Dấu hiệu viêm dạ dày, nguyên nhân và cách điều trị

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Các dấu hiệu viêm dạ dày có lúc rõ ràng có lúc không nên dễ bị nhầm lẫn sang đau bụng thông thường. Hiểu rõ về các triệu chứng giúp bạn phát hiện bệnh sớm. Viêm dạ dày do nhiều nguyên nhân gây ra có các phương pháp điều trị khác nhau.

1. Viêm dạ dày là gì?

Viêm dạ dày là tổn thương gây viêm loét trên bề mặt dạ dày. Lớp niêm mạc bảo vệ cuối cùng của dạ dày bị bào mòn làm lộ ra lớp mô tế bào bên dưới. Các dấu hiệu viêm dạ dày có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi. Tỷ lệ chiếm đa số ở người già. Nếu bệnh không được điều trị sớm có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Viêm dạ dày là khi trên bề mặt niêm mạc xuất hiện các vết viêm loét

Viêm dạ dày là khi trên bề mặt niêm mạc xuất hiện các vết viêm loét

2. Dấu hiệu viêm dạ dày điển hình

Một số trường hợp bệnh có triệu chứng rõ ràng. Nhưng cũng có những trường hợp bệnh không có triệu chứng rõ rệt. Các biểu hiện điển hình thường gặp là:

2.1. Đau nhói vùng thượng vị

Đây là dấu hiệu thường gặp nhất của người bị đau dạ dày. Người bệnh thường đau âm ỉ, đau nóng rát rất khó chịu ở vùng thường vị.

Cơn đau có thể xuất hiện từ vùng bụng lên ngực ra lan cả ra sau lưng. Khi thời tiết thay đổi hoặc giao mùa cơn đau sẽ xuất hiện và tái đi tái lại.

– Nếu đau dạ dày tá tràng thì cơn đau thượng vị thường liên quan tới bữa ăn và có tính chu kỳ

– Bệnh nhân bị viêm loét tá tràng dạ dày thì cơn đau có tính chu kỳ

– Người bị ung thư dạ dày thì cơn đau bụng kéo dài liên tục

– Người bị loét tá tràng thì cơn đau xuất hiện khi đói

– Bệnh nhân bị viêm loét dạ dày thì khi ăn sẽ bị đau thượng vị, khi đói lại không có cảm giác đau

2.2 Ăn uống kém hơn

Người có dấu hiệu viêm dạ dày khi ăn uống sẽ kém ngon miệng, chán ăn. Nguyên nhân xảy ra điều này do thức ăn được tiêu hóa chậm gây ra cảm giác đầy bụng.

2.3 Ợ rát, ợ chua là dấu hiệu viêm dạ dày

Đây là một trong những triệu chứng đặc trưng nhất của bệnh dạ dày. Hiện tượng này xảy ra do chức năng của dạ dày hoạt động không tốt. Thức ăn không được tiêu hóa hết dẫn tới tình trạng lên men. Hơi trong dạ dày được thoát ra ngoài bằng cách ợ. Người bệnh sẽ thấy có vị chua hoặc đắng khi hơi lên trên họng.

2.4 Cảm giác buồn nôn, nôn

Các bệnh lý viêm dạ dày cấp, viêm loét dạ dày, xuất huyết dạ dày có thể gây ra buồn nôn. Sau khi ăn người bệnh thường thấy đau rát vùng thượng vị sau đó lan lên xương ức gây cảm giác buồn nôn. Nôn nhiều gây ra các hệ lụy như: Mất nước và điện giải trong dịch dạ dày. Nặng hơn có thể gây rách niêm mạc thực quản, trụy tim mạch, hạ huyết áp,…Bệnh nhân thường sẽ sụt cân nhanh dẫn tới phù nề, thiếu máu,…

2.5 Xuất huyết tiêu hóa

Mạch máu bị vỡ khiến máu chảy vào lòng ống tiêu hóa được gọi là chảy máu tiêu hóa. Khi dạ dày chảy máu sẽ có dấu hiệu: Nôn ra máu tươi hoặc den, trong phân có lẫn máu đỏ tươi hoặc đen. Người bệnh sẽ bị choáng váng, tụt huyết áp, hoa mắt. Đây là dấu hiệu vô cùng nghiêm trọng cảnh báo các bệnh lý như: Viêm dạ dày cấp, tĩnh mạch thực quản bị vỡ do bệnh gan, ung thư dạ dày. Nếu xuất huyết tiêu hóa không được cấp cứu kịp thời để ngăn chặn có thể sẽ nguy hiểm tới tính mạng.

Ngay khi phát hiện các dấu hiệu trên, người bệnh cần tới gặp các bác sĩ chuyên khoa để chẩn đoán và điều trị.

Đau thượng vị là dấu hiệu viêm dạ dày dễ nhận biết

Đau thượng vị là dấu hiệu viêm dạ dày dễ nhận biết

3. Nguyên nhân bệnh viêm dạ dày

Viêm dạ dày nói riêng và các bệnh về tiêu hóa nói chung thường bắt nguồn từ một số nguyên nhân cơ bản. Có những nguyên nhân khách quan và những nguyên nhân chủ quan gây ra.

– Do nhiễm vi khuẩn HP, tên đầy đủ là Helicobacter pylori. Vi khuẩn sau khi xâm nhập vào cơ thể sẽ sinh sống và phát triển tại lớp nhầy của niêm mạc dạ dày. Chúng tiết ra độc tố tấn công làm mất khả năng chống lại acid của niêm mạc. Đây là nguyên nhân chính gây viêm dạ dày mạn tính phát triển thành loét hoặc ung thư.

– Các loại thuốc kháng viêm giảm đau cũng là một yếu tố gây bệnh. Khi sử dụng các loại thuốc này trong thời gian dài sẽ gây ức chế các chất bảo vệ niêm mạc dạ dày gây viêm.

– Các trạng thái cảm xúc tiêu cực như: Căng thẳng, tức giận, lo lắng, buồn phiền sẽ gây mất cân bằng chức năng dạ dày. Khi này dịch vị dạ dày sẽ tăng tiết làm cho lớp niêm mạc bảo vệ dạ dày bị tổn thương. Các ổ viêm loét cũng bắt nguồn từ đây.

– Lối sống không điều độ: Ăn uống không đúng bữa, bỏ bữa, ăn quá no hoặc quá đói sẽ ảnh hưởng không tốt tới hoạt động của dạ dày. Sử dụng nhiều đồ uống có cồn, chất kích thích cũng khiến dạ dày phải hoạt động quá sức khiến niêm mạc bị tổn thương

– Do các bệnh lý khác gây ra, nguyên nhân tự miễn hoặc do các loại hóa chất ăn mòn tế bào,….

Vi khuẩn HP là tác nhân chính gây bệnh

Vi khuẩn HP là tác nhân chính gây bệnh

4. Những lựa chọn trong điều trị dấu hiệu viêm dạ dày

Việc điều trị viêm dạ dày sẽ thường dựa trên nguyên nhân cự thể gây bệnh. Các bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng và hỏi về các triệu chứng cũng như tiền sử bệnh. Đối với trường hợp viêm dạ dày do sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm NSAIDs, corticosteroid thì cần ngưng sử dụng thuốc ngay.

4.1 Điều trị dấu hiệu viêm dạ dày bằng thuốc

Điều trị nội khoa là cách được sử dụng phổ biến hiện nay. Ưu điểm của phương pháp này là dễ thực hiện và mang lại hiệu quả nhanh chóng.

– Thuốc kháng sinh diệt vi khuẩn HP: Sau khi thực hiện các hình thức xét nghiệm để chẩn đoán bệnh nhân dương tính với khuẩn HP bác sĩ sẽ kê đơn phối hợp thuốc kháng sinh. Bạn cần lưu ý uống đủ thuốc theo đơn kê. Thời gian điều trị thường trong khoảng 1 – 2 tuần.

– Thuốc ức chế bơm proton (PPI): Nhóm thuốc này có tác dụng làm giảm tiết acid bằng cách ức chế hoạt động của tế bào sản xuất acid trong dạ dày. Các loại thuốc này khi sử dụng trong thời gian dài với liều cao có thể gây tác dụng phụ: Gãy xương cổ tay, xương hông, cột sống.

– Thuốc chẹn histamin H2: Thuốc có tác dụng giảm lượng acid được đưa vào trong hệ tiêu hóa. Giúp giảm dấu hiệu viêm dạ dày và thúc đẩy chữa lành tổn thương.

– Thuốc trung hòa và kháng acid dạ dày: Các loại thuốc này có tác dụng giảm đau nhanh chóng. Phản ứng thường xuất hiện khi sử dụng thuốc là tiêu chảy hoặc táo bón tùy thuốc vào hoạt chất trong thuốc.

4.2 Thay đổi lối sống và các biện pháp tại nhà

Một số trường hợp viêm dạ dày do ảnh hưởng của thói quen ăn uống và lối sống. Vì vậy bên cạnh việc sử dụng thuốc thì người bệnh nên kết hợp thay đổi một số thói quen để giữ cho dạ dày khỏe mạnh.

– Chia nhỏ bữa ăn. Ăn nhiều bữa trong ngày để giúp dạ dày không bị hoạt động quá sức

– Ăn uống đúng giờ, tuyệt đối không bỏ bữa, ăn quá no hoặc để quá đói

– Không thức khuya, tránh các cảm xúc tiêu cực như: Căng thẳng, giận dữ, lo lắng, buồn phiền,…

– Hạn chế ăn các thực phẩm gây kích ứng dạ dày như: Đồ ăn cay nóng, đồ chiên rán nhiều giàu mỡ

– Tránh xa các loại đồ uống có cồn, trà, cafe và đặc biệt là thuốc lá vì chúng chứa nhiều chất độc gây kích ứng niêm mạc dạ dày

– Cân nhắc khi sử dụng các loại thuốc giảm đau vì chúng làm tăng nguy cơ viêm dạ dày. Nếu bắt buộc phải sử dụng thuốc bạn nên trao đổi với bác sĩ để lựa chọn loại thuốc an toàn.

Người bệnh nên chia nhỏ bữa ăn để dễ tiêu hóa

Người bệnh nên chia nhỏ bữa ăn để dễ tiêu hóa

Mong rằng qua bài viết bạn đã hiểu chi tiết hơn về các dấu hiệu viêm dạ dày nhằm giúp phát hiện bệnh sớm. Bệnh viêm dạ dày nếu được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ không gây ra nguy hiểm với người bệnh.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital