Bệnh cầu cơ mạch vành là một dị tật hiếm gặp, chỉ xảy ra ở 5% dân số. Thông thường bệnh lành tính nhưng cũng có thể tiềm ẩn những nguy cơ gây các bệnh lý tim mạch nguy hiểm… Vậy cầu cơ ở mạch vành là gì, có nguy hiểm không, cách điều trị ra sao. Cùng tìm hiểu nhé!
Menu xem nhanh:
1. Cầu cơ ở mạch vành là gì?
Cầu cơ mạch vành, hay myocardial bridging hay cầu cơ tim là một dị tật bẩm sinh ở tim.
Cơ tim của con người được nuôi bởi hệ thống mạch máu gọi là động mạch vành. Bình thường, cơ tim phải nằm dưới động mạch vành. Tuy nhiên ở những người có cầu cơ động mạch vành, một đoạn cơ tim sẽ nằm vắt qua, phía trên động mạch vành.
Cầu cơ này chỉ xuất hiện ở một phần động mạch, phần còn lại vẫn nằm bên trên của cơ tim chúng ta. Dị tật thường hay gặp nhất ở nhánh động mạch vách liên thất trước.
Chỉ 5% dân số có sự tồn tại của dị tật này.
2. Cầu cơ tim có nguy hiểm không?
2.1 Mức độ nguy hiểm của cầu cơ mạch vành theo độ tuổi
Cầu cơ là dị tật từ khi sinh ra và thường ở dạng lành tính. Bệnh thường không biểu hiện thành triệu chứng nên hầu hết người bệnh không biết mình có dị tật này.
Nguyên nhân là do ở giai đoạn đầu, dải cơ tim phủ trên đoạn cầu cơ còn mềm mại, chưa gây chèn ép nhiều đến động mạch. Do đó, ít gây ảnh hưởng đến sự lưu thông của máu qua đoạn động mạch này. Thường thì khoảng trước 30 tuổi, người bệnh không cảm thấy bất thường về sức khỏe do cầu cơ gây ra.
Nhưng khi bước vào độ tuổi trung niên, sự giãn nở của cơ tim kém đi, người bệnh có thể gặp phải có các biểu hiện như đau ngực, co thắt, mệt mỏi… Thậm chí bệnh nhân có thể gặp phải các biến chứng nguy hiểm.
2.2 Các biến chứng của bệnh cầu cơ mạch vành
Thiếu máu cơ tim là biến chứng chủ yếu của bệnh nhân mắc bệnh cầu cơ. Bình thường tim co bóp để tống máu vào động mạch. Nhưng với những bệnh nhân có cầu cơ, khi tim co bóp, vùng động mạch nằm dưới cơ tim sẽ bị thít hẹp hơn so với vùng động mạch vành ở xa. Điều này có thể khiến lượng máu cung cấp cho cơ tim không đủ. Khi bệnh nhân có gắng sức hoặc tim đập nhanh, tình trạng thiếu máu càng trở nên trầm trọng.
Ngoài ra, theo thời gian, sự tích tụ các mảng bám ở thành mạch có thể khiến động mạch vành xơ vữa. Quá trình xơ vữa thường làm xuất hiện các tác nhân gây co mạch như nitric oxide nội mạc, endothelin 1 và men angiotensin. Các tác nhân này gây hẹp, tắc động mạch vành ở vị trí co cầu cơ. Điều này khiến bệnh nhân có thể bị nhồi máu cơ tim, co thắt mạch vành, xơ vỡ động mạch. Một số trường hợp, bệnh nhân có thể ngất hoặc thậm chí đột tử.
3. Các triệu chứng thường gặp của bệnh cầu cơ
Bệnh ít biểu hiện thành triệu chứng, nếu có thì thường là những triệu chứng như sau:
– Tức, nặng ngực: Hiện tượng này xảy ra do đoạn cầu cơ bị bó chặt, khó giãn. Triệu chứng này có thể xảy ra thường xuyên cũng có thể chỉ thoáng qua. Cơn đau có thể tăng lên khi thay đổi thời tiết hoặc lo lắng, căng thẳng.
– Đau thắt ngực: Cảm giác bó chặt, đè nặng ở phía trước ngực là hiện tượng người bệnh có thể thường xuyên gặp phải. Cơn đau có thể lan ra tay trái hoặc lên phía dưới hàm.
– Khó thở, mệt mỏi: Bên cạnh đau ngực, bệnh nhân có thể cảm thấy khó thở, mệt mỏi. Điều này xảy ra do lượng máu và oxy cung cấp không đủ.
4. Chẩn đoán bệnh cầu cơ mạch vành
Do bệnh không biểu hiện thành triệu chứng nên người bệnh thường không phát hiện ra bệnh nếu như không tiến hành thăm khám.
Các xét nghiệm không xâm lấn giúp chẩn đoán cầu cơ động mạch vành gồm:
– Chụp cắt lớp vi tính (MSCT)
– Siêu âm tim để phát hiện vùng cơ tim bị thiếu máu từ đó, nhận xác định vị trí và mức độ ảnh hưởng của cầu cơ.
Các xét nghiệm chẩn đoán xâm lấn:
– Chụp động mạch vành qua da: để thấy sự thay đổi khẩu kính động mạch vành giữa 2 thời kỳ tâm thu và tâm trương.
– Đo dự trữ dòng chảy động mạch vành: đánh giá mức độ hẹp của động mạch vành có ảnh hưởng sự lưu thông máu hay không.
5. Điều trị bệnh cầu cơ động mạch vành
Nếu bệnh nhân không có triệu chứng thì hầu như không cần điều trị.
Khi bệnh biểu hiện thành triệu chứng, tùy vào tình trạng của bệnh nhân mà các bác sĩ sẽ có các biện pháp điều trị điều trị thích hợp.
Trong đó, điều trị bằng thuốc là phương pháp sử dụng cho đa phần bệnh nhân có triệu chứng. Các loại thuốc thường dùng là:
– Thuốc chẹn canxi (như tildiem)
– Thuốc chẹn beta (như betaloc, concor, nebilet…)
– Thuốc giãn mạch không nên dùng ở những bệnh nhân này
Lưu ý, đây chỉ là những loại thuốc thường sử dụng và có tính chất tham khảo. Để có đơn thuốc chính xác, phù hợp, bạn cần đi khám để được các bác sĩ có chuyên môn chẩn đoán, kê đơn chính xác tùy theo tình trạng sức khỏe của mình.
Nếu cầu cơ gây ra hẹp đáng kể gây ra triệu chứng rõ ràng, nặng nề và có nguy cơ biến chứng cao thì các phương pháp đòi hỏi kỹ thuật cao hơn sẽ được tiến hành nhằm máu dễ di chuyển hơn qua đoạn cầu cơ.
6. Có phòng ngừa được cầu cơ ở mạch vành không?
Đây là dị tật bẩm sinh nên không thể phòng ngừa. Nhưng việc phát hiện cầu cơ từ sớm có thể giúp điều trị bệnh hiệu quả, tránh các biến chứng nguy hiểm. Điều bạn nên làm đi kiểm tra sức khỏe thường xuyên để xác định mức độ ảnh hưởng của cầu cơ đối với động mạch. Đồng thời, theo dõi và không bỏ qua các triệu chứng dù là nhỏ nhất để chẩn đoán sớm.
Luôn thực hiện lối sống lành mạnh cũng là một yếu tố giúp bệnh lý về cầu cơ nằm trong tầm kiểm soát. Các biện pháp được khuyên dùng là: hạn chế ăn muối, chất béo, chất đường ngọt để tránh làm tăng áp lực cho hệ tim mạch; bổ sung chất xơ, hoa quả tươi; thường xuyên tập luyện thể dục thể thao; tránh lo âu, căng thẳng…
Hi vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu hơn về bệnh cầu cơ mạch vành. Là một trong những bệnh lý ít gặp và không gây nguy hiểm ngay nhưng nếu không được điều trị kịp thời, bệnh vẫn có thể gây ra biến chứng. Để kiểm soát bệnh, quan trọng nhất vẫn là sự chủ động chăm sóc, theo dõi của người bệnh với sự tư vấn từ bác sĩ.