Cảnh báo: Bệnh cúm A vào mùa, hiểu rõ để phòng tránh hiệu quả

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Thị Hằng

Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn

Trong khi cả nước đang căng mình chống đại dịch COVID-19 thì “đến hẹn lại lên”, cúm A cũng đã vào mùa cao điểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe. Cùng tìm hiểu về bệnh cúm A để nhận biết và phòng ngừa hiệu quả qua các thông tin dưới đây.

1. Cúm A là gì?

Trong số các loại cúm như cúm A, cúm B và cúm C, thì cúm A là bệnh rất phổ biến, có khả năng lây lan cao và dễ bùng phát thành dịch vào các thời điểm giao mùa trong năm. Virus cúm A có nhiều chủng như H1N1, H2N3, H5N1 và mới đây là H5N8. Trong đó, chủng virus chủ yếu được xác định là cúm A (H1N1).

So với virus cúm B và cúm C, virus cúm A có khả năng thay đổi và phân nhóm nhanh tạo ra các chủng mới từ mùa cúm này sang mùa cúm khác nên thường dễ lây lan thành đại dịch trên diện rộng.

Theo các báo cáo, chỉ trong năm 2019, cả nước có khoảng 400.000 các trường hợp mắc bệnh cúm. Trong đó chủ yếu là cúm A và một phần là cúm B.

Nhiều trường hợp mắc cúm A ở mức độ nhẹ, triệu chứng không đáng kể và có thể tự khỏi khi nghỉ ngơi và uống nhiều nước. Tuy nhiên, nếu để bệnh trở nên nghiêm trọng, triệu chứng kéo dài hơn 1 tuần mà không đỡ, cúm A có thể biến chứng nặng, thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh.

2. Tại sao bệnh cúm A dễ lây lan và bùng phát vào thời điểm giao mùa?

Thời điểm giao mùa đông xuân thường có đặc điểm thời tiết thay đổi nóng, lạnh, ẩm thất thường trong ngày. Đây là điều kiện cho các loại virus đường hô hấp phát triển trong đó có virus cúm A.

Trong khi đó, vào thời điểm này, hệ miễn dịch của chúng ta suy giảm. Đặc biệt là ở những người có hệ miễn dịch yếu như trẻ em, người trên 65 tuổi, phụ nữ mang thai. Các đối tượng này có nguy cơ cao gặp các biến chứng, thậm chí tử vong vì cúm A.

Cúm A lây truyền rất nhanh trong không khí thông qua các giọt li ti có trong nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc hoặc qua tiếp xúc với các đồ vật nhiễm virus rồi đưa lên mắt, mũi, miệng. Đặc biệt, virus này có khả năng lây lan trên động vật và con người, qua trung gian là các loại chim hoang dã, các loại gia cầm khiến nguy cơ lây bệnh càng cao hơn.

Cúm A là một dạng bệnh cúm mùa do virus nhóm A gây ra

Cúm A là một dạng bệnh cúm mùa do virus nhóm A gây ra

3. Triệu chứng bệnh cúm A

Bệnh nhân mắc cúm A thường có các triệu chứng bao gồm:
– Ho
– Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi
– Hắt hơi
– Đau họng
– Sốt
– Đau đầu, mệt mỏi
– Ớn lạnh
– Nhức mỏi cơ thể

Đáng nói, các triệu chứng của của bệnh cúm A có nhiều điểm tương đồng với với hiện tượng cảm lạnh, các loại cúm thông thường cũng như các bệnh đường hô hấp khác. Thông thường các triệu chứng chỉ khác nhau về mức độ biểu hiện. Do vậy, người bệnh rất dễ nhầm lẫn. Hậu quả là dẫn đến những cách điều trị sai lầm khiến bệnh không những không được cải thiện mà còn trầm trọng hơn.

Khi thấy có những dấu hiệu cảnh báo, bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng xấu hơn.

Triệu chứng của cúm A dễ nhầm lẫn với các bệnh đường hô hấp khác

Triệu chứng của cúm A dễ nhầm lẫn với các bệnh đường hô hấp khác

4. Các biến chứng từ cúm A nếu bệnh diễn biến nặng

Đa phần các trường hợp mắc bệnh cúm A nhẹ sẽ tự khỏi, thường trong khoảng 7 – 10 ngày. Tuy nhiên, với những trường hợp nặng hơn nếu không được điều trị sớm, rất dễ gây ra những biến chứng nặng nề như:

– Nhiễm trùng tai
– Tiêu chảy
– Buồn nôn, nôn
– Chóng mặt
– Đau bụng
– Đau ngực
– Hen suyễn
– Viêm phổi
– Viêm phế quản
– Các vấn đề về tim mạch

Do vậy, ngay khi thấy các triệu chứng dù là mờ nhạt của bệnh, hãy đưa bệnh nhân đến ngay các cơ sở y tế để xác định nguyên nhân gây bệnh.

5. Cách điều trị cúm A hiệu quả

5.1. Trường hợp bệnh nhân mắc bệnh cúm A nhẹ

Trong 7-10 ngày đầu, bệnh nhân có thể tự chăm sóc tại nhà bằng các biện pháp:

– Nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, đặc biệt là các thực phẩm dễ tiêu hóa.

– Sử dụng các loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt, không nên tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc như Tamiflu. Bởi Tamiflu là loại thuốc có tác dụng ức chế, làm cho virus không nhân lên chứ diệt được virus. Thuốc cần phải dùng sớm trong vòng 2 ngày đầu thì tác dụng mới rõ rệt. Tamiflu thường chỉ được dùng cho những trường hợp bệnh nặng và cần được chỉ định bởi bác sĩ.

– Uống nhiều nước như nước lọc, sữa, nước trái cây, … Hạn chế ăn, uống các thực phẩm lạnh vì có thể làm tăng nặng các triệu chứng.

– Trong thời gian này, nên hạn chế đến những nơi đông người hoặc tiếp xúc với nhiều người, nếu có phải sử dụng khẩu trang y tế.

5.2. Trường hợp bệnh cúm A nặng

Nếu sau khoảng 7 ngày mà các triệu chứng của cúm A như ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi không thuyên giảm mà tiến triển nặng hơn, người bệnh cần đến khám tại cơ sở y tế để xử lý kịp thời, đúng cách.

6. Phòng tránh cúm A như thế nào?

Để tránh những biến chứng nguy hiểm do bệnh cúm A gây ra, người dân cần nhận biết và chủ động phòng tránh bệnh bằng những phương pháp sau:

– Vệ sinh sạch sẽ: Thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân. Các biện pháp bao gồm thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.

– Cân bằng nhiệt độ cơ thể: do bệnh cúm A thường phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết, đặc biệt khi thời tiết trở lạnh, không khí nồm ẩm nên việc giữ ấm và thông thoáng cơ thể giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh.

– Ăn uống đủ chất: Ăn uống đủ chất dinh dưỡng giúp bạn để nâng cao thể trạng, tăng sức đề kháng chống lại virus.

– Tiêm vắc-xin: Hiện nay đã có vắc-xin cúm mùa, bạn nên chủ động tiêm phòng để tăng cường miễn dịch giúp phòng chống bệnh cúm hiệu quả.

– Ngăn chặn nguồn lây bệnh: Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; hạn chế tiếp xúc với các loại gia cầm. Để tránh lây nhiễm cho những người xung quanh, cần che miệng khi hắt hơi, sử dụng khẩu trang y tế khi cần thiết.

Giữ ấm cơ thể giúp phòng tránh bệnh cúm A

Giữ ấm cơ thể giúp phòng tránh bệnh cúm A

Như vậy, bệnh cúm A là một bệnh dịch có khả năng lây nhiễm cao trong cộng đồng. Chủ động phòng tránh, ngăn ngừa sự lây lan của cúm A cũng cần được đề cao như cuộc chiến chống COVID-19. Hy vọng những thông tin trên đây giúp bạn có thể nhận biết sớm và phòng ngừa bệnh một cách hiệu quả.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital