Chẩn đoán và phác đồ điều trị sỏi đường mật hiệu quả

Tham vấn bác sĩ
Thầy Thuốc ưu tú, Bác sĩ CKII

Phạm Huy Huyên

Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc, Phụ trách Ngoại thận tiết niệu

Theo thống kê, có khoảng 15% bệnh nhân mắc bệnh sỏi mật sẽ có sỏi trong đường ống dẫn mật. Làm thế nào để chẩn đoán và điều trị sỏi đường mật hiệu quả nhất. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn những thông tin về sỏi đường mật và các phương pháp điều trị hiện nay.

1. Sỏi đường mật là gì và được phân chia thành mấy loại?

Sỏi đường mật là tình trạng xuất hiện các viên sỏi trong hệ thống đường ống dẫn mật. Tại đây, sỏi có thể được hình thành ở nhiều vị trí khác nhau. Tùy theo nguồn gốc và vị trí mà sỏi đường mật được chia thành các loại sau:

Theo vị trí xuất hiện:

  • Sỏi ống mật chủ: sỏi được hình thành tại ống mật chủ, nằm bên dưới ngã ba ống dẫn gan.
  • Sỏi đường mật trong gan (sỏi gan): sỏi xuất hiện bên trên ngã ba ống gan gồm ống gan trái và ống gan phải.
  • Sỏi kết hợp: là sự hiện diện đồng thời của sỏi ống mật chủ và sỏi gan.

Theo nguồn gốc hình thành:

  • Sỏi nguyên phát: là tình trạng sỏi mật được hình thành nguyên phát trong đường dẫn mật. Sỏi có thể xuất hiện tại ống gan trái, ống gan phải và ống mật chủ. Phần lớn các trường hợp sỏi đường mật là sỏi nguyên phát.
  • Sỏi thứ phát: là tình trạng những loại sỏi từ túi mật rơi xuống đường dẫn mật. Sỏi chỉ xuất hiện ở ống mật chủ.

Phương pháp điều trị sỏi đường mật tùy thuộc vào kích thước và vị trí của sỏi

Phương pháp điều trị sỏi đường mật tùy thuộc vào kích thước và vị trí của sỏi

2. Nguyên nhân gây bệnh sỏi đường mật là gì?

Khác với sỏi túi mật, sỏi đường mật được hình thành chủ yếu do các nguyên nhân chính sau:

  • Trong đường mật quá nhiều bilirubin và canxi. Khi hồng cầu bị vỡ sẽ giải phóng ra các bilirubin, qua chuyển hóa ở gan và được đào thải ra ngoài qua dịch mật. Trong một số trường hợp đặc biệt khi lượng bilirubin quá nhiều khiến dịch mật không thể hòa tan hết. Lâu dần dẫn đến tình trạng ứ đọng và hình thành sỏi.
  • Sỏi bị đẩy từ túi mật xuống. Sỏi hình thành trong túi mật nhưng trong quá trình co bóp bị đẩy ra ngoài xuống đường mật làm tắc nghẽn bộ phận này và gây bệnh tại đây. Thành phần cấu tạo chủ yếu của loại sỏi này là cholesterol.
  • Dịch mật bị nhiễm khuẩn do ký sinh trùng đường ruột đi lạc vào trong đường mật. Xác chết hoặc trứng của chúng có thể kết thành nhân sỏi cho các bilirubin bám vào.

Một số yếu tố khác có thể khiến sỏi đường mật gia tăng và phát triển là:

  • Người có tiền sử bị sỏi mật hoặc các bệnh lý về túi mật.
  • Người bị bệnh béo phì, thừa cân, thường xuyên ăn uống nhiều chất béo cũng làm tăng nguy cơ sỏi đường mật.
  • Phụ nữ đang mang thai hoặc thường xuyên thay đổi nội tiết tố.
  • Người ăn chay trường hoặc giảm cân nhanh chóng, lười vận động.
  • Tiền sử gia đình bị sỏi đường mật cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

3. Chẩn đoán bệnh sỏi đường mật

3.1. Chẩn đoán lâm sàng:

Triệu chứng lâm sàng của bệnh phụ thuộc vào vị trí, kích thước và tính chất của sỏi mật. Thông thường khi bị sỏi đường mật, người bệnh có các biểu hiện điển hình sau:

  • Những cơn đau quặn mật: Người bệnh xuất hiện cảm giác đầy tức, đau quặn từng cơn vùng mạn sườn phải hoặc vùng thượng vị. Đặc biệt cơn đau với mức độ tăng dần và dữ dội hơn sau khi ăn no. Thời gian đau có thể kéo dài hàng giờ kèm theo các triệu chứng ợ hơi, ợ chua.
  • Cơn đau quặn gan: Người bệnh thấy đau ở mạn sườn hoặc vùng bụng trên. Những cơn đau thường xảy ra sau khi ăn, ăn nhiều chất béo hoặc bị chấn thương vùng bụng. Đau dữ dội làm người bệnh ra nhiều mồ hôi, buồn nôn và nôn. Thời gian đau ngắn, ít khi vượt qua vài giờ.
  • Vàng da, vàng mắt. Nguyên nhân là do các viên sỏi xuất hiện làm tắc nghẽn đường dẫn mật khiến chức năng thải độc của gan bị cản trở.
  • Nước tiểu vàng, đậm màu nhưng phân nhạt màu hơn.
  • Một số biểu hiện khác: Tim đập nhanh, huyết áp giảm đột ngột. Người  bệnh bị sốt cao hoặc cảm thấy ớn lạnh.

Các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra nếu không sớm điều trị sỏi đường mật

Các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra nếu không sớm điều trị sỏi đường mật

3.2. Các chẩn đoán cận lâm sàng

Sỏi đường mật là căn bệnh nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, khi cơ thể có những triệu chứng nghi ngờ, người bệnh cần đến bệnh viện để được kiểm tra nhằm xác định nguyên nhân và tình trạng bệnh. Các phương pháp được áp dụng giúp chẩn đoán chính xác bệnh là:

  • Chẩn đoán hình ảnh: Đây là phương pháp đầu tiên được thực hiện để xác định vị trí của sỏi mật và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Chẩn đoán hình ảnh bao gồm: siêu âm, siêu âm nội soi, chụp đường mật ngược dòng qua nội soi, chụp cắt lớp.
  • Xét nghiệm để tìm các biến chứng: Người bệnh có thể được chỉ định xét nghiệm công thức máu, chức năng gan, men tụy…

4. Điều trị sỏi đường mật

Căn cứ theo tình trạng và vị trí của sỏi cũng như sức khỏe của người bệnh, bác sĩ xây dựng phác đồ điều trị phù hợp.

4.1. Điều trị sỏi đường mật bằng thuốc (nội khoa)

Phương pháp này được thực hiện đối với những trường hợp sỏi thứ phát và kích thước sỏi mật nhỏ hơn 15mm. Các bác sĩ sẽ chỉ định cho người người bệnh dùng thuốc làm tan sỏi để điều trị bệnh. Thời gian sử dụng thuốc có thể kéo dài từ 6 đến 12 tháng. Tuy nhiên phương pháp này tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ cho hệ tiêu hóa và tỉ lệ tái phát sỏi cao sau khi ngừng thuốc.

4.2. Điều trị sỏi đường mật ngoại khoa

Trong trường hợp sỏi gây biến chứng và kích thước sỏi lớn, điều trị can thiệp là phương pháp buộc phải chỉ định. Phẫu thuật cắt túi mật được áp dụng trong trường hợp sỏi mật có kích thước quá lớn. Phẫu thuật cắt túi mật có thể tiến hành bằng phương pháp mổ nội soi hoặc mổ mở.

Điều trị sỏi đường mật bằng phương pháp nội soi mật tụy ngược cho đem lại hiệu quả tối ưu

Điều trị sỏi đường mật bằng phương pháp nội soi mật tụy ngược cho đem lại hiệu quả tối ưu

5. Chế độ dinh dưỡng cho người điều trị bệnh

Theo ý kiến của các chuyên gia, một chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị sỏi đường mật đạt hiệu quả cao. Người bệnh cần:

  • Ưu tiên bổ sung những thực phẩm giàu chất đạm và protein như cá, giá đỗ….
  • Tăng cường ăn các loại rau xanh và hoa quả tươi để hỗ trợ tốt cho hệ thống tiêu hóa và bài tiết.
  • Ăn nhiều thực phẩm chứa Lecithin giúp giảm nguy cơ hình thành sỏi mật.
  • Bổ sung các loại hạt chứa chất béo tốt cho sức khỏe.
  • Hạn chế ăn những loại thực phẩm giàu cholesterol để giúp kiểm soát hiệu quả các triệu chứng bệnh.
  • Hạn chế những loại thực phẩm dễ gây kích ứng như hải sản, đồ ăn cay nóng…để làm nguy cơ hình thành sỏi trong đường mật.
  • Hạn chế đồ ăn nhiều đường và tinh bột.
  • Tránh rượu, bia, thuốc lá và các thực phẩm chứa các chất kích thích khác.

6. Cách phòng tránh sỏi đường mật hiệu quả

Để hạn chế tối đa nguy cơ hình thành sỏi trong đường mật, mỗi người nên chủ đồng thực hiện các biện pháp sau:

  • Uống đủ nước mỗi ngày để quá trình bài tiết diễn ra hiệu quả hơn.
  • Chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh.
  • Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày để tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch cho cơ thể.
  • Không giảm cân đột ngột với chế độ ăn uống quá khắc nghiệt.
  • Khám sức khỏe định kỳ hoặc đi kiểm tra ngay nếu có những biểu hiện bất thường.

Điều trị sỏi đường mật tương đối phức tạp vì bệnh có thể tái phát sau khoảng vài tháng hoặc vài năm. Vì vậy, để mang lại hiệu quả toàn diện nhất, người bệnh nên tuân thủ tuyệt đối theo hướng dẫn của bác sĩ. Kết hợp hợp với chế độ ăn uống, sinh hoạt và nghỉ ngơi khoa học, lành mạnh.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital