Menu xem nhanh:
1. Glucose trong máu là gì?
Để hiểu được định lượng glucose trong máu là gì, trước hết bạn cần biết: Glucose chính là tên khoa học của đường. Đây là nguồn năng lượng chính trong cơ thể được đốt cháy tại các tế bào tạo ra năng lượng, CO2 và H2O. Đây là nguyên liệu để tổng hợp Glycogen, một số acid amin và các acid béo.
Glucose được điều hòa bởi gan, insulin của tuyến tụy và một số hormon khác. Glucose có nguồn gốc từ thức ăn bên ngoài được hấp thu vào cơ thể. Thông qua quá trình chuyển hóa các chất glucid trong thức ăn. Một phần nhỏ được chuyển hóa từ một số acid amin và acid béo tạo thành các dưỡng chất đi nuôi cơ thể.
Glucose trong máu là lượng đường trong máu hay còn có tên gọi khác là “đường huyết”. Glucose trong máu rất quan trọng, nó giúp cung cấp năng lượng cho các hoạt động của cơ thể. Khi glucose trong máu không đủ là nguyên nhân vì sao chúng ta hay cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt, có khi bị ngất vì lượng đường trong máu không đủ dẫn đến dẫn đến “hạ đường huyết”.
2. Định lượng glucose trong máu là gì?
Chỉ số glucose trong máu hay còn gọi là chỉ số đường huyết. Hàm lượng đường trong máu được xác định thông qua xét nghiệm lượng glucose có trong máu.
Hàm lượng glucose trong máu phản ánh nồng độ đường (glucose) có trong máu hay chỉ số đường huyết trong máu. Với mỗi người, chỉ số này là không giống nhau. Thậm chí chúng có thể thay đổi theo từng phút. Định lượng glucose trong máu giúp chẩn đoán và theo dõi bệnh tiểu đường. Đồng thời được dùng để đánh giá chức năng tuyến tụy nội tiết, chức năng gan và ảnh hưởng của một số hormon khác.
3. Chỉ số glucose trong máu bao nhiêu là ổn định?
Định lượng glucose trong máu để chẩn đoán và kiểm soát bệnh tiểu đường và các rối loạn chuyển hóa carbohydrat khác. Trong các xét nghiệm máu nếu chỉ số glucose trong máu ở mức trung bình từ: 3,9 – 5,6 mmol/L là bình thường.
Khi chỉ số này nằm ngoài giới hạn cho phép tức là thấp hơn hoặc cao hơn mức bình thường, sẽ biểu lộ những dấu hiệu bất ổn về lượng đường trong máu. Cụ thể là:
3.1. Glucose giảm
– Bệnh u tụy.
– Dùng quá liều insulin hay thuốc điều trị tiểu đường.
– Thiểu năng một số tuyến nội tiết: thượng thận, tuyến giáp, tuyến yên.
– Thiểu năng gan, xơ gan giai đoạn cuối.
– Sau cắt đoạn dạ dày.
– Rối loạn hệ thần kinh tự động.
3.2. Glucose tăng cao
– Bệnh tiểu đường, viêm tụy cấp hay mạn tính, các bệnh về tuyến yên hay tuyến thượng thận.
– Bệnh nhân đang dùng ACTH, corticoid.
– Nhiễm độc giáp nặng, choáng, bỏng, viêm màng não, tình trạng stress….
Tuy nhiên lượng glucose trong máu tăng cao thường hay gặp phổ biến nhất ở bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường. Đây cũng là một trong số những chỉ số quan trọng mà các bác sĩ căn cứ để đánh giá tình hàm lượng đường trong máu của bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường. Từ đó có các biện pháp điều chỉnh và điều trị sao cho phù hợp.
4. Định lượng glucose trong máu và bệnh tiểu đường
4.1 Chẩn đoán tiền đái tháo đường
– Rối loạn dung nạp Glucose: nếu glucose huyết tương ở thời điểm 2 giờ sau nghiệm pháp dung nạp glucose bằng đường uống từ 7,8mmol/L đến 11mmol/L.
– Rối loạn glucose máu lúc đói: nếu glucose huyết tương lúc đói (sau ăn 8 giờ) từ 5,6mmol/L đến 6,9mmol/L; và glucose huyết tương ở thời điểm 2 giờ của nghiệm pháp dung nạp glucose máu dưới 7,8 mmol/L.
– Mức HbA1c từ 5,6% đến 6,4%.
4.2 Chẩn đoán đái tháo đường
– Mức glucose huyết tương lúc đói >=7,0mmol/L. Hoặc:
– Mức glucose huyết tương >=11,1mmol/L ở thời điểm 2 giờ sau nghiệm pháp dung nạp glucose bằng đường uống. Hoặc:
– HbA1c >= 6,5% (48 mmol/mol theo Liên đoàn Sinh hóa Lâm sàng Quốc tế). Hoặc:
– Có các triệu chứng kinh điển của tăng glucose huyết hoặc cơn tăng glucose huyết cấp kèm mức glucose huyết tương ở thời điểm bất kỳ >= 11,1mmol/L.
Nếu chỉ số xét nghiệm glucose trong máu của bạn nằm trong khoảng trên thì bạn nên thăm khám với bác sĩ chuyên khoa Nội tiết – Đái tháo đường để được tư vấn sớm và có biện pháp điều chỉnh hàm lượng glucose trong máu sao cho phù hợp, điều trị, cũng như ngăn ngừa chỉ số đường huyết tăng cao gây biến chứng nặng. Cần tránh để bệnh nặng rồi mới điều trị, khi đó vừa tốn kém chi phí mà hiệu quả lại không cao.
5. Vì sao cần xét nghiệm glucose trong máu?
Nếu bị tiểu đường hay rối loạn đường huyết lúc đói thì người bệnh cũng không quá lo lắng. Với chế độ ăn ít tinh bột, giữ cân nặng ở mức hợp lý, sống lạc quan và duy trì hoạt động thể dục thể thao đều đặn sẽ giúp cơ thể sống khỏe mạnh và hoạt động bình thường.
Định lượng glucose trong máu là một chỉ số quan trọng, giúp phát hiện và chữa trị kịp thời bệnh tiểu đường, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Bên cạnh đó, để duy trì chỉ số đường huyết ổn định, chúng ta cũng nên có một chế độ ăn uống hợp lý, ít đồ ngọt, kết hợp vận động, tập luyện sức khỏe thường xuyên. Đặc biệt là thăm khám sức khỏe định kỳ và làm các xét nghiệm kiểm tra chỉ số glucose trong máu để đánh giá và theo dõi tình hình sức khỏe một cách tốt nhất.