Lao phổi là bệnh cần một quá trình khá lâu dài để điều trị. Những người bệnh ở mức độ nhẹ hoàn toàn có cách điều trị bệnh lao phổi tại nhà cũng như tại các cơ sở y tế. Bài viết sau đây sẽ cung cấp thông tin cụ thể về cách điều trị bệnh lý này.
Menu xem nhanh:
1. Lao phổi là gì?
Bệnh lao phổi là do vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis (MTB) gây ra. Mặc dù vi khuẩn lao thường tấn công phổi, nhưng chúng cũng có thể tác động đến thận, xương, não, tim và các cơ quan khác trong cơ thể.
Khi một người bệnh ho hoặc hắt hơi, giọt bắn có thể mang vi khuẩn lao vào không khí. Khi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể, hệ thống miễn dịch tập trung vào việc ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn, điều này dẫn đến ba giai đoạn bệnh:
– Nhiễm lao nguyên phát là giai đoạn vi khuẩn mới xâm nhập. Hệ thống miễn dịch có thể tiêu diệt vi khuẩn lao trong giai đoạn này. Tuy nhiên, một số loại vi khuẩn lao vẫn có thể tồn tại và phát triển.
– Nhiễm lao tiềm ẩn: Ở giai đoạn này, vi khuẩn lao có thể được kiểm soát hoặc ngủ yên trong cơ thể, không gây ra triệu chứng.
– Lao đang hoạt động: khi hệ thống miễn dịch suy yếu, vi khuẩn lao bắt đầu phát triển và gây ra bệnh lao phổi.
2. Tìm hiểu nguyên nhân và triệu chứng của bệnh lao phổi
2.1. Nguyên nhân
Nguyên nhân gây bệnh thường do tiếp xúc gần với giọt bắn có chứa vi khuẩn khi người bệnh ho hoặc hắt hơi.
Một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ cao mắc lao phổi bao gồm:
– Hệ miễn dịch yếu: nhiễm HIV, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, bệnh mạn tính và suy dinh dưỡng làm suy yếu hệ miễn dịch.
– Tiếp xúc thường xuyên với người nhiễm bệnh: những cá nhân có nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn lao cao hơn nếu họ sống, làm việc chung hoặc tiếp xúc thường xuyên với người bệnh.
2.2. Triệu chứng
Mỗi giai đoạn của nhiễm trùng lao có các triệu chứng khác nhau.
– Giai đoạn 1: Nhiễm lao giai đoạn khởi phát
Phần lớn mọi người hoặc không có triệu chứng hoặc có triệu chứng giống như cảm cúm, chẳng hạn như mệt mỏi, sốt nhẹ và ho.
– Giai đoạn 2: Nhiễm lao tiềm ẩn
Người bệnh thường không có triệu chứng để phát hiện bệnh trong giai đoạn nhiễm lao tiềm ẩn. Vi khuẩn vẫn tồn tại và ngủ yên trong cơ thể vào thời điểm này.
– Giai đoạn 3: Lao hoạt động
Vi khuẩn lao bắt đầu gây bệnh cho phổi hoặc các cơ quan khác. Bệnh thường có xu hướng trầm trọng hơn sau vài tuần. Các triệu chứng ở giai đoạn 3 có thể bao gồm:
– Ho và có khả năng kéo dài hơn ba tuần.
– Ho ra máu hoặc các chất nhầy khác.
– Đau họng, sưng và viêm họng.
– Đau bụng và khó thở.
– Sốt và mệt mỏi vào buổi tối.
– Đêm nào cũng ra mồ hôi.
– Chán ăn và bị sụt cân.
3. Thông tin về cách điều trị bệnh lao phổi tại nhà
3.1. Cách điều trị bệnh lao phổi tại nhà cần đảm bảo một số nguyên tắc nhất định
Đa số người bệnh không cần đến các cơ sở y tế trong quá trình áp dụng phương pháp điều trị kháng sinh này vì họ có thể tiến hành điều trị ngay tại nhà. Điều trị tại nhà cũng giúp bệnh không lây lan ra ngoài cộng đồng.
Một số lưu ý quan trọng sau đây khi áp dụng cách điều trị bệnh lao phổi tại nhà:
– Bệnh nhân cần nghỉ làm, nghỉ học và cách ly với những người trong gia đình. Người bệnh lao tuyệt đối không nên tiếp xúc với bất kỳ ai khác.
– Bệnh nhân phải đeo khẩu trang khi giao tiếp với người khác. Người bệnh phải dùng khăn giấy để che miệng khi hắt hơi hoặc ho, sau đó bỏ khăn giấy vào túi kín để vứt đi.
– Phải đảm bảo nơi ở luôn được thông thoáng, sạch sẽ và có cửa sổ để đón nắng.
– Thường xuyên rửa tay với xà phòng ít nhất trong khoảng 20 giây.
– Sử dụng thuốc trị lao vào một thời điểm nhất định trong ngày, không quên uống thuốc hoặc sử dụng thuốc quá liều. Ngay cả khi bạn đã thấy tình trạng bệnh cải thiện thì vẫn phải dùng thuốc. Nếu như người bệnh bỏ liều hay không tuân thủ theo phác đồ thì vi khuẩn lao sẽ rất dễ đột biến thành lao kháng thuốc. Khi ấy, việc điều trị sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
– Thực hiện việc nghỉ ngơi đầy đủ bằng cách ngủ đủ giấc, ngủ sâu từ 7 đến 8 tiếng mỗi ngày.
3.2. Chuyên gia tư vấn chế độ dinh dưỡng dành cho người mắc bệnh lao phổi
Bệnh lao phổi có thể khiến cơ thể thiếu dinh dưỡng và tình trạng nhiễm trùng sẽ trở nên nặng hơn. Do đó, khi điều trị lao phổi tại nhà, người bệnh cần hết sức chú ý đến chế độ dinh dưỡng hàng ngày.
Nhu cầu năng lượng của những bệnh nhân bị lao phổi sẽ phải tăng lên để chống lại nhiễm trùng. Vì vậy, những người mắc bệnh lao phổi nên ăn các loại thực phẩm phong phú và đa dạng, chẳng hạn như rau quả, nước ép, thực phẩm giàu đạm (như cá, thịt, trứng, sữa), chất béo và tinh bột.
Theo đó, bệnh nhân nên tiêu thụ 15% đến 30% năng lượng cho chất đạm, 45% đến 65% cho bột đường và 25% đến 35% cho chất béo. Ngoài ra, người bệnh lao phổi có thể chia nhỏ các bữa ăn và ăn những gì họ thích để giảm nguy cơ các tác dụng phụ khi sử dụng thuốc điều trị lao phổi tại nhà.
3.3. Chuyên gia lưu ý cách điều trị bệnh lao phổi tại nhà
Người bệnh phải tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định sử dụng thuốc của bác sĩ để tiêu diệt vi khuẩn lao trong cơ thể và ngăn chặn sự phát triển của các thể khuẩn lao khàng thuốc mới.
– Tiếp tục uống thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa
Ngay cả khi các triệu chứng giảm dần, hãy tiếp tục sử dụng thuốc. Sau khi điều trị lao, vi khuẩn có thể tiếp tục tồn tại và phát triển khả năng kháng thuốc. Điều này có thể dẫn đến bệnh lao đa kháng thuốc (MDR). Khi điều này xảy ra, điều trị bệnh lao sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
– Đau bụng, nôn mửa, ăn không ngon, nước tiểu có màu đậm, tiêu chảy, da vàng, mắt vàng, giảm cân, mệt mỏi, phát ban là một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi sử dụng một số thuốc điều trị bệnh lao.
– Người bệnh cần liên hệ ngay với bác sĩ điều trị của họ trong quá trình sử dụng thuốc nếu cơ thể không thích nghi, không có chuyển biến tốt hoặc xuất hiện tác dụng phụ nguy hiểm.
Người bệnh lao không chỉ được điều trị bằng thuốc mà còn cần tạo ra một tinh thần lạc quan, vui vẻ, tuân theo chế độ dinh dưỡng khoa học và thường xuyên tham gia vào các hoạt động thể thao để tăng cường sức đề kháng. Những thành phần này nâng cao hiệu quả điều trị bệnh.