Cách chăm sóc trẻ em tại nhà không cần dùng thuốc đau bụng

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Dược sĩ

Phạm Minh Hưng

Trưởng khoa Dược

Đau bụng là một tình trạng phổ biến ở trẻ em, có thể do nhiều nguyên nhân gây ra như rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm, táo bón, đầy hơi, … Việc sử dụng thuốc giảm đau bụng cho trẻ em cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng và tuân theo hướng dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, cha mẹ có thể áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà để giúp trẻ giảm cơn đau mà không cần dùng thuốc đau bụng.

1. Tìm hiểu nguyên nhân – Bước đầu trong chăm sóc trẻ bị đau bụng

Bước đầu tiên trong việc chăm sóc trẻ em bị đau bụng là xác định nguyên nhân gây đau bụng. Từ đó cha mẹ mới có thể áp dụng được biện pháp chăm sóc phù hợp, đạt hiệu quả nhanh. Dưới đây là một vài nguyên nhân khiến trẻ đau bụng đó là:

– Rối loạn tiêu hóa: Đây là nguyên nhân gây đau bụng phổ biến nhất ở trẻ em, thường do vi khuẩn hoặc virus gây ra. Các triệu chứng của rối loạn tiêu hóa bao gồm tiêu chảy, táo bón, đầy hơi, nôn mửa,…

– Ngộ độc thực phẩm: Khi trẻ ăn phải thực phẩm bị nhiễm khuẩn hoặc độc tố sẽ khiến trẻ bị ngộ độc thực phẩm. Các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm bao gồm tiêu chảy, nôn mửa, chuột rút, sốt,…

– Táo bón: Khi trẻ không đi đại tiện trong một thời gian dài hoặc đi đại tiện khó khăn thì có thể là dấu hiệu trẻ bị táo bón. Các triệu chứng của táo bón bao gồm đau bụng, đầy hơi, phân cứng,…

– Đầy hơi: Khi khí bị mắc kẹt trong ruột khiến trẻ bị đầy hơi. Các triệu chứng của đầy hơi bao gồm đau bụng, chướng bụng, ợ hơi,…

trẻ đau bụng do đâu?

Trẻ bị đau bụng do nhiều nguyên nhân, cha mẹ cần xác định đúng nguyên nhân để có cách chăm sóc phù hợp

2. Các biện pháp chăm sóc tại nhà hiệu quả mà không cần dùng thuốc đau bụng

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau bụng, cha mẹ có thể áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà sau đây mà không cần dùng thuốc đau bụng:

2.1. Trường hợp rối loạn tiêu hóa

Đầu tiên, cha mẹ cần bù nước và điện giải cho bé. Khi bị rối loạn tiêu hóa, trẻ em sẽ bị mất nước và điện giải do tiêu chảy hoặc nôn mửa. Tình trạng này kéo dài sẽ nguy hiểm tới tính mạng. Lúc này nên cho trẻ uống nhiều nước lọc, oresol hoặc nước trái cây loãng để bù lại lượng nước và điện giải.

Với chế độ ăn uống, cha mẹ cần lưu ý:

– Ưu tiên thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như cháo, súp, cơm trắng,… để giúp trẻ dễ dàng hấp thu và giảm bớt gánh nặng cho hệ tiêu hóa.

– Tránh cho trẻ ăn thức ăn cứng, cay nóng, nhiều dầu mỡ, đồ ngọt và sữa.

– Chia nhỏ thành 5-6 bữa ăn trong ngày để dễ tiêu hóa hơn.

Bên cạnh đó nên bổ sung lợi khuẩn cho trẻ bằng men vi sinh hoặc sữa chua để cân bằng hệ vi sinh đường ruột, hỗ trợ tiêu hóa và giảm các triệu chứng rối loạn tiêu hóa. Đồng thời cho trẻ nghỉ ngơi đầy đủ để cơ thể nhanh chóng phục hồi.

2.2. Trường hợp ngộ độc thực phẩm không cần thuốc đau bụng

Với nguyên nhân trẻ đau bụng do ngộ độc thực phẩm, cha mẹ cũng thực hiện các biện pháp chăm sóc tương tự như rối loạn tiêu hóa:

– Bù nước và điện giải bằng cách cho trẻ uống nhiều nước lọc, oresol hoặc nước trái cây loãng.

– Cho trẻ ăn thức ăn được nấu nhừ, xay nhuyễn hoặc cắt nhỏ để dễ tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng tốt hơn.

– Không cho trẻ ăn đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, các đồ ăn vặt,… trong thời gian trẻ bị ngộ độc.

– Ban đầu trẻ có thể bỏ ăn, chán ăn thì cha mẹ không nên bắt em con ăn ngay lúc đó. Có thể chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày để trẻ dần dần tiếp nhận thức ăn dễ dàng hơn.

– Nghỉ ngơi là rất cần thiết, tránh cho trẻ hoạt động nhiều như chạy nhảy, học tập,…

Quan trọng nhất là cha mẹ cần theo dõi sát sao các biểu hiện của trẻ. Nếu thấy trẻ có những biểu hiện nghiêm trọng dưới đây cần đi khám bác sĩ ngay:

– Sốt cao.

– Nôn mửa, tiêu chảy liên tục.

– Cơ thể mệt mỏi, phản ứng chậm trong giao tiếp với cha mẹ.

2.3. Trường hợp táo bón

Trẻ bị táo bón thường bắt nguồn từ chế độ ăn uống hàng ngày không khoa học. Do đó, để cải thiện tình trạng này cha mẹ cần điều chỉnh lại các bữa ăn mà không cần cho trẻ uống thuốc đau bụng:

– Ưu tiên rau xanh, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt để bổ sung chất xơ.

– Dặn dò và tạo cho trẻ thói quen uống nhiều nước.

– Hạn chế cho trẻ ăn thức ăn ít chất xơ như thức ăn nhanh, đồ chiên rán, bánh kẹo,…

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần khuyến khích trẻ vận động thường xuyên để kích thích nhu động ruột. Đồng thời tạo thói quen đi vệ sinh đều đặn mỗi ngày vào một giờ nhất định để trẻ quen với điều đó.

Nếu các biện pháp trên không hiệu quả, cha mẹ có thể sử dụng tới thuốc đau bụng cho trẻ theo hướng dẫn của bác sĩ.

Không dùng thuốc đau bụng thì làm gì

Cha mẹ nên cho trẻ ăn các đồ ăn có tính mềm để hệ tiêu hóa dễ thở hơn

2.4. Trường hợp trẻ bị đầy hơi không cần dùng thuốc đau bụng

Tương tự như táo bón, đầy hơi có thể cải thiện nếu cha mẹ áp dụng các phương pháp sau:

– Tránh cho trẻ ăn thức ăn dễ gây đầy hơi như bắp cải, súp lơ, đậu phộng, …

– Hướng dẫn, dặn dò trẻ ăn chậm, nhai kỹ.

– Tránh uống nước ngọt có ga.

– Khuyến khích trẻ vận động thường xuyên để giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.

– Massage bụng cho trẻ theo chiều kim đồng hồ để giúp giảm bớt khí trong ruột.

Nếu các biện pháp trên không hiệu quả, bạn có thể sử dụng thuốc chống đầy hơi cho trẻ theo hướng dẫn của bác sĩ.

3. Khi nào cần đưa trẻ đi khám bác sĩ?

Nếu nhận thấy trẻ có các triệu chứng sau, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay lập tức:

– Đau bụng dữ dội, kéo dài.

– Sốt cao trên 38,5°C.

– Nôn mửa nhiều.

– Tiêu chảy nhiều lần, để ý thấy phân có lẫn máu hoặc nhầy.

– Mất nước nghiêm trọng (khô miệng, lờ đờ, tiểu ít).

– Bụng chướng to.

– Có dấu hiệu nhiễm trùng (sốt cao, rét run, đau nhức cơ bắp,…).

Qua thăm khám, bác sĩ có thể kê đơn thuốc đau bụng phù hợp hoặc các phương pháp điều trị khác nếu cần.

trẻ đau bụng mãi không khỏi phải làm gì

Nếu thấy trẻ bị đau bụng kéo dài kèm theo nhiều triệu chứng nghiêm trọng như sốt, mệt mỏi, lờ đờ,… thì cần đưa trẻ đi khám để điều trị dứt điểm

4. Phòng ngừa đau bụng ở trẻ em

Để phòng ngừa đau bụng ở trẻ em, cha mẹ có thể áp dụng một số biện pháp sau đây:

– Trong 6 tháng đầu đời cần cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn.

– Vệ sinh tay kỹ lưỡng cho trẻ và giữ môi trường sống luôn sạch sẽ để bảo vệ trẻ khỏi vi khuẩn gây bệnh.

– Cho trẻ ăn thức ăn chín kỹ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

– Cho trẻ uống nhiều nước.

– Tập cho trẻ thói quen đi vệ sinh đều đặn theo giờ quy định để phòng ngừa táo bón và các vấn đề tiêu hóa khác.

– Tăng cường vận động cho trẻ.

– Bổ sung lợi khuẩn cho trẻ bằng sữa chua hoặc men vi sinh.

Có rất nhiều biện pháp chăm sóc trẻ tại nhà hiệu quả mà không cần dùng thuốc đau bụng. Tuy nhiên, điều quan trọng là cha mẹ cần xác định nguyên nhân gây đau bụng để áp dụng biện pháp chăm sóc phù hợp. Nếu trẻ có các triệu chứng nghiêm trọng, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám bác sĩ để được điều trị kịp thời.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital