Viêm họng hạt là thể quá phát của viêm họng kéo dài. Bệnh tuy dễ mắc nhưng khó chữa, có thể tái phát nhiều lần. Nhiều người bệnh thường cảm thấy hôi miệng khi mắc căn bệnh này. Liệu viêm họng hạt gây hôi miệng có thực sự đúng?
Menu xem nhanh:
1. Viêm họng hạt gây hôi miệng do nguyên nhân nào gây nên?
Đầu tiên cần khẳng định, viêm họng hạt sẽ dẫn tới hệ quả hôi miệng. Các hạt mủ li ti ở niêm mạc hầu họng khiến người bệnh ngứa ngáy, rát họng, cùng dịch đờm, dịch mủ trong họng gây mùi hôi khó chịu. Xét về nguyên nhân gây hôi miệng vì viêm họng hạt sẽ có nhiều yếu tố khác nhau. Có thể kể tới như:
– Môi trường ô nhiễm, bệnh lý, thể trạng người bệnh tạo điều kiện vi khuẩn phát triển và tiết ra độc tố gây mùi
– Thói quen lạm dụng rượu bia, cafe, thuốc lá, thực phẩm nặng mùi, thuốc kháng sinh là môi trường lý tưởng của vi khuẩn, virus
– Khi bị viêm họng hạt, khoang miệng hạn chế tiết nước bọt. Nó khiến vi khuẩn phát triển, phân giải thức ăn thừa trong răng miệng tạo nên chất bay hơi có lưu huỳnh là yếu tố gây mùi
– Đường hô hấp tăng cường tiết dịch đờm, dịch mủ. Chúng ứ đọng tại cổ họng lâu ngày và gây mùi
– Thói quen thở bằng miệng khi bị ngạt khiến vi khuẩn đi vào miệng nhiều hơn. Khoang miệng khô và có mùi
– Thói quen vệ sinh răng miệng không sạch, không đúng cách
– Các bệnh lý về hô hấp khác như viêm amidan, viêm xoang,…
– Các vấn đề về tiêu hóa như trào ngược dạ dày, gan, nóng trong,…
Khi đã hiểu rõ các nguyên do gây hôi miệng của viêm họng hạt, chúng ta mới có thể tìm cách khắc phục và xử lý được vấn đề này đúng đắn
2. Viêm họng hạt hôi miệng ảnh hưởng như thế nào?
Đối với người bị viêm họng hạt, hôi miệng là triệu chứng khó tránh khỏi. Dù không gây nguy hiểm tới sức khỏe, nhưng nó lại ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống của bệnh nhân. Việc giao tiếp với những người xung quanh bị cản trở và khó khăn. Người hôi miệng thấy ngại ngùng, thiếu tự tin. Từ đó mà tâm lý hay hiệu quả giao tiếp gặp vấn đề, kéo theo những hệ quả khác trong cuộc sống.
Về khía cạnh bệnh lý, hôi miệng có thể là biểu hiện của một cơ thể thiếu nước. Họng cũng như đường hô hấp có khả năng nhiễm trùng nặng và lâu dài do vi khuẩn tăng nhanh. Nếu không được điều trị sớm, hôi miệng cũng như viêm họng hạt kéo dài có thể dẫn tới các nguy cơ như:
– Sưng tấy hoặc áp xe ở thành họng hay amidan
– Các bệnh lý khác như viêm xoang, viêm tai giữa, viêm mũi, viêm thanh quản, khí quản, phế quản, thậm chí là viêm phổi
– Lây lan tới các bộ phận khác gây bệnh như viêm cầu thận, viêm khớp, viêm màng bên ngoài tim
Nhằm chặn đứng hôi miệng cũng như viêm họng hạt và các bệnh lý khác, người bệnh cần tìm hiểu phương pháp điều trị đứng đắn và phù hợp.
3. Biện pháp xử lý cho người bị viêm họng hạt gây hôi miệng
Do tính chất không quá nghiêm trọng nên viêm họng hạt hôi miệng ban đầu có thể điều trị bằng cách thay đổi những thói quen hàng ngày.
3.1. Vệ sinh răng miệng – Giải pháp hiệu quả giảm thiểu viêm họng hạt gây hôi miệng
Bản chất của hôi miệng là do vi khuẩn tăng lên trong miệng. Do đó, chăm sóc răng miệng sạch sẽ, đúng cách là điều tiên quyết khi muốn thay đổi tình trạng này.
Trước hết, bệnh nhân cần đánh răng ít nhất 2 lần/ ngày và không quá 3 lần/ngày. Nên đánh răng sau khi ăn và trước khi ngủ, loại bỏ sạch thức ăn thừa trong kẽ răng. Khi đánh răng cần chú ý vệ sinh lưỡi bằng mặt chải lưỡi hoặc rơ lưỡi chuyên dụng. Việc này giúp loại bỏ vi khuẩn trên bề mặt lưỡi, giảm mùi hôi.
Song song với đánh răng, súc miệng và họng là không thể thiếu. Người bệnh nên súc miệng bằng nước muối ấm hàng ngày. Duy trì thói quen này vừa giúp sát khuẩn cổ họng, giảm mùi hôi vừa ngăn ngừa các bệnh về họng.
Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng kẹo cao su không đường hay xịt miệng khử mùi hôi. Cách này giúp tiêu diệt tạm thời một số vi khuẩn, giảm hôi, tăng hương thơm mát cho miệng.
3.2. Chế độ dinh dưỡng cho người bị viêm họng hạt gây hôi miệng
Bên cạnh việc giữ răng miệng sạch sẽ, chế độ ăn phù hợp cũng rất cần thiết cho người viêm họng. Cách ăn uống khoa học hợp lý sẽ giúp giảm mùi hôi của hơi thở, bớt áp lực cho cổ họng và có lợi cho sức khỏe.
Rau xanh và trái cây giòn là những thực phẩm cần bổ sung thường xuyên trong thực đơn hàng ngày. Chúng chứa nhiều nước, khoáng chất, vitamin C làm tăng đề kháng, dịu niêm mạc cổ họng.
Các thực phẩm nặng mùi như hành, tỏi, đồ ăn lên men cần được hạn chế sử dụng.
Đặc biệt, bệnh nhân cần bổ sung đủ nước mỗi ngày, giúp điều tiết nước bọt, hạn chế sự sinh sôi của vi khuẩn. Người bệnh cũng có thể bổ sung các loại nước uống có khả năng sát khuẩn họng và miệng như nước gừng ấm, trà xanh,… Tuy nhiên, những thức uống mang tính háo nước như rượu, bia, cafe cần được giảm thiểu để hạn chế vi khuẩn.
3.3. Thăm khám để điều trị bệnh dứt điểm
Do viêm họng hạt là bệnh dễ tái phát, nên thay đổi lối sống có thể không phải là phương pháp chữa trị dứt điểm căn bệnh này. Nếu bệnh kéo dài nhiều ngày, hoặc người bệnh không thể thay đổi để khắc phục triệu chứng, nên sớm tới cơ sở y tế để thăm khám. Tại đây, bác sĩ sẽ kiểm tra và đưa ra lời khuyên, cùng những biện pháp can thiệp cần thiết. Nhờ đó mà bệnh được điều trị kịp thời, hạn chế khả năng tái phát và biến chứng.
Sau những thông tin trên, hy vọng người bệnh có thêm cho mình những kiến thức cần thiết để có thể chủ động phòng ngừa và khắc phục vấn đề hôi miệng do viêm họng hạt gây nên. Từ đó cuộc sống cải thiện và tự tin giao tiếp hơn.