Chẩn đoán và điều trị trào ngược dịch mật 

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ

Đỗ Hoàng Hoan

Bác sĩ Tiêu hóa - Nội soi

Trào ngược dịch mật là bệnh lý dễ nhầm lẫn với trào ngược dạ dày nhưng có mức ảnh hưởng nghiêm trọng hơn. Việc điều trị trào ngược dịch mật cũng khó khăn hơn nên bệnh nhân không chủ quan khi nghi ngờ có dấu hiệu bệnh.

1. Trào ngược dịch mật và cơ chế trào ngược

1.1. Trào ngược dịch mật là gì?

Dịch mật được gan sản xuất ra để phục vụ hoạt động tiêu hóa. Dịch mật có khả năng tiêu hóa các chất béo, loại bỏ một số dạng độc tố và tế bào chết ra khỏi cơ thể.

Trào ngược dịch mật xảy ra khi dịch mật tham gia vào hoạt động tiêu hóa ở ruột non bị trào ngược lên trên đến dạ dày và có thể lên cả thực quản.

1.2. Vì sao bị trào ngược dịch mật?

Nguyên nhân trào ngược dịch mật do tổn thương van môn vị. Van môn vị là điểm nối giữa dạ dày và tá tràng, thực hiện chức năng đóng mở cần thiết nhằm dẫn thức ăn xuống ruột theo một chiều. Đảm bảo dịch và thức ăn không thể từ ruột quay trở lại vào dạ dày.

Nhưng khi van môn vị bị tổn thương và ảnh hưởng tới cơ chế đóng mở, van đóng không kín dẫn tới tình trạng trào ngược dịch và thức ăn vào dạ dày. Trong trường hợp van tâm vị mở (van tâm vị ngăn cách dạ dày và thực quản) thì phần dịch mật ở dạ dày này sẽ tiếp tục trào ngược lên tới thực quản.

Điều này lý giải vì sao trào ngược dịch mật thường xảy ra cùng lúc với trào ngược dạ dày. Khi đó, tổn thương gây ra cho thực quản sẽ nghiêm trọng hơn rất nhiều.

Bệnh trào ngược dịch mật

Trào ngược dịch mật xảy ra do tổn thương ở van môn vị.

2. Chẩn đoán trào ngược dịch mật

Phương pháp chẩn đoán trào ngược dịch mật thường được chỉ định là nội soi dạ dày. Bác sĩ sẽ đưa một ống nội soi mềm đầu có gắn camera đi từ miệng tới hầu họng, qua thực quản và xuống tới dạ dày.

Thông qua hình ảnh nội soi, bác sĩ có thể quan sát rõ tình trạng bên trong ống tiêu hóa, phát hiện các bất thường, bệnh lý dạ dày, trào ngược dạ dày, tổn thương viêm loét dạ dày và cả trường hợp dịch mật bị trào ngược. Không chỉ vậy, bác sĩ còn có thể lấy mẫu mô qua nội làm giải phẫu bệnh để kiểm tra HP dạ dày, xác định tính chất của polyp và ung thư dạ dày thực quản, barrett thực quản,…

Chẩn đoán trào ngược dịch mật

Nội soi dạ dày giúp chẩn đoán các bệnh lý đường tiêu hóa hiệu quả.

3. Điều trị trào ngược dịch mật

Người bệnh cần tiến hành thăm khám với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để được chẩn đoán đúng tình trạng bệnh trào ngược, từ đó thực hiện đúng phác đồ điều trị được chỉ định.

Tùy vào mức độ trào ngược và tổn thương ở dạ dày thực quản, việc điều trị bệnh có thể được thực hiện theo 3 phương pháp sau đây:

3.1. Thay đổi lối sống

Thay đổi lối sống lành mạnh là yêu cầu quan trọng và bắt buộc với người bệnh bị trào ngược dịch mật. Ở phương pháp này sẽ cho hiệu quả tốt với những trường hợp bệnh nhẹ. Bạn cần tuân thủ đúng với hướng dẫn của bác sĩ nhằm kiểm soát bệnh tốt hơn.

