Sâu răng là một bệnh nhiễm khuẩn có ở mọi lứa tuổi. Streptococcus mutans (S.mutans) – cầu khuẩn gram (+) – một phần của hệ vi khuẩn bình thường trong miệng, là nguyên nhân chính khiến chúng ta sâu răng. Vậy, chính xác thì sâu răng từ đâu ra? Trong bài viết sau, Thu Cúc TCI xin chia sẻ với các bạn câu trả lời chi tiết cho câu hỏi này, đọc ngay các bạn nhé!
Menu xem nhanh:
1. Sâu răng là gì?
Sâu răng là một bệnh của tổ chức cứng, biểu hiện bằng sự hủy khoáng và hủy các thành phần tổ chức cứng, tạo nên lỗ hổng trên bề mặt răng. Sâu răng là bệnh nhiễm khuẩn mạn tính, tiến triển từ từ qua nhiều giai đoạn. Giai đoạn sớm có thể chỉ là những đốm nâu hoặc đen trên mặt nhai hay kẽ giữa hai răng, thường khó phát hiện do người bệnh không thấy đau. Chỉ đến khi lỗ sâu lớn, ăn vào lớp ngà thì người bệnh mới đau hoặc ê buốt răng. Lúc này, sâu răng mới được người bệnh phát hiện và điều trị.
Ở thời điểm hiện tại, việc vệ sinh răng miệng đã được chú trọng nhưng tỷ lệ sâu răng vẫn ngày càng tăng ở các nước đang phát triển. Ở Việt Nam, tỷ lệ người trưởng thành và cao tuổi có bệnh lý sâu răng là hơn 80%, khá cao so với các nước trên thế giới cũng như các nước trong khu vực.
2. Giải đáp chi tiết thắc mắc: Sâu răng từ đâu ra?
Để biết sâu răng từ đâu ra, chúng ta phải hiểu 3 yếu tố ảnh hưởng đến khả năng gây sâu răng của S.mutans: Thứ nhất là khả năng sản xuất chất glucan bám dính từ đường sucrose, thứ hai là khả năng dung nạp acid, thứ ba là khả năng sản xuất acid lactic từ đường trong thức ăn.
S.mutans là một vi khuẩn sở hữu các thụ thể đặc biệt, cho phép nó bám vào bề mặt răng dễ dàng hơn các vi khuẩn khác. Khi đã bám vào bề mặt răng, S.mutans tiết ra men Gtase, chuyển hóa đường sucrose trong thức ăn thành chất glucan bám dính, không tan. Chất glucan giúp S.mutans và các vi khuẩn khác tụ tập thành quần thể đông đúc trên bề mặt răng. Quần thể đông đúc này sinh acid như lactobacillus, chuyển hóa đường glucose thành acid lactic, tác động lên răng, làm mất Calci của răng, dẫn tới sâu răng.
2.1. Vai trò của đường trong sâu răng
Sự lên men đường có vai trò vô cùng quan trọng trong việc gây bệnh sâu răng.
Các loại carbohydrate khác nhau có khả năng gây sâu răng khác nhau. Đường trong chế độ ăn được chia thành 2 loại là đường nội sinh (đường tự nhiên) và đường ngoại sinh (đường tổng hợp). Đường ngoại sinh có khả năng gây sâu răng cao hơn, do vậy chúng ta nên giảm đường ngoại sinh trong chế độ ăn.
Các nghiên cứu cho thấy quan hệ giữa đường và tỷ lệ bệnh sâu răng phụ thuộc vào loại và tần suất ăn hơn là tổng lượng đường mỗi cá thể tiêu thụ. Theo đó, nguy cơ sâu răng sẽ cao hơn ở những cá thể ăn đường ngoại sinh và những cá thể ăn đường thường xuyên.
2.2. Vai trò của những yếu tố nguy cơ khác trong sâu răng
– Men răng: Một số vấn đề của men răng như thiểu sản hay kém khoáng hóa có thể ảnh hưởng đến tiến triển của sâu răng. Do khả năng hòa tan men tỷ lệ nghịch với nồng độ fluor của men nên men thiểu sản hay men kém khoáng hóa có khả năng tái khoáng kém hơn răng bình thường.
– Hình thể và vị trí răng: Răng sần sùi hay răng khấp khểnh có nguy cơ sâu răng cao hơn do sự tập trung cũng như lưu giữ mảng bám ở những răng này cao hơn so với những răng khác.
– Tuyến nước bọt: Dòng chảy nước bọt là yếu tố làm sạch tự nhiên, giúp loại bỏ mảnh vụn thức ăn và vi khuẩn trên bề mặt răng. Bên cạnh đó, nước bọt còn cung cấp các ion Ca2, PO43- và fluor tham gia vào quá trình tái khoáng hóa men răng và các bicarbonate tham gia vào quá trình đệm đồng thời tạo một lớp màng mỏng, có vai trò như một hàng rào bảo vệ men răng. Hàng rào này ngăn cản sự khuếch tán các ion acid vào răng và sự di chuyển các sản phẩm hòa tan từ apatite ra khỏi răng. Nó ức chế sự khoáng hóa hình thành cao răng từ các ion calci và phosphat quá bão hòa trong nước bọt. Ngoài ra, nước bọt cũng cung cấp các kháng thể IgM, IgG đề kháng vi khuẩn. Như vậy, nước bọt cung cấp các yếu tố bảo vệ tự nhiên cho răng; sự giảm dòng chảy nước bọt đến mức tối thiểu làm tăng nguy cơ sâu răng. Bằng chứng lâm sàng chúng ta có là: Người khô miệng do tia xạ hoặc do dùng thuốc hay do một số tình trạng bệnh lý toàn thân có tỷ lệ sâu răng rất cao và nặng nề.
– Chỉnh nha, sử dụng hàm giả bán phần, trám răng không đúng quy cách: Những vấn đề đó cũng làm tăng khả năng lưu giữ mảnh vụn thức ăn do đó làm tăng nguy cơ sâu răng.
– Thói quen ăn uống: Việc cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bú bình kéo dài với sữa và các loại chất ngọt khác, đặc biệt là bú trong khi ngủ làm tăng tỷ lệ sâu răng, gây hội chứng bú bình.
Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh sâu răng sẽ ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng ta. Để phòng ngừa bệnh nhiễm khuẩn này, chúng ta ăn uống hợp lý, vệ sinh răng miệng cẩn thận kết hợp với khám răng miệng định kỳ 6 tháng/lần.
Tóm lại, sâu răng là bệnh lý nha khoa phát sinh do hoạt động của cầu khuẩn gram (+) Streptococcus mutans (S.mutans). Hoạt động của cầu khuẩn gram (+) này bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố, như: Lượng đường mà chúng ta tiêu thụ hằng ngày, tình trạng men răng, hình thể và vị trí răng, đặc điểm tuyến nước bọt; trám răng, chỉnh nha, sử dụng hàm giả bán phần và một số thói quen ăn uống tiêu cực.
Phía trên là câu trả lời cho câu hỏi sâu răng từ đâu ra. Với những thông tin được chia sẻ trong bài viết này, hy vọng rằng bạn sẽ bảo vệ hiệu quả sức khỏe răng miệng của bản thân. Thu Cúc TCI chúc bạn có được một hàm răng chắc khỏe và một nụ cười rạng rỡ.