Sỏi thận là một trong những bệnh phổ biến tại Việt Nam và thường gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới. Vậy bạn đã biết có bao nhiêu loại sỏi thận chưa, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu thêm thông tin qua bài viết dưới đây để trang bị thêm kiến thức cho mình nhé.
Menu xem nhanh:
1. Sỏi thận được hình thành như thế nào?
Sỏi thận là những phân tử rắn được hình thành do sự lắng cặn và kết tinh của các chất khoáng có trong nước tiểu. Các khoáng chất này ban đầu chỉ như những hạt cát nhỏ. Tuy nhiên, trong quá trình kết tinh và tồn tại lâu dài trong thận sẽ tạo thành những tinh thể rắn lên tới vài cm. Sỏi có thể xuất hiện đơn lẻ hoặc tạo thành nhiều viên hoặc thành chùm với hình dạng phức tạp trong thận.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến mắc sỏi thận chủ yếu là do chế độ ăn uống không lành mạnh, uống ít nước, lười vận động, nhiễm khuẩn đường tiết niệu hoặc sinh sống trong vùng nóng, nhiệt đới…
Sỏi thận thường có xu hướng di chuyển theo dọc đường đi của hệ tiết niệu và bài tiết ra ngoài. Tuy nhiên trong quá trình di chuyển, sỏi có thể bị vướng lại mà không theo dòng nước tiểu đi ra ngoài và tiếp tục gia tăng kích thước. Lúc này sỏi thận có thể trở thành sỏi niệu quản, sỏi bàng quang, sỏi niệu đạo.
2. Sỏi thận gồm những loại nào?
2.1 Có bao nhiêu loại sỏi thận – Phân loại dựa vào thành phần của sỏi
Dựa vào thành phần cấu tạo nên sỏi, sỏi thận được chia thành các loại sau đây:
Sỏi calcium
Đây là loại sỏi phổ biến thường gặp nhất chiếm đến 80%-90% bao gồm ba dạng là sỏi canxi oxalat, sỏi canxi phosphat, sỏi canxi cacbonat. Nguyên nhân chính là do tình trạng tăng nồng độ canxi trong nước tiểu
Ở nước ta, sỏi canxi oxalat chiếm tỷ lệ mắc cao ở nước ta. Sỏi có cơ chế hình thành nếu người bệnh ăn quá nhiều thức ăn có chứa oxalate, sẽ khiến nước tiểu bão hòa hàm lượng này. Khi oxalat kết hợp với canxi sẽ tạo nên canxi oxalat tạo thành sỏi. Một số thực phẩm chứa nhiều oxalat bạn nên cân bằng trong chế độ ăn hàng ngày đặc biệt là với những đối tượng có nguy cơ mắc sỏi thận cao.
Sỏi phosphat
Loại sỏi phosphat thường gặp là loại Magnésium Ammonium Phosphate hay còn gọi là sỏi nhiễm trùng. Nguyên nhân hình thành thường là hậu quả của nhiễm trùng niệu lâu ngày, đặc biệt là do vi khuẩn proteus. Đặc trưng của loại sỏi này là sỏi có màu vàng và hơi bở, đồng thời có kích thước lớn, và hình san hô đặc trưng
Sỏi axit uric
Sự tăng nồng độ uric trong máu, đồng thời cũng sẽ tăng nồng độ uric tại thận. Và axit uric dễ tan trong môi trường kiềm và dễ kết tinh trong môi trường acid. Vậy nên khi độ pH nước tiểu dưới 6, nghĩa là nước tiểu bị axit hóa cao, thuận lợi cho cho quá trình kết tinh axit uric tạo sỏi. Những đối tượng dễ mắc bệnh thường mắc bệnh gout, béo phì, hoặc người bệnh đang sử dụng thuốc hóa trị liệu, người sử dụng nhiều thực phẩm như lòng heo, lòng bò, thịt cá khô…
Sỏi cystin
Sỏi cystin có số lượng người mắc thường rất hiếm. Sỏi được hình thành khi cystin đào thải nhiều qua thận và khó bị hòa tan nên dễ đọng lại thành sỏi. Sỏi có bề mặt nhẵn, màu vàng nhạt và hay tái phát sau khi điều trị. Sỏi thường do bẩm sinh rối loạn vận chuyển tái hấp thu cystin ở ống thận và niêm mạc ruột.
Sỏi struvite
Sỏi struvite hay có tên gọi khác là sỏi nhiễm trùng bởi lý do hình thành sỏi là bởi nhiễm khuẩn đường niệu lâu dài mà không được điều trị triệt để. Vi khuẩn giải phóng men urease, men này phân giải ure thành amoniac, làm nước tiểu bị kiềm hóa, dẫn tới giảm hòa tan struvite tạo điều kiện hình thành sỏi.
2.2 Có bao nhiêu loại sỏi thận – Phân loại dựa vào vị trí của sỏi
Ngoài phân loại sỏi dựa theo thành phần hóa học cấu tạo nên sỏi, sỏi thận còn được phân loại dựa theo vị trí xuất hiện của sỏi. Các loại sỏi thận bao gồm sỏi bể thận, sỏi đài thận, sỏi đài bể thận.
Sỏi bể thận là sỏi tồn tại trong bể thận, là vị trí mà sỏi thường tập trung nhiều.Khi sỏi có kích thước lớn dần lên sẽ gây ức chế dòng chảy, ảnh hưởng tới quá trình lọc máu và cản trở dòng chảy của nước tiểu xuống bàng quang.
Sỏi đài thận có thể nằm rải rác trong hệ thống đài thận gồm đài trên, đài giữa và đài dưới của 2 thận. Sỏi có thể chỉ nằm đơn độc trong một đài, có khi kết lại thành chùm nằm trong một đài hoặc nhiều đài, hoặc sỏi chẹn ngay ở cuống đài. So với sỏi bể thận, sỏi đài thận ít gây ứ và tắc nghẽn dòng chảy nước tiểu hơn.
3. Phân biệt sỏi thận các loại như thế nào?
Thông thường sỏi thận sẽ gây ra những triệu chứng điển hình như: đau lưng, đau vùng mạn sườn dưới, đau khi đi tiểu, tiểu rắt, tiểu ra máu…
Người bệnh sẽ không tự xác định được bản thân đang mắc loại sỏi, vị trí ở đâu, cũng như kích thước là bao nhiêu. Do vậy ngay khi gặp các dấu hiệu bệnh bạn nên nhanh chóng đến cơ sở y tế để được khám lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán.
Lúc này với kết quả về tình trạng bệnh đã được xác định chính xác, bác sĩ sẽ đưa ra phương hướng điều trị phù hợp dựa trên loại sỏi, vị trí, kích thước, mức độ biến chứng, sức khỏe và các yếu tố liên quan đến chỉ định điều trị. Người bệnh cần tuân thủ điều trị, điều trị sớm loại bỏ triệt để sỏi để hạn chế những bất lợi đối với sức khỏe như sỏi rơi kẹt tạo thành sỏi niệu quản, sỏi bàng quang, sỏi niệu đạo. Biến chứng xa hơn người bệnh có thể phải đối mặt là giãn đài bể thận, thận ứ mủ, ứ nước, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, suy thận, thậm chí phải chạy thận suốt đời hoặc ghép thận…
Bài viết trên đây đã cung cấp thêm cho bạn những kiến thức về câu hỏi sỏi thận có bao nhiêu loại. Nhìn chung dù bạn đang mắc sỏi thận loại nào cũng nên đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, tránh để lâu dễ tiến triển thành những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống.