Menu xem nhanh:
Chỉ số về số lượng hồng cầu
– Số lượng hồng cầu tăng: cô đặc máu (mất nước, nôn nhiều, đi ngoài…), đa hồng cầu thực (bệnh Vaquez).
– Số lượng hồng cầu giảm: có thể đi kèm giảm lượng huyết sắc tố và hematocrit, nhưng không phải mức độ lúc nào cũng song hành.
– Sai số về số lượng hồng cầu:
+ Hồng cầu bị ngưng kết (tan máu tự miễn): số lượng hồng cầu giảm, MCV tăng, MCHC cao trên 380 g/l. Trường hợp này sử dụng được kết quả lượng huyết sắc tố, còn hematocrit thì sử dụng phương pháp ly tâm vi thể tích hoặc ủ mẫu máu ở 370C trong vòng 30 phút rồi đếm lại. Cần kiểm tra kỹ ống máu khi nhận bệnh phẩm.
+ Tăng độ nhớt huyết tương: với thời gian và áp lực hút thông thường của máy đếm tế bào có thể gây ra giảm ba dòng ngoại vi giả tạo do máu bị quánh nên máy hút không đủ máu.
+ Lắc ống máu không kỹ: nếu hút ở phần trên của ống máu sẽ gây hiện tượng giảm hồng cầu rõ rệt và không tương ứng với tình trạng lâm sàng. Nếu hút ở phần đáy ống sẽ gây tăng hồng cầu giả tạo, đồng thời gây giảm rõ rệt số lượng tiểu cầu. Cần kiểm tra và đối chiếu số lượng tiểu cầu trên lam nhuộm giemsa.
+ Do hồng cầu nhỏ, tiểu cầu to, cụm tiểu cầu, mảnh hồng cầu, tan máu, rối loạn đông máu, bạch cầu quá nhiều…
+ Máu bị đông, hồng cầu bị vỡ hoặc lượng máu lấy làm xét nghiệm không đủ… đều dẫn đến sai kết quả.
Chỉ số thể hiện lượng huyết sắc tố
Đây là chỉ số thể hiện chính xác nhất tình trạng thiếu máu, đặc biệt những trường hợp thiếu máu do các vấn đề mạn tính. Chỉ số này đạt được sự chính xác cao qua kết quả của máy đếm tế bào tự động để đánh giá tình trạng thiếu máu.
Dưới đây là phân loại mức độ thiếu máu mạn tính dựa vào lượng huyết sắc tố (chỉ có tính chất tham khảo vì còn phối hợp với tình trạng lâm sàng của bệnh nhân):
+ Trên 100 g/l: thiếu máu nhẹ, không cần truyền máu.
+ Từ 80-100 g/l: thiếu máu vừa, cân nhắc nhu cầu truyền máu.
+ Từ 60-80 g/l: thiếu máu nặng, cần truyền máu.
+ Dưới 60 g/l: cần truyền máu cấp cứu.
– Sai số: lượng huyết sắc tố có thể bị tăng giả tạo do lấy mẫu làm vỡ hồng cầu, huyết tương bị đục (lấy máu ngay sau khi ăn, bệnh paraprotein ) hoặc số lượng bạch cầu tăng cao.
Chỉ số thể tích khối hồng cầu
Thể tích khối hồng cầu hay hematocrit (thường ký hiệu là Hct) là phần trăm thể tích của máu mà các tế bào máu (chủ yếu là hồng cầu) chiếm giữ. Chỉ số này rất quan trọng trong việc đánh giá và theo dõi các tình trạng mất máu cấp, thiếu máu do các nguyên nhân: xuất huyết tiêu hóa, giãn vỡ tĩnh mạch thực quản… Một số lưu ý về chỉ số này:
– Hiện tượng bù trừ của máu diễn ra với lượng máu bù được huy động từ các cơ quan dự trữ máu như lách, hệ tĩnh mạch sâu… Do đó, giá trị huyết sắc tố thay đổi chậm hơn so với lượng máu đã mất.
– Sai số do lấy mẫu garo quá lâu có thể làm máu bị cô đặc, do tỷ lệ chất chống đông không đúng, lắc trộn mẫu không đều, máu lấy quá lâu không làm xét nghiệm cũng tác động khiến thể tích tế bào thay đổi.
– Giá trị hematocrit cần được duy trì ổn định ở mức tối thiểu 0.25 l/l. Riêng với những bệnh nhân mắc bệnh tim hoặc phổi cần duy trì ở mức 0.30 l/l nhờ phương pháp truyền khối hồng cầu.