Điều trị viêm ruột thừa trẻ em như thế nào?

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ 

Chu Xuân Hưng

Bác sĩ Tiêu hóa - Nội soi

Viêm ruột thừa có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, thậm chí trẻ 3 – 4 tuổi cũng có thể mắc bệnh. Tuy nhiên những trường hợp này rất khó chẩn đoán vì trẻ chưa biết diễn đạt rõ ràng. Hơn nữa đau ruột thừa có triệu chứng đau bụng tương tự như dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe khác. Vậy dấu hiệu nhận biết cũng như điều trị viêm ruột thừa ở trẻ như thế nào?

dieu-tri-viem-ruot-thua-o-tre-em-nhu-the-nao-2-compressor

Viêm ruột thừa có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, thậm chí trẻ 3 – 4 tuổi cũng có thể mắc bệnh.

Nhận biết viêm ruột thừa ở trẻ em

Trẻ có khả năng bị viêm ruột thừa thường có những dấu hiệu sau: đau bụng vùng quanh rốn, hố chậu phải; sốt nhẹ; buồn nôn và nôn; bụng trướng; đại tiện lỏng.

Triệu chứng điển hình của viêm ruột thừa là đau vùng bụng dưới bên phải, đau thường bắt đầu vùng quanh rốn trước khi khu trú ở hố chậu phải.

Trẻ bị viêm ruột thừa thường có môi khô lưỡi dơ, biểu hiện tình trạng nhiễm trùng. Hầu hết trẻ đều sốt nhẹ, dao động 38 – 38,5oC  tuy nhiên một số trường hợp không có triệu chứng này, chỉ khi đoạn ruột thừa viêm bị vỡ mới sốt. Ngoài ra, bé thường mệt mỏi, chán ăn, bụng trướng do ruột bị kích thích kèm theo buồn nôn, nôn ói. Tiêu chảy có thể có hoặc không, nếu có sẽ giúp làm tăng khả năng chẩn đoán. Biểu hiện nôn và tiêu chảy ở trẻ viêm ruột thừa cũng dễ bị nhầm với chứng bệnh  rối loạn tiêu hóa.

dieu-tri-viem-ruot-thua-o-tre-em-nhu-the-nao-1-compressor

Trẻ có khả năng bị viêm ruột thừa thường có những dấu hiệu sau: đau bụng vùng quanh rốn, hố chậu phải; sốt nhẹ; buồn nôn và nôn; bụng trướng; đại tiện lỏng.

Các triệu chứng này có thể xuất hiện không đầy đủ vì vậy các bậc phụ huynh cần đưa con đi khám nếu trẻ đau bụng nhiều, không giảm sau 1 – 2 giờ kèm theo dấu hiệu nôn, đi lỏng hoặc sốt để được các bác sĩ trực tiếp theo dõi. Ngoài ra, phụ huynh không nên tự ý dùng thuốc giảm đau cho trẻ nếu trẻ đau bụng mà chưa xác định nguyên nhân, vì thuốc có thể làm mất các triệu chứng bệnh và gây khó khăn cho việc chẩn đoán của bác sĩ.

Chẩn đoán viêm ruột thừa trẻ em

Viêm ruột thừa nếu không được phát hiện và xử trí trong vòng 48h thì trẻ có khả năng cao bị hoại tử và vỡ ruột thừa. Vì vậy nếu trẻ xuất hiện những triệu chứng nghi ngờ viêm ruột thừa hãy đưa trẻ đi cấp cứu càng sớm càng tốt.

Khó khăn trong chẩn đoán viêm ruột thừa là chưa có một xét nghiệm đặc hiệu nào giúp khẳng định chắc chắn trẻ bị mắc. Tuy nhiên để chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ hỏi triệu chứng và chỉ định một số xét nghiệm hình ảnh như siêu âm hay chụp CT. Xét nghiệm máu và nước tiểu có thể giúp xác nhận chẩn đoán viêm ruột thừa và phân biệt với một số căn bệnh khác.

dieu-tri-viem-ruot-thua-o-tre-em-nhu-the-nao-3-compressor

Trẻ cần được cấp cứu kịp thời khi viêm ruột thừa

Điều trị viêm ruột thừa trẻ em

Để điều trị viêm ruột thừa trẻ em thì phẫu thuật cắt bỏ phần ruột bị viêm là phương pháp tốt nhất. Nếu trẻ chưa bị vỡ ruột thừa, bác sĩ sẽ kê đơn kháng sinh rồi lên lịch để cắt bỏ ruột thừa cho trẻ.

Trong trường hợp ruột thừa bị vỡ, bác sĩ sẽ phẫu thuật loại bỏ ruột thừa và rửa ổ bụng – nơi ruột thừa đã bị vỡ. Thủ thuật rửa ổ bụng giúp đảm bảo vi khuẩn trong ruột thừa không xâm lấn sang các bộ phận khác của cơ thể, gây nhiễm trùng nặng hơn. Bên cạnh đó, trẻ cũng cần phải lưu lại bệnh viện lâu hơn để truyền kháng sinh tĩnh mạch giúp phòng nguy cơ nhiễm khuẩn.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital