Giãn phế quản có nguy hiểm không?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Lê Văn Bảo

Trưởng khoa Ung Bướu

Giãn phế quản là tình trạng các phế quản ở phổi bị giãn ra khó hồi phục, đặc biệt là các phế quản trung bình. Câu hỏi mà nhiều người quan tâm là giãn phế quản có nguy hiểm không?

1. Giãn phế quản có nguy hiểm không?

Giãn phế quản được chia thành hai loại chính là giãn phế quản mắc phải và giãn phế quản bẩm sinh, trong đó giãn phế quản mắc phải chiếm đa số, khoảng 90% ca mắc. Giãn phế quản mắc phải có liên quan đến các bệnh lý đường hô hấp như xoang, viêm răng miệng, viêm họng… và đặc biệt là lao phổi. Ngoài ra, polyp phế quản, tiếp xúc với môi trường độc hại, hút thuốc lá… cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng giãn phế quản.

Giãn phế quản có nguy hiểm không? Giãn phế quản rất nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị tích cực. Các biểu hiện bệnh có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, quá trình học tập và lao động của người bệnh.

Giãn phế quản rất nguy hiểm nếu không được điều trị tích cực

Giãn phế quản rất nguy hiểm nếu không được điều trị tích cực

1.1. Một số triệu chứng có thể gặp ở bệnh nhân giãn phế quản

  • Khạc có đờm: gặp ở khoảng 80% ca mắc. Đờm thường đặc, có mủ, mùi khó chịu
  • Ho, ho ra máu: có khoảng 8% bệnh nhân có biểu hiện này. Ho ra máu rất nguy hiểm, gây hoang mang cho người bệnh.
  • Nhiễm trùng phổi – phế quản tái phát nhiều lần: bệnh nhân có cảm giác mệt mỏi, sốt cao trên 38 độ C
  • Tràn dịch màng phổi

1.2. Một số biến chứng có thể gặp

  • Viêm phổi thùy, viêm phổi
  • Áp xe phổi
  • Lao phổi
  • Áp xe não
  • Bệnh xương khớp phì đại do phổi
  • Ho ra máu với số lượng nhiều, ho ra đờm có máu…

Thực tế, mức độ nguy hiểm của giãn phế quản tỉ lệ thuận với tiến trình phát triển bệnh. Ở thể nhẹ, những đợt bội nhiễm có thể xảy ra không thường xuyên, bệnh chỉ giới hạn ở một vùng, không lan ra chủ mô phổi. Tuy nhiên, đến khi bệnh tiến triển thể nặng, nhiễm trùng sẽ xảy ra thường xuyên, bệnh nhân phải sử dụng thuốc kháng sinh sau nhiều năm sẽ xuất hiện suy hô hấp mạn và tâm phế mạn. Bệnh nhân có thể tử vong sau vài năm.

2. Điều trị bệnh giãn phế quản như thế nào?

Giãn phế quản có thể điều trị bằng thuốc

Giãn phế quản có thể điều trị bằng thuốc

Tùy từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định hướng điều trị thích hợp bao gồm điều trị nội khoa, điều trị can thiệp mạch và điều trị ngoại khoa.

  • Điều trị nội khoa: nhằm mục đích chống nhiễm trùng, chống tăng tiết, tắc nghẽn đường thở và các biến chứng. Điều trị nội khoa có thể bao gồm dẫn lưu tư thế để mủ thoát ra ngoài dễ ràng, thuốc kháng sinh điều trị tích cực các đợt bội nhiễm, sốt cao, điều trị cầm máu…
  • Điều trị can thiệp mạch: nếu ho ra máu tái diễn, ho ra máu nặng ở những bệnh nhân giãn phế quản lan toả có thể điều trị cầm máu bằng gây bít tắc động mạch phế quản.
  • Điều trị ngoại khoa: được xem xét khi giãn phế quản khu trú có ho ra máu đe doạ tính mạng người bệnh và ho ra máu dai dẳng ảnh hưởng đến công việc, học tập cũng như tâm lý người bệnh. Phẫu thuật cắt bỏ phân thùy phổi hoặc thùy phổi bị giãn phế quản là phương pháp điều trị hữu hiệu.

Để phòng bệnh giãn phế quản, bạn cần điều trị dứt điểm các bệnh đường hô hấp, vệ sinh răng miệng sạch sẽ hàng ngày, súc miệng bằng nước muối, ăn uống đủ chất, tích cực vận động. Trẻ nhỏ cần được tiêm phòng vắc xin phòng lao, giữ ấm mùa đông…

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital