Giải đáp những thắc mắc của phụ huynh về vaccine 5 trong 1

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Nguyễn Minh Vỹ

Bác sĩ tiêm chủng

Vaccine 5 trong 1 là mũi tiêm phòng ngừa những bệnh nào? Tiêm cho bé từ độ tuổi bao nhiêu? Cần tiêm bao nhiêu mũi? Nếu trẻ tiêm muộn thì có ảnh hưởng gì không?… là những thắc mắc phổ biến của nhiều bậc phụ huynh hiện nay. Bài viết này cung cấp thông tin chi tiết về loại vaccine kết hợp này, phụ huynh tìm hiểu kỹ hơn tại đây.

1. Vaccine 5 trong 1 là gì? Có bao nhiêu loại?

Vaccine 5 trong 1 là mũi tiêm kết hợp phòng 5 bệnh cùng lúc gồm:

– Bạch hầu

– Ho gà

– Uốn ván

– Viêm gan B

– Viêm phổi, viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib hoặc bại liệt (tùy loại vacxin)

Đây đều là những bệnh truyền nhiễm gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ nếu chẳng may mắc phải. Do đó, việc phòng ngừa 5 bệnh chỉ trong 1 mũi tiêm giúp trẻ giảm số mũi tiêm, hạn chế sự đau đớn khi phải tiêm nhiều lần

Hiện nay, tại Việt Nam lưu hành 2 loại vaccine này là:

– Combe Five được sản xuất tại Ấn Độ và được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam vào năm 2010.

Vaccine Combe Five chứa kháng nguyên ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm màng não mủ/viêm phổi do vi khuẩn Hib và viêm gan B. Tuy nhiên không có kháng nguyên ngừa bệnh bại liệt nên phụ huynh cần cho con tiêm ngừa thêm vacxin bại liệt để dự phòng toàn diện.

– Pentaxim được sản xuất tại Pháp, là loại vacxin dịch vụ và không nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Vaccine Pentaxim chứa kháng nguyên ngừa ho gà, uốn ván, bại liệt, bạch hầu và các bệnh do vi khuẩn Hib. Tuy nhiên không có kháng nguyên ngừa viêm gan B nên phụ huynh cần cho con tiêm bổ sung vaccine viêm gan B để dự phòng toàn diện.

Vaccine 5 trong 1 là gì

Vaccine 5in1 là loại vaccine kết hợp phòng 5 bệnh trong 1 mũi tiêm

2. Lịch tiêm như thế nào? Tiêm muộn có sao không?

2.1. Lịch tiêm vaccine 5 trong 1

Tùy vào việc lựa chọn vaccine 5 trong 1 của hãng nào thì sẽ có phác đồ tiêm khác nhau.
Với vaccine Combe Five có lịch tiêm cơ bản gồm 3 mũi:

– Mũi đầu tiên thực hiện khi trẻ đủ 2 tháng tuổi.

– Mũi thứ hai cách mũi trước sau 1 tháng.

– Mũi thứ ba cách mũi trước sau 2 tháng.

– Khi trẻ đủ 12-18 tuổi thì phụ huynh nên cho tiêm nhắc lại để duy trì hiệu quả bảo vệ của vaccine.

Với vaccine Pentaxim có lịch tiêm cơ bản gồm 4 mũi:

– Mũi đầu tiên thực hiện khi trẻ đủ 2 tháng tuổi.

– Mũi thứ hai cách mũi đầu sau 1 tháng.

– Mũi thứ ba cách mũi thứ hai sau 1 tháng.

– Mũi thứ tư tiêm cách mũi thứ 3 sau 1 năm.

2.2. Trẻ tiêm vaccine 5 trong 1 muộn có sao không?

Nhiều cha mẹ chắc hẳn sẽ suy nghĩ, thắc mắc về việc lỡ tiêm phòng muộn cho trẻ thì có ảnh hưởng gì không? Kết quả bảo vệ của vaccine có giảm đi không? Nếu tiêm muộn thì có cần tiêm lại từ đầu để đảm bảo hiệu quả của liều tiêm hay không? Hãy tìm hiểu chi tiết dưới đây để biết việc tiêm muộn có ảnh hưởng tới trẻ hay không nhé.

Theo thời gian, lượng kháng thể do vaccine tạo ra sẽ giảm dần. Từ đó cơ thể cũng mất dần khả năng chống lại các mầm bệnh. Chỉ có việc tiêm chủng đầy đủ mới có thể duy trì hiệu quả bảo vệ của vaccine, tăng cường đề kháng cho cơ thể. Nếu trẻ không được tiêm đầy đủ và đúng lịch theo loại vaccine lựa chọn thì hiệu quả phòng ngừa sẽ không thể đạt mức cao nhất.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp trẻ chưa tiêm đủ mũi vaccine thì phụ huynh cũng đừng quá lo lắng. Một số trường hợp sau cần được trao đổi với bác sĩ chuyên môn để được tư vấn, chỉ định phù hợp:

– Trẻ có tiền sử dị ứng, phản ứng nghiêm trọng với vaccine ở lần tiêm trước.

– Trẻ có có tiền sử dị ứng với vắc xin khác, ví dụ như nổi mề đay, ngứa toàn thân, vết tiêm sưng đỏ nghiêm trọng sau khi tiêm.

– Trẻ bị suy giảm miễn dịch hoặc mắc các bệnh lý cấp tính, mãn tính

– Trẻ sốt cao hoặc đang trong thời gian hồi phục sau ốm.

lịch tiêm cho trẻ sơ sinh

Cha mẹ nên đưa trẻ đi tiêm đúng lịch để đảm bảo hiệu quả bảo vệ của vaccine

3. Vaccine có gây tác dụng phụ không?

Vaccine 5 trong 1 nói riêng và vaccine phòng bệnh nói chung đã được nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi áp dụng rộng rãi nên được đánh giá là an toàn. Tuy nhiên, khi có một “yếu tố lạ” đưa vào cơ thể con người thì cơ thể có những phản ứng nhất định và vacxin cũng không ngoại lệ.

Tùy theo cơ địa mà vacxin có thể gây ra một số phản ứng sau tiêm chủng. Những phản ứng này hầu hết là ở mức độ nhẹ, tự khỏi sau 1-2 ngày. Phụ huynh không cần quá lo lắng, chỉ cần theo dõi sát sao thể trạng của trẻ sau tiêm:

– Sốt.

– Sưng đỏ ở chỗ tiêm.

– Người mệt mỏi.

Nếu nhận thấy trẻ có biểu hiện nghiêm trọng sau thì cần đưa tới cơ sở y tế kiểm tra và xử lý kịp thời:

– Sốc phản vệ: người tím tái, khó thở,…

– Quấy khóc không ngừng.

– Phát ban, phù nề (có thể ở mặt hoặc toàn thân).

4. Phụ huynh nên làm gì để bảo vệ trẻ khỏi bệnh truyền nhiễm

Bên cạnh tiêm phòng vaccine thì phụ huynh nên thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ trẻ khỏi 5 bệnh truyền nhiễm kể trên:

– Trước khi chăm sóc con, luôn rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn và nước sạch. Điều này nhằm để loại bỏ vi khuẩn gây bệnh từ bên ngoài có khả năng lây nhiễm sang cho con.

– Trẻ cần giữ tay sạch trước và sau khi ăn/sau khi chơi đồ chơi/chơi đùa với thú cưng hoặc với bạn bè ngoài trời… Vì các vi sinh vật gây bệnh có thể thông qua tay lây truyền qua đường miệng của trẻ mỗi khi trẻ cầm đồ ăn hay mút tay.

– Hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người (siêu thị, công viên, khu vui chơi). Nếu phải ra ngoài, phụ huynh cần đeo khẩu trang cho trẻ, dùng nước rửa tay sát khuẩn, dặn trẻ hạn chế chạm vào các bề mặt công cộng,… Khi về tới nhà thì cần vệ sinh sạch sẽ cho con.

– Tăng cường bổ sung sức đề kháng cho con nhờ chế độ dinh dưỡng với đa dạng các loại thực phẩm. Với trẻ đang ở tuổi ăn dặm, có thể cho bé dùng bột ăn dặm chứa nhiều vitamin và khoáng chất, các loại cháo dinh dưỡng tự nấu ở nhà. ví dụ như sữa tăng đề kháng.

phòng ngừa bệnh truyền nhiễm

Tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng chế độ dinh dưỡng nhiều vitamin và khoáng chất

Trên đây là thông tin giải đáp cho những thắc mắc phổ biến xoay quanh vaccine 5 trong 1 cho trẻ. Vaccine cần được thực hiện đủ liều và đúng lịch để phát huy khả năng bảo vệ trẻ khỏi bệnh truyền nhiễm một cách tốt nhất. Phụ huynh đừng bỏ qua việc làm cần thiết này để trẻ được phát triển và lớn lên khỏe mạnh nhé.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital