Viêm gan B hay còn gọi là bệnh viêm gan virus B dễ biến chứng xơ gan, ung thư gan nếu người bệnh không được can thiệp kịp thời. Cùng chúng tôi tìm hiểu kỹ hơn về con đường từ viêm gan B chuyển sang xơ gan, cách phát hiện sớm và kiểm soát hiệu quả viêm gan B trong bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Từ viêm gan B chuyển sang xơ gan, ung thư gan
1.1 Viêm gan B gây suy gan cấp
Một trong những biến chứng nguy hiểm của viêm gan virus B là có thể gây suy gan cấp. Lúc này gan hầu như bị suy giảm chức năng một cách nghiêm trọng. Đây là tình trạng cấp tính, nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy thận, suy đa tạng và tử vong.
Người bệnh bị suy gan cấp thường có biểu hiện mệt mỏi, buồn nôn, vàng da, chán ăn, rối loạn đông máu, bệnh lý não do gan.
1.2 Viêm gan B chuyển sang xơ gan và xơ gan mất bù
Theo Y học, bản chất viêm gan virus B gây xơ gan mất bù là do virus viêm gan B tấn công liên tiếp trong thời gian dài, khiến tế bào Kupffer hoạt động quá mức và sản sinh ra nhiều chất gây viêm gây kích hoạt tế bào gan sản sinh mô sợi. Khi các chất xơ được tạo ra ngày càng nhiều, điều này có thể làm thay đổi hoàn toàn cấu trúc của gan hình thành các mô sẹo, các nốt gan bất thường, khiến gan bị chai cứng và không còn khả năng phục hồi.
Hiểu một cách đơn giản khác, xơ gan mất bù là quá trình tổn thương gan lan tỏa mạn tính do xơ hóa và hoại tử tế bào gan (nguyên nhân do virus viêm gan B tấn công) làm hình thành các nốt gan bất thường và khiến chức năng gan bị giảm dần đi và không thể phục hồi (mất bù).
Biểu hiện của người bị xơ gan mất bù là: mệt mỏi, chán ăn, gầy sút, rối loạn tiêu hóa, phù hai chi trước, tăng áp lực tĩnh mạch gây cổ trướng, bụng phình to. Biến chứng có thể gặp phải như nhiễm khuẩn, chảy máu tiêu hóa, hôn mê gan, tử vong.
1.3 Viêm gan B biến chứng ung thư gan
Theo thống kê, khoảng 80% bệnh nhân bị ung thư gan là do tiến triển từ viêm gan virus B. Hiện Y học lý giải điều này là do sự tấn công liên tục của virus viêm gan B, khiến các chất gây viêm sản sinh liên tục do sự hoạt động quá mức của tế bào Kupffer, điều này làm tăng hiện tượng chết tự nhiên của các tế bào gan và vừa tăng sinh những tế bào gan mới. Khi tế bào gan chết bao nhiêu thì tế bào gan mới được hình thành bấy nhiêu, điều này đẩy cao nguy cơ đột biến tự phát làm hình thành các tế bào gan lập dị dẫn đến ung thư gan.
Tùy thuộc vào mức độ sinh sôi của lượng virus viêm gan B và tình trạng sức khỏe của người bệnh mà thời gian tiến triển từ viêm gan virus B đến ung thư gan có thể kéo dài trong khoảng từ 10 đến 20 năm.
Những dấu hiệu ban đầu của bệnh ung thư gan thường rất mờ nhạt và dễ nhầm lẫn, chỉ đến khi ung thư bước vào giai đoạn cuối thì các triệu chứng mới rầm rộ hơn như: chướng bụng, chán ăn, sụt cân nhanh chóng, mệt mỏi thường xuyên, buồn nôn và nôn, vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm, sốt, phù chi, rối loạn tiêu hóa,…
2. Phát hiện sớm và kiểm soát hiệu quả viêm gan B
2.1 Phát hiện sớm virus viêm gan B bằng cách nào?
Hiện nay, tỷ lệ người Việt Nam bị nhiễm virus viêm gan B cán mốc hơn 8 triệu người, đứng vị trí thứ 2 trên thế giới về tỷ lệ nhiễm viêm gan B ở các nước. Nhưng điều đáng buồn là tỷ lệ người bệnh được phát hiện và kiểm soát còn khá ít, do đó tỷ lệ người bệnh nhập viện muộn khi đã xuất hiện xơ gan, ung thư gan do nguyên nhân virus viêm gan B biến chứng ở nước ta vẫn còn cao.
Phát hiện sớm virus viêm gan B không hề khó:
– Trước hết bạn sẽ được khám lâm sàng với bác sĩ chuyên khoa gan mật và khai thác tiền sử bệnh.
– Sau đó bạn sẽ được chỉ định làm xét nghiệm máu (cận lâm sàng) để định lượng các chỉ số: HBsAg, Anti-HBs (HBsAb), HBeAg, Anti-HBe (HBeAb), Anti-HBc, Anti-HBc IgM. Có thể đo hoạt độ AST, ALT, Bilirubin để thêm dữ liệu chẩn đoán mức độ tổn thương gan.
Sau khi có kết quả, bác sĩ sẽ căn cứ vào kết quả đó, chẩn đoán phân biệt với viêm gan do các nguyên nhân khác, rồi từ đó mới đưa ra kết luận chính xác rằng bạn có nhiễm virus viêm gan B hay không.
2.2 Kiểm soát tốt để ngăn chặn viêm gan B chuyển sang xơ gan, ung thư gan
Điểm mấu chốt là bạn cần được thăm khám và phát hiện sớm virus viêm gan B nếu có. Sau khi virus viêm gan B xâm nhập vào cơ thể người bệnh ở tuổi trưởng thành nếu được phát hiện sớm ở giai đoạn cấp tính có tới 95% người bệnh có thể khỏi. Nhưng khi bệnh đã chuyển sang mạn tính thì phải chấp nhận sống chung với virus viêm gan B suốt đời.
Khi đã được chẩn đoán mắc viêm gan B mạn tính, người bệnh cần tuân thủ theo đúng chỉ định điều trị của bác sĩ như luôn phải uống thuốc đúng hẹn, uống thuốc vào một khung giờ nhất định trong nhiều năm, tuân thủ tái khám 3-6 tháng/lần để xem tải lượng virus viêm gan B ở ngưỡng nào. Việc cải thiện sớm và kiểm soát tốt viêm gan B mạn tính giúp giảm thiểu tổn thương gan, hỗ trợ ngăn chặn nguy cơ biến chứng viêm gan B chuyển sang xơ gan, ung thư gan.
Điều đáng tiếc hiện nay là có nhiều bệnh nhân nhiễm virus viêm gan B nhưng vẫn chưa được phát hiện. Hay có những bệnh nhân mặc dù đã phát hiện nhiễm virus viêm gan B mạn tính và đã được bác sĩ điều trị kiểm soát tải lượng virus viêm gan B về mức ổn định nhưng sau đó lại không tuân thủ phác đồ điều trị (người bệnh tự ý ngừng sử dụng thuốc, đổi sang dùng thuốc nam thay vì thuốc mà bác sĩ đã kê đơn cho) khiến cho virus viêm gan B quay trở lại, tàn phá các tế bào gan một cách nhanh chóng và nặng nề hơn.
Nếu viêm gan B đã biến chứng xơ gan, ung thư gan thì các phương pháp hỗ trợ cải thiện hiện nay gồm dùng thuốc, phẫu thuật, hóa trị, ghép gan.