Menu xem nhanh:
1. Chế độ dinh dưỡng
Đối với người xuất huyết não người nhà cần lưu ý giảm lượng muối để tránh nguy cơ tăng huyết áp và rối loạn mỡ máu. Đây chính là một trong những nguyên nhân xuất huyết não. Ngoài ra, thức ăn cho người bị xuất huyết cũng cần phải chế biến dạng mềm, sệt, dễ tiêu. Nên chia nhỏ thành nhiều bữa ăn trong ngày, có thể ăn cháo và súp trong các bữa chính. Bổ sung thêm nước hoa quả xen giữa các bữa ăn, hạn chế chất béo, mỡ động vật và chất kích thích.
Đối với người bị xuất huyết não không thể ăn được do liệt cơ hầu họng, người bệnh vẫn cần nhận đủ chất dinh dưỡng thông qua ống xông. Khi ăn, bạn nên nâng bệnh nhân dậy ở tư thế nửa nằm nửa ngồi. Sau mỗi bữa ăn cần chú ý phản ứng của cơ thể người bệnh. Nếu bị nôn hoặc đầy bụng thì cần phải giảm khối lượng thức ăn.
2. Vệ sinh cá nhân cho người xuất huyết não
Bệnh nhân xuất huyết não không thể tự chủ khi đi tiểu và đại tiện, chính vì vậy việc vệ sinh cho bệnh nhân sau khi đi vệ sinh rất quan trọng. Sau khi đại tiểu tiện người chăm sóc cần chú ý rửa và lau khô cho bệnh nhân. Đặc biệt trong chế độ ăn của người bệnh cần nhiều chất xơ và rau xanh, tránh tình trạng táo bón, theo dõi và cần thụt cho bệnh nhân nếu lâu không thấy bệnh nhân đại tiện
3. Các biện pháp phòng bệnh tái phát
- Để phòng tránh bệnh xuất huyết não cần tránh cho thân nhiệt người bệnh thay đổi đột ngột. Giữ mình khi thời tiết chuyển lạnh, các đợt gió mùa và khi áp suất không khí lên cao vào mùa hè.
- Không nên tắm khuya và tiếp xúc với gió, đặc biệt đối với người cao huyết áp.
- Cố gắng luôn ổn định tinh thần. Tránh làm việc hay suy nghĩ dẫn đến stress, tránh xúc động mạnh và hãy nhớ ngủ đủ giấc.
- Kiêng rượu bia, thuốc lá, các chất kích thích. Nên ăn nhiều rau xanh và chất xơ tránh bị táo bón.
- Điều trị các nguyên nhân gây tai biến mạch máu não như tăng huyết áp, tiểu đường, xơ vữa động mạch, rối loạn nhịp tim…
- Không vận động thể lực quá mạnh như: đá bóng, vác nặng hay chạy nhanh…
4. Tập luyện và vận động
Đối với các mức độ di chứng liệt nhẹ, cần xây dựng kế hoạch luyện tập cụ thể. Mức độ vận động từ nhẹ cho đến nặng. Người nhà nên để cho người bệnh tự làm ở mức độ tối đa, chỉ nên hỗ trợ khi bệnh nhân với những việc họ không thể tự làm được.