Điều trị loét dạ dày: Những điều bạn không nên bỏ qua

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ

Trịnh Văn Dương

Bác sĩ Tiêu hóa - Nội soi

Điều trị loét dạ dày thế nào cho an toàn và hiệu quả là mong muốn tìm hiểu của rất nhiều người, khi đây là bệnh lý phổ biến trong xã hội hiện đại. Căn bệnh này liên quan đến tổn thương ở lớp niêm mạc dạ dày do acid dịch vị và các yếu tố nguy cơ khác. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, người bệnh có thể phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm như xuất huyết, thủng dạ dày hoặc thậm chí ung thư hóa.

Bài viết dưới đây hy vọng mang đến cái nhìn toàn diện về nguyên nhân, triệu chứng và các phương pháp điều trị loét dạ dày hiệu quả, an toàn, thông dụng.

1. Loét dạ dày là gì?

Loét dạ dày (còn gọi là viêm loét dạ dày tá tràng) là tình trạng lớp niêm mạc bên trong dạ dày bị tổn thương, gây nên các vết loét do mất cân bằng giữa các yếu tố bảo vệ và tấn công niêm mạc.
Người bệnh thường có các biểu hiện như:
Đau âm ỉ vùng thượng vị, thường xuất hiện khi đói hoặc sau ăn.
Ợ chua, ợ hơi, buồn nôn hoặc đầy bụng.
Mất ngủ, chán ăn, sụt cân không rõ nguyên nhân.
Trong một số trường hợp nặng, có thể nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen.
Việc nhận biết sớm các triệu chứng và áp dụng đúng phương pháp điều trị loét dạ dày sẽ giúp ngăn ngừa tái phát và biến chứng nguy hiểm.

Áp dụng đúng phương pháp điều trị loét dạ dày sẽ giúp ngăn ngừa tái phát và biến chứng

Áp dụng đúng phương pháp điều trị loét dạ dày sẽ giúp ngăn ngừa tái phát và biến chứng

2. Nguyên nhân gây loét dạ dày

Hiểu rõ nguyên nhân là cơ sở để điều trị loét dạ dày hiệu quả. Một số yếu tố chính dẫn đến loét dạ dày bao gồm:

2.1 Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP)

Đây là nguyên nhân phổ biến nhất. HP có khả năng tồn tại trong môi trường acid cao của dạ dày và phá hủy lớp chất nhầy bảo vệ niêm mạc, gây loét.

2.2 Sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs)

Các loại thuốc như aspirin, ibuprofen… nếu dùng lâu dài hoặc không đúng cách sẽ gây tổn thương dạ dày.

2.3 Thói quen sống không lành mạnh

Ăn uống thất thường, thường xuyên bỏ bữa hoặc ăn quá no.
Dùng nhiều thức ăn cay nóng, dầu mỡ, cà phê, rượu bia.
Hút thuốc lá, căng thẳng kéo dài.

3. Các phương pháp chẩn đoán loét dạ dày

3.1 Nội soi dạ dày (Nội soi tiêu hóa trên)

Đây là phương pháp chẩn đoán loét dạ dày chính xác nhất hiện nay.
Bác sĩ sẽ đưa một ống nội soi mềm, nhỏ qua đường miệng để quan sát trực tiếp niêm mạc dạ dày.
Có thể xác định được vị trí, kích thước và mức độ vết loét.
Đồng thời, nội soi cho phép sinh thiết niêm mạc để kiểm tra sự hiện diện của vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) và tầm soát ung thư dạ dày.
Ưu điểm: Độ chính xác cao, có thể phát hiện cả những tổn thương nhỏ.

3.2 Xét nghiệm tìm vi khuẩn HP

Vì HP là nguyên nhân chính gây loét dạ dày, việc xác định có nhiễm vi khuẩn này hay không là cực kỳ quan trọng trong chẩn đoán và điều trị.
Test hơi thở ure (Urea breath test): Người bệnh uống dung dịch chứa ure, nếu có HP thì vi khuẩn sẽ phân hủy ure tạo khí CO₂, được đo qua hơi thở.
Xét nghiệm phân: Tìm kháng nguyên HP trong mẫu phân.
Xét nghiệm máu: Phát hiện kháng thể chống HP (ít chính xác hơn).
Sinh thiết mô qua nội soi: Kiểm tra trực tiếp mô dạ dày dưới kính hiển vi hoặc nuôi cấy vi khuẩn.
Ưu điểm: Phát hiện chính xác HP giúp lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp.

3.3 Chụp X-quang dạ dày có cản quang

Bệnh nhân sẽ uống một dung dịch chứa barium sulfat, sau đó được chụp X-quang để quan sát hình ảnh niêm mạc dạ dày.
Có thể phát hiện vết loét, khối u hoặc các bất thường trong cấu trúc dạ dày.
Tuy nhiên, phương pháp này có hạn chế là độ chính xác thấp hơn nội soi, không cho phép sinh thiết hay phát hiện tổn thương nhỏ.

3.4 Xét nghiệm máu, phân tích công thức máu

Nhằm kiểm tra tình trạng thiếu máu (trong trường hợp loét gây chảy máu).
Kiểm tra chức năng gan, thận trước khi kê toa thuốc điều trị loét dạ dày.

Loét dạ dày có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

Loét dạ dày có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

4. Phương pháp điều trị loét dạ dày

4.1 Phác đồ điều trị loét dạ dày phổ biến

Đây là phương pháp chính, được các bác sĩ áp dụng phổ biến trong điều trị loét dạ dày. Sau khi người bệnh được thăm khám lâm sàng ban đầu và thực hiện một số biện pháp cận lâm sàng cần thiết để có kết quả chẩn đoán chính xác, các loại thuốc có thể được chỉ định bao gồm:
Thuốc ức chế bơm proton (PPI): Giúp giảm tiết acid mạnh, hỗ trợ lành vết loét nhanh.
Thuốc kháng H2: Có tác dụng tương tự PPI nhưng thường nhẹ hơn.
Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày: Giúp tạo lớp màng bao phủ vết loét, hỗ trợ chữa lành.
Kháng sinh tiêu diệt HP: Áp dụng khi có xét nghiệm dương tính với HP, thường sử dụng phác đồ 3-4 thuốc phối hợp trong 10-14 ngày.

4.2 Hỗ trợ điều trị bằng cách thay đổi lối sống và chế độ ăn

Một phần quan trọng trong quá trình điều trị loét dạ dày là xây dựng lối sống và chế độ ăn uống lành mạnh:
Ăn đúng giờ, chia nhỏ bữa ăn.
Tránh thức ăn cay, chua, nóng, đồ uống có cồn và caffein.
Tăng cường thực phẩm giàu chất xơ, vitamin A, E như rau xanh, chuối, bơ…
Ngủ đủ giấc, giảm stress bằng thiền, yoga hoặc thể thao nhẹ nhàng.

4.3 Điều trị loét dạ dày bằng thảo dược – Liệu có nên?

Sử dụng thảo dược là một cách chữa được một bộ phận người dân thực hiện. Với cách chữa này, các chuyên gia đưa ra lưu ý: Thảo dược chỉ nên sử dụng như phương pháp hỗ trợ, không thay thế phác đồ điều trị y khoa.

Nội soi không đau bằng công nghệ hiện đại tại TCI

Nội soi không đau bằng công nghệ hiện đại tại TCI

5. Phòng ngừa tái phát sau điều trị loét dạ dày

Sau khi điều trị thành công, bệnh loét dạ dày vẫn có khả năng tái phát nếu người bệnh không giữ gìn. Để phòng ngừa hiệu quả, bạn cần:
Tái khám định kỳ để kiểm tra vi khuẩn HP và theo dõi tình trạng vết loét.
Không tự ý ngừng thuốc khi chưa hết liệu trình.
Hạn chế sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm nếu không có chỉ định.
Duy trì lối sống khoa học, hạn chế stress và giữ tâm lý tích cực.

6. Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Nếu bạn gặp phải các triệu chứng sau đây, hãy đến ngay cơ sở y tế có chuyên khoa tiêu hóa uy tín để được chẩn đoán và điều trị kịp thời:

Đau bụng kéo dài hoặc dữ dội.
Nôn ra máu, đi ngoài phân đen.
Sút cân nhanh, cơ thể mệt mỏi, mất ngủ.
Đã từng điều trị nhưng bệnh liên tục tái phát.

Đặc biệt, người bệnh cần lưu ý không nên tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Bởi vì điều này có thể làm che giấu triệu chứng, hoặc điều trị sai thuốc khiến bệnh nặng thêm.

Như vậy, điều trị loét dạ dày không chỉ là việc sử dụng thuốc để làm giảm triệu chứng mà là một quá trình toàn diện, đòi hỏi sự phối hợp giữa bác sĩ và người bệnh trong việc tuân thủ phác đồ điều trị, thay đổi thói quen sống và theo dõi sức khỏe định kỳ. Bằng cách chủ động chăm sóc bản thân và điều trị đúng cách, bạn hoàn toàn có thể kiểm soát bệnh loét dạ dày, nâng cao chất lượng cuộc sống và phòng tránh được những biến chứng nguy hiểm.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital