Tình trạng răng mọc lẫy ở trẻ gây ra nhiều ảnh hưởng cả về sức khỏe răng miệng lẫn tính thẩm mỹ. Vậy đâu là cách khắc phục và có phải lúc nào răng mọc lẫy cũng cần nhổ không?
Menu xem nhanh:
1. Dấu hiệu nhận biết trẻ bị răng mọc lẫy
Răng mọc lẫy là tình trạng răng sữa chưa rụng nhưng răng vĩnh viễn đã mọc lên. Khi đó, răng vĩnh viễn sẽ bị mọc lệch so với tiêu chuẩn vị trí trên hàm. Thông thường, chúng sẽ có xu hướng mọc mọc vào phía trong thay vì thẳng trục. Tình trạng này thường xuất hiện khi bé ở độ tuổi từ 5 – 7 tuổi. Đây là lúc trẻ đang ở trong giai đoạn thay răng vĩnh viễn.
Những dấu hiệu để nhận biết trẻ bị răng mọc lẫy:
– Hàm trên của trẻ có xu hướng chìa ra khiến 2 hàm răng không ăn khớp với nhau.
– Bước vào giai đoạn thay răng vĩnh viễn nhưng răng sữa của bé chưa có dấu hiệu lung lay.
– Răng vĩnh viên mọc lên bị móm hoặc hô, thưa.
– Kích thước của răng vĩnh viễn mọc lên lớn. Điều này dẫn tới không đủ chỗ cho các răng khác. Những răng mọc sau khả năng sẽ bị mọc lệch.
– Bé có biểu hiện bị đau nhức, khó chịu.
2. Nguyên nhẫn khiến răng mọc lẫy ở trẻ
2.1 Yếu tố di truyền
Việc bé bị mọc lẫy có thể do di truyền. Trong gia đình có người mắc tiền sử bệnh xương hoặc mắc các vấn đề như răng hô, răng móm, … khả năng cao cũng sẽ di truyền lại cho con cháu đời sau.
2.2 Bé mất răng sữa quá sớm
Một trong những yếu tố quan trọng khiến răng bé mọc lẫy chính là thời điểm rụng răng sữa diễn ra quá sớm. Vai trò của răng sữa là giúp răng vĩnh viễn có thể mọc lên đúng vị trí. Tuy nhiên, khi răng sữa không được bảo vệ tốt hoặc phải nhổ sớm, nhổ sai cách sẽ gây ảnh hưởng xấu tới tình trạng mọc răng của bé.
2.3 Cung hàm bị hẹp
Khi cung hàm của bé bị hẹp, răng sẽ không thể đủ chỗ để mọc thẳng hàng. Từ đó, tình trạng những răng mọc lệch, mọc chen chúc xuất hiện. Điều này khiến cho những hiện tượng răng mọc lẫy vào trong, mọc lẫy hàm dưới diễn ra.
2.4 Những thói quen xấu
Răng mọc lẫy ở trẻ cũng là hậu quả bắt nguồn từ một vài thói quen xấu. Ví dụ như bú bình, cắn móng tay, đẩy lưỡi, nghiến răng khi ngủ, … Tất cả đều là những tác nhân gây ảnh hưởng tới vị trí mọc răng. Về lâu dài, những thói quen này không được khắc phục sẽ dẫn đến răng cửa bị mọc lẫy. Tình trạng này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng về tính thẩm mỹ và có điều chỉnh.
2.5 Sâu răng sữa
Sâu răng sữa không phải tình trạng hiếm gặp ở trẻ nhỏ. Khi răng sữa bị sâu, bệnh ăn vào chân răng và tủy sẽ gây ảnh hưởng xấu tới mầm răng vĩnh viễn mọc bên dưới. Từ đó, răng mọc lên sẽ không thể ngay thẳng đúng vị trí quy định.
2.6 Thiếu dưỡng chất
Khi cơ thể của trẻ không được đảm bảo về dinh dưỡng, thiếu hụt các vitamin, khoáng chất sẽ kiến răng mọc lẫy, mọc sai vị trí. Để cải thiện tình trạng này, cha mẹ nên xem xét và điều chỉnh lại chế độ ăn của con sao cho phù hợp.
3. Ảnh hưởng của tình trạng răng mọc lẫy
Răng mọc lẫy gây ra nhiều ảnh hưởng tới các hoạt động thường ngày của trẻ. Cụ thể là về tính thẩm mỹ cũng như các chức năng của răng.
– Về tính thẩm mỹ: Việc răng mọc lẫy sẽ khiến hàm răng của trẻ không được đẹp mắt. Điều này thậm chí còn ảnh hưởng tới tính thẩm mỹ của toàn gương mặt. Đặc biệt, thời điểm thay răng cũng là lúc trẻ bắt đầu tới trường. Việc có một hàm răng không được đẹp sẽ ảnh hưởng lớn đến sự tự tin và có thể là trở ngại giao tiếp giữa trẻ và các bạn khác.
– Về chức năng răng: Răng mọc lẫy khiến hiệu quả ăn nhai của hàm răng bị giảm đi đáng kể. Khi thức ăn không được đảm bảo nghiền nhỏ sẽ gây ảnh hưởng tới cả hệ tiêu hóa của trẻ. Ngoài ra, những chiếc răng lệch lạc cũng là lý do khiến tình trạng thức ăn mắc lại răng, khó làm sạch xảy đến nhiều hơn. Từ đó, nguy cơ các bệnh lý về răng miệng sẽ tăng cao. Điển hình như viêm lợi, sâu răng, …
4. Cần làm gì khi trẻ bị răng mọc lẫy
4.1 Có phải lúc nào cũng cần nhổ răng mọc lẫy?
Thông thường, khi phát hiện trẻ bị răng mọc lẫy, việc đầu tiên mà cha mẹ nghĩ tới là nhổ bỏ. Tuy nhiên, không phải lúc nào phương pháp nhổ răng mọc lẫy cũng cần thiết áp dụng. Trong một số trường hợp cho phép, bác sĩ có thể đưa ra một vài phương pháp giúp trẻ cải thiện tình trạng mọc lẫy mà không cần nhổ răng. Ví dụ như phương pháp đẩy lưỡi hoặc nhờ tới sự trợ giúp của các khí cụ để đưa răng về vị trí đúng trên cung hàm, …
4.2 Các cách khắc phục tình trạng răng mọc lẫy ở trẻ
4.2.1 Phương pháp đẩy lưỡi
Việc nhắc nhở trẻ thực hiện đẩy lưỡi cũng là một phương pháp giúp răng về đúng vị trí được nhiều người áp dụng. Hành động này có thể thực hiện một cách dễ dàng. Trẻ chỉ cần lấy đầu lưỡi đẩy vào phần thân của chiếc răng mọc lệch. Thường xuyên làm vậy sẽ đem lại hiệu quả lớn, giúp răng dần di chuyển về đúng vị trí. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần chú ý để tránh trường hợp việc đẩy lưỡi thực hiện quá mức. Khi đó, trẻ sẽ dễ bị chuyển sang tình trạng hô răng.
4.2.2 Can thiệp khí cụ chỉnh nha
Trong trường hợp phương pháp đẩy răng không giúp trẻ đưa răng về đúng vị trí như mong muốn, ta có thể nhờ tới sự can thiệp của các khí cụ nha khoa. Khí cụ ở đây có thể đơn giản là làm nong hàm. Điều này giúp cung hàm của trẻ rộng hơn, răng có thể mọc về đúng vị trí. Tuy nhiên, phương pháp này cần được lưu ý thực hiện sớm bởi nếu không có thể khiến xương hàm trên kém phát triển.
4.2.3 Niềng răng
Khi trẻ đã sau 12 tuổi mà tình trạng răng mọc lệch, mọc lẫy vẫn còn thì phụ huynh nên sớm cho con niềng răng. Bởi giai đoạn này răng sữa đã dược thay hết. Do đó, các răng lệch lạc không thể tự về đúng vị trí mà cần can thiệp chỉnh nha để hỗ trợ.
4.2.4 Nhổ răng
Kiểm tra độ lung lay của răng sữa thường xuyên là điều cha mẹ cần chú ý khi con mọc lẫy. Nếu sau khoảng 2 tháng, răng sữa của trẻ vẫn không có dấu hiệu lung lay, cha mẹ cần đưa con tới bệnh viện hoặc cơ sở y tế để được sớm xử lý.
Đó là một vài thông tin cần thiết về tình trạng răng mọc lẫy ở trẻ. Cha mẹ hãy lưu lại ngay để có phương pháp chăm sóc và điều trị cho con tốt hơn trong trường hợp cần thiết.