– Không sử dụng rượu bia, không uống thức uống có ga, trà đặc, cà phê.

– Chia thành nhiều bữa ăn trong một ngày, không ăn quá no trong 1 bữa và không để bụng bị quá đói.

– Không hút thuốc lá.

– Tránh ăn thực phẩm chua cay dễ gây kích thích trào ngược dịch mật như cam quýt, chanh, giấm, cà chua, hành tây,… Tránh ăn đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn có chứa chất bảo quản, đồ ăn nhanh hay chế biến sẵn,…

– Sau khi ăn không được nằm ngay mà cần có thời gian ngồi nghỉ (ít nhất khoảng 30 phút). Tránh vận động mạnh, tập thể dục ngay sau khi ăn.

– Khi ngủ nên gối đầu cao hơn chân khoảng 10-15cm, tư thế tốt nhất là nằm nghiêng bên trái để dịch mật được tiết ra sẽ không bị trào ngược lên dạ dày và thực quản.

– Duy trì trọng lượng của cơ thể luôn ở mức hợp lý. Người béo phì nên thực hiện chế độ giảm cân lành mạnh, khoa học cùng những thay đổi cần thiết ở thói quen sinh hoạt.

– Duy trì việc tập thể dục thể thao nhằm tăng cường sức khỏe.

– Hạn chế thức quá khuya, kiểm soát tốt tâm trạng và không để bản thân bị stress quá độ.

3.2. Điều trị trào ngược dịch mật bằng việc uống thuốc

Người bệnh trào ngược dịch mật không quá nghiêm trọng sẽ phải kết hợp điều trị bằng thuốc và điều chỉnh thói quen sinh hoạt để xử lý nhanh các triệu chứng và kiểm soát bệnh tiếp diễn trở nặng.

Các loại thuốc dùng trong điều trị bệnh trào ngược dịch mật sẽ được bác sĩ chỉ định đơn kê cụ thể. Người bệnh cần tuân thủ uống đúng loại thuốc, đúng liều dùng, đúng hướng dẫn sử dụng, không tự ý thay đổi chỉ định để phát huy hiệu quả điều trị bệnh.

Lưu ý quan trọng, thuốc không thể điều trị tận gốc đối với bệnh trào ngược dịch mật nhưng sẽ giúp kiểm soát triệu chứng, làm chậm lại quá trình bệnh vì thế người bệnh không được lạm dụng thuốc quá mức. Trên hết vẫn là thực hiện chế độ ăn uống khoa học cùng thói quen sinh hoạt lành mạnh mỗi ngày.

Điều trị trào ngược dịch mật

Người bệnh trào ngược dịch mật cần dùng đúng thuốc theo đơn kê của bác sĩ chỉ định.

3.3. Điều trị trào ngược dịch mật bằng phẫu thuật

Phẫu thuật thường được bác sĩ chỉ định khi bệnh nhân trào ngược dịch mật không đáp ứng được các yêu cầu điều trị với các biện pháp khác hoặc các trường hợp trào ngược gây ra triệu chứng rất nghiêm trọng, nghi ngờ có thay đổi tiền ung thư.

Có nhiều dạng phẫu thuật có thể thực hiện trong điều trị bệnh này, người bệnh cần thăm khám trực tiếp, thực hiện các yêu cầu được chỉ định để đánh giá đúng tình trạng bệnh, từ đó lựa chọn phương pháp phẫu thuật phù hợp cuối cùng.

Người bệnh thực hiện phẫu thuật điều trị trào ngược dịch mật cần lựa chọn bệnh viện uy tín có đội ngũ bác sĩ giỏi chuyên môn cùng trang thiết bị y tế hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu thăm khám chữa bệnh.

Điều trị trào ngược dịch mật nên được thực hiện càng sớm càng tốt. Ngay khi có các dấu hiệu nghi ngờ bệnh hãy chủ động thăm khám, nội soi dạ dày đại tràng để kịp thời phát hiện sớm, điều trị sớm bệnh lý này cũng như các bệnh lý phổ biến ở đường tiêu hóa.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital