Cảnh báo polyp đại tràng chảy máu và cách xử lý 

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ

Đỗ Thị Hương 

Bác sĩ Tiêu hóa - Nội soi

Polyp đại tràng là bệnh lý không thể chủ quan đặc biệt là polyp đại tràng chảy máu. Trên thực tế, polyp được biết đến đa phần là lành tính nhưng không có nghĩa chúng vô hại. Vì vậy, khi phát hiện polyp đại tràng việc cần thiết là chủ động điều trị sớm đúng cách.

1. Polyp đại tràng là gì?

Polyp phát triển ở niêm mạc lòng đại tràng, có thể có cuống hoặc không cuống. Polyp có hình dạng giống như khối u lồi lên nhưng không phải u. Hầu hết, polyp đại tràng là lành tính và không gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người bệnh trong giai đoạn đầu. Nhưng theo thời gian cùng nhiều tác nhân ảnh hưởng, polyp có thể biến đổi tế bào, phát triển tăng sinh lớn dần và gia tăng nguy cơ ác tính.

Theo thống kê cho thấy, có tới 50% các ca bệnh ung thư đại tràng được phát triển từ polyp đại tràng. Vì vậy, khi phát hiện polyp ở giai đoạn sớm cũng cần chủ động điều trị nhằm mục đích phòng chống tốt ung thư đường tiêu hóa.

Polyp đại tràng là gì?

Hình ảnh một polyp phát triển bất thường trong lòng đại tràng.

2. Polyp đại tràng chảy máu có nguy hiểm không?

2.1. Khi nào polyp đại tràng bị chảy máu?

Thông thường, ở giai đoạn mới hình thành polyp sẽ có bề mặt nhẵn, màu sắc khá giống so với màu sắc của niêm mạc đại tràng. Khi polyp phát triển tăng sinh nhanh dễ gây chèn ép vào các mạch máu và tạo ra sung huyết tại các vị trí này. Mức độ chảy máu có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố và ở mỗi trường hợp đều không giống nhau nhưng thông thường với những polyp kích thước càng lớn thì diện sung huyết sẽ càng rộng.

Người bệnh nghi ngờ có polyp đại tràng chảy máu thông qua các dấu hiệu điển hình như rối loạn đại tiện, đại tiện khó, đi ngoài phân ra máu tươi hoặc cục máu đông. Lý giải cho tình trạng này là do khi phân đi qua đại trực tràng cọ sát với polyp sung huyết sẽ khiến máu ở polyp chảy ra và bám theo phân. Tuy nhiên, việc thấy máu trong phân dễ bị nhầm lẫn với triệu chứng bệnh trĩ nội nên nhiều người còn khá chủ quan.

2.2. Polyp đại tràng chảy máu cảnh báo nguy hiểm gì?

Khi polyp lớn gây chảy máu cảnh báo về dấu hiệu tăng sinh phát triển bất thường, tăng nguy cơ ác tính. Hầu hết các trường hợp polyp đại tràng chảy máu, bề mặt sần sùi, cấu trúc có răng cưa đều sẽ được chỉ định cắt bỏ ngay để phòng chống nguy cơ ung thư. Không chỉ vậy, với những polyp chảy máu nhiều và liên tục trong thời gian dài có thể gây ra thiếu máu, thiếu sắt rất nguy hiểm đến người bệnh. Thiếu máu nặng sẽ khiến người bệnh mệt mỏi, thiếu tập trung, mặt kém sắc, ảnh hưởng tới sức khỏe và suy giảm chất lượng cuộc sống.

Polyp đại tràng chảy máu có nguy hiểm không?

Theo ước tính, 50% ca bệnh ung thư đại tràng phát triển từ polyp đại tràng.

3. Phương pháp điều trị polyp chảy máu

Polyp không thể tự triệt tiêu hay dùng thuốc điều trị. Khi nội soi đại trực tràng phát hiện có polyp, bác sĩ sẽ dựa theo tình trạng polyp và ra chỉ định điều trị phù hợp. Cụ thể:

– Polyp kích thước 0,2-2cm có thể can thiệp cắt bỏ ngay qua nội soi. Đây là phương pháp tối ưu, ít xâm lấn, không đau và hạn chế biến chứng.

– Polyp lớn hơn 2cm sẽ cần được đánh giá chi tiết xem có thể cắt trực tiếp qua nội soi hay không hay phải can thiệp phẫu thuật.

Vì vậy, phát hiện sớm polyp là rất cần thiết. Phát hiện sớm điều trị sẽ thuận tiện và cho hiệu quả tốt. Theo khuyến cáo từ các chuyên gia y tế, mỗi người từ độ tuổi 40 trở lên nên chủ động nội soi dạ dày đại tràng kể cả khi không có triệu chứng nhằm tầm soát polyp cũng như phòng chống ung thư đường tiêu hóa.

4. Tìm hiểu quy trình can thiệp cắt polyp qua nội soi

4.1. Trước cắt polyp

Trước tiên, người bệnh cần đặt trước lịch nội soi đại tràng và thực hiện theo đúng các hướng dẫn trước nội soi đã được lưu ý bao gồm:

– Người bệnh nhịn ăn trước nội soi ít nhất 6-8 tiếng. Nhịn uống hoàn toàn trước nội soi 2 tiếng. Không uống các loại nước có màu như rượu vang, sữa, nước hoa quả,…

– Thông báo với bác sĩ về những loại thuốc điều trị đang sử dụng nếu có, bệnh mãn tính hoặc trường hợp dị ứng để được hướng dẫn chi tiết đúng cách.

– Có thể lựa chọn đăng ký nhận thuốc và thực hiện làm sạch đại tràng tại nhà theo hướng dẫn. Lựa chọn này giúp tiết kiệm thời gian, tăng tính riêng tư mà vẫn cho hiệu quả làm sạch tốt. Đến viện được điều dưỡng kiểm tra lại kết quả làm sạch tại nhà, nếu đạt yêu cầu có thể được nội soi ngay.

Lưu ý trước nội soi cắt polyp

Người bệnh cần lưu ý và thực hiện đúng theo các yêu cầu trước nội soi tiêu hóa.

4.2. Quy trình các bước thực hiện

Nội soi ca thiệp cắt polyp ở đại tràng là loại thủ thuật hiện đại với nhiều lợi thế, cho hiệu quả điều trị tốt, tiết kiệm thời gian và chi phí. Cụ thể, cắt polyp đại trực tràng qua nội soi tại Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc sẽ được tiến hành theo các bước sau:

– Bước 1: Khám ban đầu (khám lâm sàng) với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa.

– Bước 2: Làm các xét nghiệm và các chẩn đoán cận lâm sàng cần thiết.

– Bước 3: Làm sạch đại tràng.

– Bước 4: Đặt đường truyền mê cho người bệnh và tiến hành gây mê.

– Bước 5: Bắt đầu nội soi đại tràng. Bác sĩ dùng ống nội soi đi từ hậu môn lên trực tràng và đại tràng để tìm polyp.

– Bước 6: Bác sĩ đánh giá polyp và ra chỉ định cắt. Phương pháp cắt polyp được thực hiện sẽ dựa theo từng loại polyp cụ thể có thể là cắt thường quy, cắt hớt niêm mạc EMR hoặc cắt tách dưới lớp niêm mạc ESD.

– Bước 7: Cắt polyp thành công, bác sĩ sẽ tiến hành kẹp clip tại vùng cắt nếu có chảy máu. Hoàn tất thủ thuật can thiệp cắt polyp đại tràng.

– Bước 8: Rút đường truyền mê cho người bệnh.

– Bước 9: Người bệnh tỉnh mê, nghỉ ngơi và được đo lại huyết áp.

– Bước 10: Đọc kết quả và nhận chỉ định điều trị của bác sĩ.

Sau cắt polyp đại tràng, bác sĩ sẽ chuyển mẫu bệnh phẩm làm xét nghiệm mô bệnh học để kiểm tra nguy cơ ung thư đại tràng.

4.3. Những lưu ý sau cắt polyp

Sau thủ thuật cắt polyp thuận lợi, hầu hết các ca bệnh không cần nằm viện, người bệnh có thể về nhà ngay. Ở một số trường hợp bác sĩ nhận thấy các dấu hiệu nguy cơ có thể là vết cắt rộng, polyp lớn,… người bệnh được chỉ định lưu viện 1-3 ngày để được theo dõi và chăm sóc tốt.

Sau cắt polyp, người bệnh cần quan tâm đến chế độ ăn và điều chỉnh thói quen sinh hoạt hợp lý:

– Ăn uống đủ dinh dưỡng, ưu tiên đồ ăn mềm, nên ăn cháo trong 3 ngày đầu.

– Không ăn đồ cay, chua hoặc có chất kích thích.

– Không bê vác vật nặng hay tập thể thao cường độ mạnh trong vòng 14 ngày.

– Tuân thủ đúng theo các chỉ định dùng thuốc điều trị của bác sĩ.

– Tái khám sau 1 năm cắt polyp.

Polyp đại tràng chảy máu là bệnh lý nguy hiểm cần được điều trị kịp thời. Hiện nay, nội soi dạ dày đại tràng là phương pháp tối ưu được áp dụng giúp phát hiện các bệnh lý đường tiêu hóa và cả điều trị ung thư sớm hiệu quả.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital