Quai bị có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng hay gặp nhất là ở trẻ em. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì thế, để có cách chữa quai bị hiệu quả, người bệnh cần tìm đến các bệnh viện, cơ sở y tế để được tư vấn và chỉ định cụ thể.
Bệnh quai bị thường xuất hiện nhiều vào mùa xuân, hè. Đây là một bệnh nhẹ nhưng có thể gây những biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, đặc biệt là vô sinh. Hiện chưa có thuốc đặc trị. Bệnh có thể gặp ở tất cả mọi người nhưng thường gặp nhất ở trẻ em (trên 2 tuổi). Quai bị do virus gây nên và rất dễ lây qua tiếp xúc trực tiếp với nước bọt bệnh nhân. Thời gian ủ bệnh là 17-28 ngày.
Phần lớn bệnh nhân thấy khó chịu 1-2 ngày trước khi các triệu chứng xuất hiện.Bệnh nhân bị sốt cao (39-40 độ C) trong 3-4 ngày, chảy nước bọt và má sưng to (có thể sưng một bên mặt rồi lan sang bên kia hoặc sưng hai bên cùng một lúc), gây đau khi nuốt nước bọt.
Hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh quai bị. Cách tốt nhất là chăm sóc kỹ lưỡng và điều trị triệu chứng:
– Bệnh quai bị chủ yếu được điều trị tại nhà, khi bệnh nhân có các dấu hiệu quai bị, cần được đưa đến bệnh viện, cơ sở y tế để khám và có những chẩn đoán chính xác nhằm xác định cách thức điều trị phù hợp đồng thời cách ly bệnh nhân 2 tuần kể từ lúc phát hiện bệnh.
– Cho bệnh nhân nghỉ tại chỗ, càng hạn chế vận động càng tốt.
– Sử dụng các phương pháp giúp bệnh nhân hạ sốt: Dùng khăn thấm nước ấm lau cơ thể bệnh nhân để đảm bảo vệ sinh và hạ sốt, tuyệt đối không sử dụng nước lạnh để lau. Sau đó đắp khăn ấm hai bên má bệnh nhân để tạo cảm giác dễ chịu, thoải mái. Có thể cho dùng thuốc Paracetamol để hạ sốt và giảm đau nhưng cần hỏi ý kiên bác sĩ trước khi sử dụng
– Nên cho bệnh nhân uống nhiều nước để cơ thể không bị mất nước, có thể uống thêm nước cam, nước chanh để tăng sức đề kháng của cơ thể. Tuy nhiên chỉ nên uống nước ấm ở nhiệt độ 30 độ C, không uống nước quá lạnh hay quá nóng;
– Cho bệnh nhân súc miệng bằng nước muối sinh lý, nước muối pha loãng, hay nước súc miệng để miệng không bị khô. Cách ly bệnh nhân với những người khác đến khi khỏi bệnh để tránh lây lan.
– Cho bệnh nhân ăn thức ăn đủ chất nhưng nhiều nước, nấu loãng, nhừ cho dễ ăn, dễ nuốt, dễ hấp thu như chao, súp,…
– Cho bệnh nhân ăn những thực phẩm có tác dụng thanh nhiệt, giải độc cơ thể như đậu xanh, bông actiso, chanh, cam, bưởi, nho, mướp đắng, rau ngót….
Bệnh quai bị ở người lớn tuy ít gặp, nhưng thường nặng và có nhiều biến chứng hơn ở trẻ em. Có thể gặp các biến chứng như:
Viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn: Biến chứng này có tỷ lệ 20-35% ở người sau tuổi dậy thì mắc bệnh quai bị, thường xảy ra sau đợt viêm tuyến mang tai khoảng 7-10 ngày. Lúc này tinh hoàn sưng to, đau, mào tinh căng phù như một sợi dây thường. Tình trạng viêm và sốt kéo dài 3-7 ngày, sau đó khoảng 50% số trường hợp tinh hoàn teo dần và có thể dẫn đến tình trạng giảm số lượng tinh trùng và vô sinh.
Nhồi máu phổi: Là tình trạng một vùng phổi bị thiếu máu nuôi dưỡng, có thể tiến đến hoại tử mô phổi. Nhồi máu phổi là biến chứng có thể xảy ra sau viêm tinh hoàn do quai bị vì hậu quả của huyết khối từ tĩnh mạch tiền liệt tuyến.
Viêm buồng trứng: Có tỷ lệ 7% ở nữ sau tuổi dậy thì, ít khi dẫn đến vô sinh .
Viêm tụy: Có tỷ lệ 3% – 7%, là một biểu hiện nặng của quai bị. Bệnh nhân bị đau bụng nhiều, buồn nôn, có khi tụt huyết áp.
Các tổn thương thần kinh: Viêm não có tỷ lệ 0,5%, bệnh nhân có các hiện tượng như: thay đổi tính tình, bứt rứt, khó chịu, nhức đầu, co giật, rối loạn tri giác, rối loạn thị giác, đầu to do não úng thủy. Tổn thương thần kinh sọ não dẫn đến điếc, giảm thị lực, viêm tủy sống cắt ngang, viêm đa rễ thần kinh.
Bệnh quai bị ở phụ nữ có thai: Những phụ nữ bị quai bị trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể gây sẩy thai hoặc sinh con dị dạng, trong 3 tháng cuối của thai kỳ có thể sinh non hoặc thai chết lưu.
Một số biến chứng khác: Viêm cơ tim, viêm tuyến giáp, viêm tuyến lệ, viêm thần kinh thị giác, viêm thanh khí phế quản, viêm phổi, rối loạn chức năng gan, xuất huyết do giảm tiểu cầu…
Để ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra, người bệnh cần thực hiện ngay theo cách chữa quai bị của bác sĩ. Đồng thời nghỉ ngơi tại chỗ và dùng thuốc điều trị triệu chứng kịp thời, hiệu quả.