Giải đáp khi nào phải mổ sỏi thận, có nguy hiểm không?

Tham vấn bác sĩ
Thầy Thuốc ưu tú, Bác sĩ CKII

Phạm Huy Huyên

Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc, Phụ trách Ngoại thận tiết niệu

Mổ sỏi thận được chỉ định cho các trường hợp sỏi có kích thước rất lớn, gây biến chứng nặng nề, điều trị bằng các phương pháp khác không hiệu quả. Tuy nhiên hiện nay tán sỏi công nghệ cao ít xâm lấn đang dần thay thế mổ lấy sỏi. Nhờ đó người bệnh không phải mổ, không đau, không lo sẹo, phục hồi nhanh mà vẫn xử lý được hết sỏi.

Khi nào phải mổ sỏi thận

Mổ sỏi thận ít được áp dụng hiện nay, đang dần được thay thế bằng các phương pháp tán sỏi hiện đại.

1. Tìm hiểu về mổ sỏi thận

1.1. Các phương pháp mổ sỏi thận

Mổ sỏi thận bao gồm 2 phương pháp chính: mổ mở và mổ nội soi. Tùy theo tình trạng của người bệnh mà bác sĩ sẽ có chỉ định cụ thể. Cả 2 phương pháp này đều cần phải gây mê toàn thân.

– Với mổ nội soi, bác sĩ sẽ tạo một vài vết rạch nhỏ ở vùng xương chậu hoặc gần hố thận. Sau đó đưa máy nội soi và các dụng cụ hỗ trợ khác vào bên trong ổ bụng để tiếp cận với nhu mô thận. Tiếp đến là tiến hành bóc tách tìm kiếm sỏi và gắp bỏ ra bên ngoài.

– Với mổ mở, bác sĩ sẽ tạo một đường rạch dài ở vùng hông để tiếp cận với thận. Sau đó cũng tiến hành bóc tách để lấy sỏi và loại bỏ.

So sánh giữa 2 phương pháp thì mổ nội soi ít đau hơn, sẹo nhỏ không đáng kể. Mổ mở gây đau nhiều hơn, để lại sẹo dài, mất khoảng 4 – 6 tuần để phục hồi hoàn toàn.

1.2. Khi nào phải mổ sỏi thận?

Như đã đề cập ở phần đầu bài viết, mổ sỏi thận ít được áp dụng trong thời điểm hiện tại khi đã có các phương pháp tán sỏi hiệu quả và ít xâm lấn.

Tuy nhiên nếu sỏi có kích thước quá lớn, sỏi phức tạp, không thể loại bỏ hoặc tán vỡ bằng các phương pháp khác thì mổ sỏi thận là lựa chọn cuối cùng.

Bác sĩ sẽ đánh giá cẩn thận tình hình và đưa ra tư vấn điều trị tốt nhất cho người bệnh.

2. Vậy mổ sỏi thận có nguy hiểm không?

Mổ sỏi thận có tồn tại một số rủi ro nhất định như: chảy máu, nhiễm trùng vết mổ, tụ máu ổ bụng, viêm phúc mạc

Do đó người bệnh nên lựa chọn mổ lấy sỏi thận tại các cơ sở y tế uy tín, có đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, trang thiết bị y tế hỗ trợ hiện đại, đảm bảo và chế độ chăm sóc tốt. Những yếu tố này sẽ góp phần giảm thiểu tối đa nguy cơ gặp phải các biến chứng nêu trên.

Tìm hiểu về mổ sỏi thận

Tán sỏi thận ngoài cơ thể được ưa chuộng vì không cần mổ, không đau, không nằm viện.

3. Các phương pháp tán sỏi thay thế mổ sỏi thận

Sỏi thận và sỏi tiết niệu nói chung hoàn toàn có thể điều trị triệt để và nhanh chóng. Điều quan trọng là người bệnh thăm khám và xử lý càng sớm càng tốt.

Các phương pháp tán sỏi công nghệ cao giúp làm sạch sỏi nhanh, ít xâm lấn, an toàn, rút ngắn thời gian điều trị, tiết kiệm thời gian và tiền bạc cho người bệnh.

Có 3 phương pháp tán sỏi đang được áp dụng rộng rãi tại Việt Nam cũng như trên thế giới để điều trị sỏi thận:

– Tán sỏi thận ngoài cơ thể

– Tán sỏi thận nội soi ống mềm

– Tán sỏi thận nội soi qua da đường hầm nhỏ

3.1. Tán sỏi thận ngoài cơ thể

– Chỉ định cho sỏi thận <1.5cm

– Phương pháp này ứng dụng sóng xung kích điện từ đi qua cơ thể hội tụ tại viên sỏi. Nguồn năng lượng cao từ sóng xung kích sẽ làm sỏi vỡ thành các mảnh nhỏ. Vụn sỏi sẽ từ từ trôi ra ngoài theo đường tiểu tiện.

– Người bệnh không cần mổ, không đau, không nằm viện, có thể về nhà ngay sau đó.

– Sóng xung kích chỉ tác động đến sỏi, không ảnh hưởng đến các cơ quan lân cận. Người bệnh không mổ, không cần gây mê nên không phải lo lắng đến các rủi ro sau điều trị như nhiễm trùng vết mổ, chóng mặt, buồn nôn, khô miệng, ớn lạnh, run rẩy…

3.2. Tán sỏi thận nội soi ống mềm

– Chỉ định cho sỏi thận <2.5cm

– Để thực hiện tán sỏi, bác sĩ sẽ đưa ống nội soi mềm đi ngược từ lỗ tiểu lên bàng quang, niệu quản rồi vào thận. Sau khi đã xác định được vị trí của sỏi, tiến hành phát tia laser năng lượng cao để bắn vỡ nó rồi loại bỏ ra ngoài.

– Người bệnh sau tán ít đau, không có vết mổ nên không có sẹo. Thời gian nằm viện khoảng 24h.

Mổ sỏi thận ở đâu tốt

Một ca tán sỏi nội soi qua da đường hầm nhỏ điều trị sỏi thận tại Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc.

3.3. Tán sỏi nội soi qua da đường hầm nhỏ điều trị sỏi thận

– Chỉ định cho sỏi thận >2cm

– Đúng như tên gọi, bác sĩ sẽ tạo rạch một vết nhỏ (khoảng 5mm) ở vùng hông nơi có sỏi. Sau đó sử dụng ống nong tạo một đường hầm vào đến trong thận. Tiếp đến đưa ống nội soi và tia laser vào để tìm sỏi rồi tiến hành bắn vỡ. Sỏi vụn được hút bỏ ra ngoài.

– Bệnh nhân sau tán sỏi nội soi qua da đánh giá ít đau, sẹo nhỏ không đáng kể. Nghỉ ngơi và theo dõi tại bệnh viện khoảng 2 – 3 ngày là có thể về nhà.

– Phương pháp này giúp quan sát toàn bộ các đài bể thận nên không lo sót sỏi, không ảnh hưởng đến chức năng thận.

4. Lời khuyên dành người bị sỏi thận

Qua các thông tin có thể thấy các phương pháp tán sỏi công nghệ cao mang lại cho người bệnh nhiều lợi ích hơn so với mổ lấy sỏi thận.

Do đó bệnh nhân khi phát hiện có các triệu chứng nghi ngờ sỏi thận nên thăm khám để được chẩn đoán và điều trị sớm. Sỏi khi còn nhỏ có thể làm sạch hiệu quả bằng các phương pháp tán sỏi ít xấm lấn, thậm chí không cần đụng đến dao kéo như tán sỏi ngoài cơ thể. Như vậy việc điều trị sẽ trở nên nhẹ nhàng, tâm lý thoải mái, sức khỏe và đời sống sinh hoạt hàng ngày cũng ít bị ảnh hưởng.

Đừng chần chừ quá lâu để sỏi lớn, sỏi quá phức tạp bắt buộc phải mổ mới có thể xử lý hiệu quả.

Hy vọng những thông tin trong bài đã giúp bạn hiểu hơn về mổ sỏi thận cũng như các phương pháp tán sỏi thay thế ít xâm lấn, nhẹ nhàng và giảm bớt các rủi ro.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital