Cảnh báo: Nguy cơ mắc uốn ván do lội nước bẩn mùa mưa bão

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ - Bác sĩ

Đặng Thị Kim Hạnh

Trưởng đơn vị Tiêm chủng

Diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp, nhiều trận mưa bão, lũ quét liên tục xảy ra, kéo theo đó là nguy cơ gia tăng các ca mắc bệnh uốn ván do lội nước bẩn. Bộ Y tế vừa đưa ra cảnh báo khẩn cấp về tình trạng này, kêu gọi người dân nâng cao cảnh giác và thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tính từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố đã liên tiếp ghi nhận các trường hợp mắc uốn ván. Điều đáng nói, trong năm 2023, số ca mắc uốn ván trên địa bàn Hà Nội cũng gia tăng với 25 ca bệnh (tăng 2,5 lần so với năm 2022), trong đó có 3 trường hợp tử vong.

Số bệnh nhân mắc uốn ván có xu hướng ngày càng gia tăng mùa mưa bão

Số bệnh nhân mắc uốn ván có xu hướng ngày càng gia tăng mùa mưa bão

Thực tế kiểm tra cho thấy, các ca bệnh uốn ván gần đây đến từ các khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của mưa bão và ngập lụt. Điều đáng nói là người dân còn rất chủ quan không tiêm chủng phòng ngừa uốn ván. Đa phần người bệnh mắc uốn ván do lội nước bẩn khi có triệu chứng nhập viện, tình trạng bệnh đã diễn biến nặng

Thạc sĩ, bác sĩ Đặng Thị Kim Hạnh, Trưởng đơn vị tiêm chủng Thu Cúc TCI cho biết: Vi khuẩn uốn ván Clostridium tetani có thể tồn tại lâu trong môi trường đất và nước. Khi lội qua vùng nước ngập hoặc tiếp xúc bùn đất, vết thương rách da cũng có thể là môi trường cho vi khuẩn dễ dàng xâm nhập. Đặc biệt trong điều kiện ngập lụt, nước bẩn có thể chứa nhiều tác nhân gây bệnh, trong đó có vi khuẩn uốn ván.

Bộ Y tế cũng chỉ ra rằng, tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin uốn ván ở người trưởng thành còn thấp. Theo báo cáo của Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin có chứa thành phần uốn ván ở người trưởng thành chỉ đạt khoảng 57,9% trong năm 2022. Điều này khiến một bộ phận lớn người dân có nguy cơ cao mắc bệnh khi tiếp xúc với môi trường ô nhiễm.

uốn ván do lội nước bẩn

Người dân còn chủ quan với bệnh uốn ván (Ảnh TCI)

Điển hình có thể kể đến một trường hợp bệnh nhân N.V.T (43 tuổi, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng co giật toàn thân, khó thở, sốt cao sau khi lội qua vùng nước ngập do mưa lớn 1 tuần trước đó.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch. Các cơn co giật xảy ra liên tục, gây khó khăn cho việc hô hấp và tuần hoàn, căng cứng cơ hàm, đi lại khó khăn. Bệnh viện đã phải đặt nội khí quản, cho bệnh nhân thở máy và sử dụng nhiều loại thuốc để kiểm soát cơn giật.

Sau 3 tuần điều trị tích cực, bệnh nhân T. đã qua cơn nguy kịch nhưng vẫn phải tiếp tục điều trị và phục hồi chức năng trong thời gian dài. Chi phí điều trị ước tính lên đến hàng trăm triệu đồng.

Hay như trường hợp bệnh nhân N.V.K (52 tuổi, Hưng Yên) được chuyển tới bệnh viện tỉnh trong tình trạng khó há miệng, bụng cứng, đau cơ, choáng váng, mệt mỏi. Được biết, trước đó bệnh nhân tham gia công tác phòng chống lũ lụt tại địa phương, không may bị gạch rơi vào chân. Nhưng do chủ quan, bệnh nhân chỉ sơ cứu băng bó vết thương ngoài da và không tiêm phòng uốn ván

Sau đó 6 ngày, vết thương có hiện tượng nhiễm trùng. Bệnh nhân gặp các triệu chứng bất thường và không có hiện tượng thuyên giảm. Bệnh nhân tới viện được chẩn đoán mắc bệnh uốn ván trong tình trạng tăng trương lực cơ không kiểm soát, miệng cứng, chỉ há được 1,5cm và chỉ định chuyển lên viện tuyến đầu điều trị.

Hiện tại, sau hơn 1 tuần được theo dõi tích cực và điều trị, bệnh nhân đã có các dấu hiệu phục hồi tích cực. Mặc dù không phải thở mở khí quản, thở máy nhưng vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ biến chứng suy hô hấp, bội nhiễm trên cơ địa nhiều bệnh nền gây nên tử vong.

Menu xem nhanh:

Biến chứng nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao

Có thể thấy, đa phần bệnh nhân mắc uốn ván do lội nước bẩn còn rất chủ quan với căn bệnh này. Chủ yếu tự sơ cứu vết thương tại nhà mà không hề biết mình bị mắc bệnh uốn ván cho tới khi có những biểu hiện rõ rệt mới tới viện thì đã muộn. 

Cũng theo Thạc sĩ, bác sĩ Đặng Thị Kim Hạnh, ngoại độc tố do vi khuẩn uốn ván gây ra rất mạnh. Loại độc tố này đi trực tiếp vào máu và đến các xi-náp thần kinh-cơ làm tăng mức độ kích thích dẫn truyền gây nên hiện tượng co cứng cơ và co giật phổ biến

Thời gian ủ bệnh thường  từ 3 đến 21 ngày hoặc cũng có trường hợp 1 ngày cho tới vài tháng, phụ thuộc vào đặc điểm, độ lớn và vị trí của vết thương. Thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 10 ngày. Hầu hết các trường hợp bệnh xuất hiện trong vòng 14 ngày với các biểu hiện ban đầu là căng cứng cơ hàm, khó nhai nuốt, sau đó là căng cứng cơ tay, chân, tăng trương lực cơ toàn thân, và cuối cùng là co giật, toàn thân uốn cong, đau đầu, khó thở, suy hô hấp và nặng hơn là rối loạn thần kinh thực vật, nguy cơ tử vong cao.

Tiêm vaccine vẫn là “vũ khí” phòng, chống bệnh hiệu quả nhất

Bộ Y tế khuyến cáo, việc tiêm phòng vắc xin phòng uốn ván là hoàn toàn cần thiết. Người lớn nên tiêm nhắc lại mỗi 10 năm. Đây là biện pháp hiệu quả nhất để ngăn ngừa bệnh, giảm thiểu rủi ro biến chứng tối đa

uốn ván do lội nước bẩn

Tiêm phòng uốn ván là giải pháp được khuyến nghị cho người dân (Ảnh TCI)

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Đặng Thị Kim Hạnh, việc tiêm chủng cần được thực hiện đầy đủ theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Với đối tượng chưa tiêm vắc xin phòng uốn ván bao giờ cần tiêm 5 mũi, mũi 2 cách mũi 1 ít nhất 4 tuần, mũi 3 cách mũi 2 ít nhất 6 tháng, mũi 4 và mũi 5 sau mũi tiêm trước đó ít nhất 1 năm. 

Với đối tượng bị thương, nếu đã tiêm mũi vắc xin cơ bản có thành phần uốn ván, cần tiêm 1 mũi và không tiêm SAT, Chỉ tiêm SAT khi vết thương sâu rộng, bẩn nguy cơ cao nhiễm uốn ván. Nếu chưa tiêm mũi vắc xin cơ bản phòng uốn ván, cần tiêm theo lịch cơ bản trên và tiêm SAT cùng ngày tiêm mũi 1

Trẻ nhỏ từ 2 tháng tuổi cần được tiêm uốn ván, có trong mũi tiêm vắc xin 6 trong 1. Mẹ bầu mang thai cũng cần được tiêm vắc xin uốn ván đúng thời điểm, đặc biệt cần tiêm trước sinh 1 tháng để đảm bảo tối đa hiệu quả phòng ngừa. 

Bên cạnh việc tiêm phòng, Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân cũng cần nâng cao tinh thần chủ động phòng chống bệnh như tránh lội nước bẩn, bùn lầy. Nếu có vết thương, cần băng kín trước khi tiếp xúc với nước, chủ động mang ủng cao su và quần áo bảo hộ nếu bắt buộc phải lội bùn nước. Rửa sạch vết thương ngay lập tức với  nước sạch và xà phòng, sau đó sát trùng bằng cồn y tế hoặc oxy già nếu tiếp xúc với nước bẩn. Đến cơ sở y tế gần nhất nếu có dấu hiệu bất thường như cứng hàm, khó nuốt, co giật cơ.

Phòng tiêm chủng Thu Cúc TCI có đầy đủ các loại vắc xin cho khách hàng lựa chọn,  miễn phí khám trước khi tiêm và theo dõi sát sao sau tiêm. Cơ sở tiêm chủng rộng rãi, sạch sẽ, tọa lạc ngay tại phòng khám, đảm bảo xử lý mọi tình huống khẩn sau tiêm. Để biết thêm thông tin về tiêm chủng uốn ván cũng như các loại vắc xin khác, bạn đọc vui lòng xem thêm  tại đây nhé

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital