Viêm xoang là một bệnh rất phổ biến, đa số trường hợp do nhiễm trùng, nhiễm virut, nhiễm nấm. Bệnh chia thành hai giai đoạn: viêm xoang mũi cấp và mạn tính. Để điều trị viêm xoang mũi cần dựa vào từng giai đoạn bệnh cụ thể.
Bản chất của bệnh viêm xoang mũi là tình trạng niêm mạc mũi bị viêm, bị tổn thương cho nên nó không thực hiện được các chức năng của mình. Lâu ngày gây ứ đọng các dịch nhầy bẩn, các dịch nhầy này bám vào thành hốc xoang, dần dần lấp đầy hốc xoang, làm hẹp, tắc lỗ thông xoang dẫn đến viêm nhiễm tạo mủ trong các hốc xoang.
Viêm xoang mũi do rất nhiều nguyên nhân như: Viêm xoang mũi do dị ứng, viêm xoang mũi vận mạch, viêm mũi xoang nhiễm khuẩn, viêm mũi mạn tính do thuốc xịt mũi, viêm mũi do nội tiết. Ngoài ra, viêm xoang mũi còn do vẹo vách ngăn, do polyp mũi hoặc VA (sùi vòm họng) phì đại thường biểu hiện bằng nghẹt mũi một bên mạn tính.
Để điều trị viêm xoang mũi cần dựa vào nguyên nhân và mức độ bệnh cụ thể. Với những trường hợp viêm xoang mũi do cảm cúm nên dùng thuốc cảm thông thường như paracetamol, chlorpheniramine, giảm đau, thuốc chống dị ứng; phun khí dung hoặc thủ thuật Proezt (súc rửa xoang) để đưa dung dịch thuốc vào xoang sàng.
Khi điều trị nội khoa bằng thuốc không bớt, bác sĩ sẽ chọc xoang hàm để rút mủ hoặc phẫu thuật để cắt polyp mũi, chỉnh hình vách ngăn, nạo xoang… Trường hợp viêm mũi xoang do răng, cần phải nhổ răng gây bệnh.
Sử dụng thuốc điều trị viêm xoang phụ thuộc vào loại viêm xoang và nguyên nhân gây ra viêm xoang. Hầu hết các trường hợp viêm xoang mũi cấp tính không cần phải điều trị vì tác nhân gây bệnh thường do virus vốn gây bệnh cảm cúm thông thường.
Ngoài ra, người bệnh có thể được chỉ định các loại thuốc để điều trị viêm xoang mũi như:
– Thuốc kháng histamine (chlorpheniramin, promethazin, acrivastin, levocetirizine, loratadine… ) Các loại thuốc này rất hiệu quả đối với ngứa và sổ mũi do dị ứng nhưng không có tác dụng chữa nghẹt mũi.
– Thuốc Corticoid (dạng xịt, dạng uống): Các thuốc này giúp ngăn ngừa và điều trị tình trạng viêm.
– Thuốc co mạch giúp thông mũi: Các dược chất thường dùng là phenylpropanolamin, pseudoephedrin. Thuốc khá hiệu quả trong việc làm thông mũi nhưng cũng có tác dụng phụ nên người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
– Thuốc giảm đau (aspirin, acetaminophen hoặc ibuprofen…)
– Thuốc kháng sinh: Trong trường hợp bị nhiễm trùng nặng, bệnh bị tái phát hoặc kéo dài dai dẳng thì việc sử dụng thuốc kháng sinh mới là cần thiết.
– Thuốc kháng sinh dùng để điều trị viêm xoang cấp tính gây ra do nhiễm vi khuẩn bao gồm amoxicillin,…. Việc dùng thuốc đúng, đủ và đều đặn có thể diệt được vi khuẩn. Ngược lại, nếu dùng thuốc không đúng chỉ định, vi khuẩn sẽ nhờn thuốc, gây bùng phát bệnh trở lại.
– Thuốc kháng nấm: khi viêm xoang do nhiễm nấm. Liều dùng thuốc – cũng như dùng thuốc trong bao lâu phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng nhiễm nấm cũng như tốc độ đáp ứng của bệnh.
Trong bệnh lý mũi xoang mạn tính, rửa mũi giúp làm sạch hố mũi, các khe thông mũi xoang và các xoang, tránh sự ứ đọng dịch nhầy, đờm mủ, giúp hồi phục chức năng vận chuyển của niêm mạc mũi xoang, giúp làm nhẹ các triệu chứng chảy mũi, nghẹt mũi, chảy mũi sau, nhức đầu, hơi thở hôi.
Điều trị viêm mũi xoang cần phải được thực hiện nhanh chóng, kịp thời, đúng phương pháp mới mang lại hiệu quả cao. Vì thế người bệnh viêm mũi xoang cần tìm đến các cơ sở y tế, bệnh viện có chuyên khoa Tai mũi họng để được tư vấn chữa trị sớm.