Bệnh tim mạch là một trong những vấn đề sức khỏe được quan tâm hàng đầu trên thế giới. Tỷ lệ tử vong và di chứng do bệnh tim mạch vẫn chiếm hàng đầu và đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng ở các nước đang phát triển. Nhận biết và kiểm soát các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch là vô cùng quan trọng trong việc giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh lý tim mạch
Menu xem nhanh:
Hút thuốc có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch?
Hút thuốc lá là một trong những yếu tố nguy cơ chính của bệnh tim mạch, đột quỵ và ung thư. Ngay cả những loại ít nhựa thuốc (low – tar), nhẹ (light) cũng cũng có thể làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch đáng kể.
Vậy nguy cơ bệnh tim mạch có thể giảm sau khi bỏ thuốc lá hay không?
Nếu bạn có thể bỏ thuốc lá, nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ sẽ giảm trong vòng một vài tuần. Nguy cơ này sẽ giảm xuống ở mức như người bình thường nếu không hút thuốc trong vòng 2 năm. Ngoài ra nhiều trường hợp còn cho biết họ cảm thấy khỏe mạnh và nhiều năng lượng hơn sau khi ngừng sử dung thuốc lá.
Suy giáp có phải là yếu tố nguy cơ phát triển bệnh tim mạch?
Suy giáp có thể làm tăng nồng độ cholesterol trong máu và dẫn tới sự phát triển của bệnh tim mạch. Tuy nhiên nếu bệnh suy giáp được điều trị bằng hormone tuyến giáp, nồng độ cholesterol sẽ trở lại bình thường.
Sử dụng thuốc tránh thai cũng liên quan tới bệnh tim mạch?
Thuốc tránh thai có thể làm tăng nhẹ nguy cơ hình thành huyết khối và nhồi máu cơ tim. Điều này chủ yếu xảy ra ở những người đã sử dụng thuốc tránh thai trong hơn 10 năm và những người hút thuốc lá.
Bệnh tim mạch có di truyền không?
Hầu hết các bệnh lý tim đều không phải là bệnh di truyền. Một số bệnh lý tim như bệnh cơ tim giãn, bệnh cơ tim phì đại hoặc hội chứng Brugada … có tính chất gia đình.
Nếu trong gia đình có người mắc bệnh tim mạch, độ tuổi nào mà bạn nên bắt đầu chú ý tới sức khỏe tim mạch và thực hiện các xét nghiệm kiểm tra?
Nếu có tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch, nên bắt đầu kiểm tra nồng độ cholesterol trong máu của bạn từ năm 18 tuổi. Ngoài ra cũng nên kiểm tra huyết áp hàng năm cũng như thực hiện các xét nghiệm cho bệnh tiểu đường. Điều quan trọng là nên duy trì lối sống lành mạnh ở bất cứ lứa tuổi nào, bao gồm việc duy trì chế độ ăn uống lành mạnh cho tim và tập luyện thường xuyên.
Có phải phần lớn những người thừa cân đều có nguy cơ phát triển bệnh tim mạch?
Thừa cân có thể làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch theo nhiều cách. Trước hết thừa cân, béo phì làm tăng gấp 10 lần nguy cơ cao huyết áp và tiểu đường. Ngoài ra, béo phì còn làm giảm nồng độ HDL hay cholesterol “tốt”, giúp loại bỏ LDL hay cholesterol “xấu” khỏi thành mạch và vận chuyển nó trở về gan để xử lý hoặc loại bỏ.
Stress có phải là yếu tố của bệnh tim mạch không?
Stress có thể làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch mặc dù cơ chế nào dẫn tới tình trạng này vẫn chưa sáng tỏ. Căng thẳng về thể chất hoặc cảm xúc đột ngột có thể dẫn tới đau thắt ngực hoặc thậm chí là nhồi máu cơ tim.
Có đúng là một ly rượu vang đỏ mỗi ngày tốt cho tim?
Có thông tin cho rằng uống một hoặc hai ly rượu vang đỏ mỗi ngày có thể giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim. Điều này có thể là do uống rượu vang đỏ làm tăng nồng độ cholesterol “tốt” HDL. Tuy nhiên lợi ích của việc uống rượu vang đỏ đối với sức khỏe tim mạch chỉ được phát huy nếu chúng ta tiêu thụ ở mức độ vừa phải. Càng uống nhiều rượu, nguy cơ phát triển bệnh tim mạch sẽ càng tăng.