Các triệu chứng hen suyễn và cách chẩn đoán chính xác

Hen suyễn là căn bệnh hô hấp mạn tính xảy ra do nhiều nguyên nhân như ô nhiễm môi trường, các tác nhân gây dị ứng, các bệnh về phổi khác… Triệu chứng hen suyễn đa dạng và có thể khác nhau ở mỗi người. Cùng tìm hiểu dấu hiệu nhận biết bệnh hen suyễn và cách chẩn đoán chính xác qua bài viết dưới đây. 

1. Các triệu chứng hen suyễn biểu hiện như thế nào?

1.1 Các triệu chứng hen suyễn thông thường

Bệnh hen suyễn có thể biểu hiện khác nhau ở mỗi người bệnh, tuy nhiên, phổ biến nhất là:

– Ho nhiều về đêm

Ho có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác nhau như viêm xoang, cúm, cảm lạnh… Đây là phản ứng của cơ thể nhằm tống các chất bài tiết hoặc dị nguyên (bụi, khói, phấn hoa, lông động vật…) ra ngoài… Tuy nhiên, ho do hen suyễn có đặc trưng là cơn ho thường kéo dài. Đặc biệt bệnh nhân ho nhiều về đêm do đường thở bị thu hẹp. Ngoài ra, cơn ho có thể xuất hiện hoặc tăng nặng khi bệnh nhân gặp một chất di ứng nào đó, lao động mạnh, làm việc nặng, gắng sức, tập thể dục, khi thay đổi thời tiết…

– Khó thở, thở khò khè

Đường thở của những người mắc bệnh hen suyễn thường bị thu hẹp hơn so với bình thường do phù nề ống phế quản, dẫn đến tình trạng khó thở điển hình. Lúc này, không khí đi qua phổi bị cản trở tạo ra âm thanh khò khè khi bệnh nhân thở. Tình trạng thở khò khè nặng nề hơn khi bệnh nhân gặp không khí lạnh. Cơn khò khè có thể xuất hiện nhiều lần trong ngày.

– Thở nhanh và gấp

Người bị hen suyễn có thể gặp tình trạng thở nhanh và gấp, đặc biệt là khi vận động nhiều.

– Đau thắt ngực

Tình trạng hẹp đường thở có thể khiến máu về tim bị nghèo oxy, gây ra tình trạng đau thắt ngực. Người bệnh thường cảm thấy cơn đau thắt như có vật gì đó đè nặng và siết chặt ở ngực.

– Nhợt nhạt, đổ mồ hôi

Mặt nhợt nhạt, mệt mỏi, ra nhiều mồ hôi cũng là một triệu chứng thường thấy ở những người bị hen suyễn. Nguyên nhân là do cơ thể không được cung cấp đủ oxy.

Triệu chứng hen suyễn thường gặp là gì?

Ho, khó thở là những biểu hiện thường thấy của người bị hen suyễn.

1.2 Các triệu chứng hen suyễn trở nặng

Các triệu chứng của bệnh hen có thể khởi phát rồi tự biến mất. Tuy nhiên một số dấu hiệu có thể cho thấy bệnh đang trở nên tồi tệ hơn, bao gồm:

– Các triệu chứng của bệnh hen suyễn lặp lại thường xuyên và gây khó chịu hơn cho người bệnh

– Mức độ khó thở tăng lên khi đo bằng máy đo lưu lượng đỉnh

– Nhu cầu sử dụng thuốc cắt cơn trở nên nhiều và thường xuyên hơn

Một số tình huống có thể khiến các triệu chứng hen suyễn bùng phát hoặc trầm trọng hơn:

– Thực hiện các hoạt động gắng sức như tập thể dục, thể thao, leo cầu thang…

– Không khí lạnh và khô hơn

– Nơi làm việc có các tác nhân gây kích thích như khí hoặc bụi, các hóa chất…

– Tiếp xúc với các tác chất trong không khí như phấn hoa, bào tử nấm mốc, lông, da thú cưng…

2. Những triệu chứng của bệnh hen suyễn ảnh hưởng đến người bệnh như thế nào?

Bệnh hen suyễn có thể tái phát thường xuyên, với các triệu chứng dai dẳng gây khó chịu cho người bệnh, điển hình như:

Mất ngủ vào ban đêm, mệt mỏi ban ngày

– Ho nhiều gây ngứa rát họng, đặc biệt khi nuốt nước bọt

– Khó thở khiến người bệnh phải ngồi dậy hoặc dừng việc đang làm lại

Điều này có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng học tập, công việc, các mối quan hệ trong xã hội, quan hệ vợ chồng…

Tuy có tỷ lệ tử vong tương đối thấp so với các bệnh mạn tính khác, tuy nhiên bệnh hen suyễn vẫn có thể gây nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và kiểm soát hiệu quả. Các biến chứng của hen phế quản có thể kể đến như:

Viêm phế quản

– Khí phế thũng

– Tâm phế mạn tính

– Suy/ngừng hô hấp

– Xẹp phổi

– Tràn khí màng phổi

Đặc biệt, phụ nữ mang thai có nguy cơ mắc hen suyễn ở tuần thứ 24 đến 36 của thai kỳ. Hen suyễn ở phụ nữ mang thai dễ dẫn đến các biến chứng như sản giật, xuất huyết âm đạo, sinh non… Trẻ sinh ra dễ nhẹ cân hơn những đứa trẻ bình thường.

Hen suyễn nặng gây những triệu chứng và biến chứng gì?

Hen suyễn nặng có thể gây triệu chứng lặp đi lặp lại và những biến chứng nguy hiểm.

2. Phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh hen suyễn

2.1. Chẩn đoán bệnh hen suyễn

Khi nghi ngờ những dấu hiệu của bệnh hen suyễn, bạn cần đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời. Trong quá trình thăm khám, các bác sĩ sẽ khai thác một số thông tin về các triệu chứng của bệnh nhân, tiền sử bệnh, tình trạng dị ứng của người bệnh hay một số tác nhân khiến cơn hen khởi phát.

Sau đó người bệnh có thể được đo chức năng hô hấp để kiểm tra phổi đang hoạt động như thế nào. Nếu cần thiết, bệnh nhân có thể được chỉ định chụp X- quang hoặc chụp CT lồng ngực để tìm kiếm những bất thường trong phổi.

2.2 Điều trị bệnh hen suyễn

Tùy vào từng trường hợp, bệnh nhân hen suyễn có thể được chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Hiện nay, điều trị nội khoa là phương pháp điều trị thường được dùng với bệnh nhân hen suyễn. Các loại thuốc thường được chỉ định là thuốc kiểm soát hen có corticoid đường phun hít, thuốc kích thích beta giao cảm. Bệnh nhân nên mang theo thuốc cắt cơn hen sẵn bên người để dùng ngay trong những trường hợp khẩn cấp.

Lưu ý:
– Nên tuân thủ theo đúng các loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ

– Tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ để kịp thời đánh giá được khả năng đáp ứng điều trị, mức độ kiểm soát cơn hen, từ đó có những thay đổi phù hợp nếu cần.

Chẩn đoán, phân biệt triệu chứng hen suyễn bằng các phương pháp nào?

Để xác định nguyên nhân chính xác của các triệu chứng hen suyễn, người bệnh cần thăm khám chuyên khoa hô hấp.

3. Cách phòng ngừa bệnh hen suyễn

Để ngăn tiến triển của bệnh hen suyễn, phòng tránh những biến chứng nguy hiểm, người bệnh cần:

– Tránh hút hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá

– Tập luyện thường xuyên với bộ môn và mức độ vừa phải để cải thiện thể trạng

– Tránh sử dụng tùy tiện, đặc biệt là các loại thuốc có nguy cơ gây khởi phát cơn hen

– Ăn uống khoa học, lành mạnh, cân bằng dưỡng chất, bổ sung các loại rau củ và trái cây tươi

– Tránh xa các loại thực phẩm dễ gây dị ứng

– Giữ vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, hạn chế nấm mốc, khói bụi,…

– Không tiếp xúc với những khu vực ô nhiễm, nhiều khói bụi

– Giữ ấm trong thời tiết lạnh bằng cách mặc ấm, đội mũ, quàng khăn…

– Tiêm vắc xin phòng cúm hàng năm nhằm hạn chế các cơn hen suyễn cấp tính

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital