn). Các trường hợp này có thể đi kèm sốt cao và triệu chứng toàn thân rõ rệt hơn.

– Khi hệ miễn dịch bị suy giảm (do tuổi tác, bệnh nền mạn tính, hoặc sau một đợt ốm) cơ thể dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây viêm đường hô hấp.

– Đối tượng dễ mắc gồm: Trẻ nhỏ, đặc biệt dưới 12 tháng tuổi, người lớn tuổi, người đang mắc bệnh nền như tiểu đường, hen suyễn,…

– Các đợt trào ngược nghiêm trọng có thể khiến acid dạ dày kích thích cổ họng và phế quản, tạo điều kiện phát triển viêm phế quản, đặc biệt khi tình trạng này kéo dài hoặc không được điều trị.

– Nicotine và các hóa chất trong khói thuốc gây tổn thương lớp niêm mạc phế quản, làm tăng nguy cơ viêm và tái phát bệnh. Nguy cơ cao xảy ra ở:Người hút thuốc chủ động và người sống chung hoặc làm việc trong môi trường có khói thuốc.

– Môi trường làm việc có nhiều bụi bẩn, hơi hóa chất như amoniac, clo, khói độc, bụi vải, bụi công nghiệp… có thể làm kích ứng phổi, gây viêm phế quản nếu tiếp xúc lâu dài.

– Khi trời chuyển lạnh, độ ẩm thay đổi hoặc thời tiết thất thường, niêm mạc đường hô hấp dễ bị kích thích và suy yếu, tạo điều kiện cho virus – vi khuẩn tấn công.

nguyên nhân viêm phế quản

Phần lớn các ca viêm phế quản cấp là do virus

Viêm phế quản cấp là một bệnh lý hô hấp thường gặp, tuy không quá nguy hiểm nếu được phát hiện và điều trị sớm, nhưng lại dễ gây biến chứng nếu chủ quan hoặc tự điều trị tại nhà sai cách. Do đó, khi có các triệu chứng như ho kéo dài, khò khè, sốt hoặc mệt mỏi không rõ nguyên nhân, bạn nên chủ động đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa. Việc theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe và giữ gìn hệ hô hấp luôn khỏe mạnh sẽ giúp bạn phòng tránh hiệu quả các bệnh lý không mong muốn, đặc biệt trong thời điểm giao mùa hoặc môi trường ô nhiễm như hiện nay.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital