Các thông tin cần biết về mẫu giấy khám sức khỏe an toàn

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú

Tạ Quang Mậu

Bác sĩ Nội Khoa

Bạn mong muốn hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm và đang tìm thông tin về mẫu giấy khám sức khỏe an toàn thực phẩm? Nếu câu trả lời là có, vậy thì bài viết dưới đây chắc chắn là dành cho bạn. Cùng khám phá ngay nào!

1. Quy định về khám sức khỏe an toàn thực phẩm

Khám sức khỏe an thực phẩm là hoạt động kiểm tra sức khỏe người làm việc trong lĩnh vực liên quan tới thực phẩm. Mục đích của việc khám khám sức khỏe cho người hoạt động trong ngành thực phẩm là đảm bảo người đó không mắc bệnh truyền nhiễm. Bởi môi trường sản xuất, cung cấp và kinh doanh thực phẩm có nhiều điều kiện để làm lây lan các bệnh truyền nhiễm ra cộng đồng.

Giấy chứng nhận sức khỏe dạng này có màu xanh đặc trưng, do đó khám sức khỏe an toàn thực phẩm hay còn gọi là khám sức khỏe thẻ xanh. Đồng thời, giấy chứng nhận sức khỏe thẻ xanh này còn có thể cấp cho những đối tượng xin visa đi nước ngoài. Vì nhiều nước yêu cầu người nhập cảnh phải chứng minh được bản thân đủ sức khỏe, không mang mầm bệnh truyền nhiễm có nguy cơ đe dọa sức khỏe cộng đồng bản địa.

Đối tượng bắt buộc phải thực hiện khám sức khỏe an toàn thực phẩm được quy định cụ thể trong Quyết định số 21/2007/QĐ-BYT, bao gồm:

  • Người lao động trực tiếp tham gia và quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm
  • Các tổ chức, cá nhân là chủ của cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm
  • Những người lao động kinh doanh độc lập trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thực phẩm
mẫu giấy khám sức khỏe an toàn thực phẩm có gì

Người làm trong lĩnh vực thực phẩm cần khám sức khỏe thẻ xanh

2. Khám sức khỏe an toàn thực phẩm gồm những gì?

Trên thực tế, việc khám sức khỏe an toàn thực phẩm theo Quyết định số 21/2007/QĐ-BYT cũng thuộc phạm vi quy định của Thông tư 14/2013/TT-BYT về khám sức khỏe nói chung. Do đó, người khám sức khỏe thẻ xanh cũng thực hiện các danh mục khám như khi khám sức khỏe thông thường và bổ sung thêm danh mục xét nghiệm để sàng lọc nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm.

2.1. Danh mục khám trong mẫu giấy khám sức khỏe an toàn thực phẩm

  • Thông tin cá nhân: Ở mục này, người khám sẽ cung cấp các thông tin cơ bản như tên tuổi, địa chỉ, giới tính… Ngoài ra, bạn cần hoàn thiện thông tin bệnh sử của bản thân và gia đình. Các bệnh lý cần lưu ý khi kê khai thông tin bao gồm: bệnh truyền nhiễm, đái tháo đường, bệnh tim mạch, lao, hen phế quản, ung thư…
  • Khám thể lực: Với nội dung này, người khám bệnh sẽ được đo các chỉ số về chiều cao và cân nặng, đo huyết áp và mạch. Thông qua đó, bạn sẽ được tính chỉ số BMI của cơ thể.
  • Khám lâm sàng: Danh mục này sẽ gồm các bài kiểm tra về thị lực, da liễu, răng hàm mặt, tai mũi họng, khám nội – ngoại khoa, khám sản phụ khoa.
  • Khám cận lâm sàng: Đây bước quan trọng khi khám sức khỏe nói chung và càng có ý nghĩa đối với khám sức khỏe an toàn thực phẩm nói riêng. Bạn sẽ được thực hiện xét nghiệm máu, nước tiểu và chụp X-quang như khi khám sức khỏe thông thường. Bên cạnh đó, người khám sức khỏe sẽ tiến hành xét nghiệm cấy phân để sàng lọc nguy cơ mắc các bệnh tả lỵ, thương hàn.
mẫu giấy khám sức khỏe an toàn thực phẩm gồm những gì

Xét nghiệm máu là một danh mục quan trọng trong khám sức khỏe an toàn thực phẩm

2.2. Lưu ý khi khám an toàn thực phẩm

Để quy trình khám sức khỏe diễn ra thuận lợi, bạn cần ghi nhớ và đảm bảo các lưu ý quan trọng dưới đây:

  • Nhịn ăn tối thiểu 6 tiếng trước khi làm xét nghiệm máu.
  • Không đi khám sức khỏe khi đang có kỳ kinh nguyệt (đối với nữ). Tốt nhất là chỉ thực hiện khám sức khỏe sau khi kết thúc kinh nguyệt 5 – 7 ngày.
  • Vệ sinh sạch sẽ các khu vực cần kiểm tra như: tai, mũi, răng.
  • Không trang điểm khi tham gia khám da liễu.
  • Với xét nghiệm cấy phân, phải đảm bảo không để phân nhiễm máu (ví dụ như máu của chu kỳ kinh nguyệt, máu do bị bệnh trĩ, các tổn thương bên ngoài hậu môn…). Trường hợp phân lẫn các hay các chất khác từ giấy vệ sinh hoặc khăn đều không đạt tiêu chuẩn xét nghiệm.
  • Khi tham gia chụp X-quang, lưu ý không nên sử dụng sản phẩm khử mùi. Vì các hợp chất từ sản phẩm khử mùi có thể sẽ cho ra hình ảnh trên phim chụp là các đốm trắng, dễ bị nhầm với dấu hiệu của ung thư.
quy định mẫu giấy khám sức khỏe an toàn thực phẩm

Người tham gia khám sức khỏe cần đảm bảo thực hiện các lưu ý từ nhân viên y tế

3. Giải đáp một số thắc mắc khám sức khỏe an toàn thực phẩm

Ngoài những thông tin phía trên, vẫn còn một số chủ đề được nhiều người quan tâm khi tìm hiểu về giấy khám sức khỏe an toàn thực phẩm. Chúng tôi sẽ giúp bạn tổng hợp và giải đáp ngay sau đây.

3.1. Các mẫu giấy khám sức khỏe an toàn thực phẩm

Khi tham gia khám sức khỏe nói chung, bạn sẽ có giấy chứng nhận sức khỏe trong đó gồm có thông tin các kết quả khám chuyên môn và kết luận của bác sĩ. Với khám sức khỏe an toàn thực phẩm, bạn còn được cấp thêm thẻ chứng nhận đủ sức khỏe để tham gia làm việc trong lĩnh vực thực phẩm. Ngoài ra, hồ sơ khám sức khỏe an toàn thực phẩm còn có:

  • Sổ theo dõi kết quả xét nghiệm mẫu phân
  • Phiếu kết quả xét nghiệm phân tìm người lành mang trùng
  • Sổ theo dõi danh sách bệnh truyền nhiễm

3.2. Địa chỉ khám an toàn thực phẩm

Hiện nay, không phải cơ sở y tế nào cũng có đủ thẩm quyền để cấp giấy xác nhận sức khỏe an toàn thực phẩm. Công văn số 5845/BCT-KHCN của Bộ Công thương quy định các cơ quan y tế cấp quận/huyện trở lên mới có thẩm quyền để cấp giấy xác nhận đủ sức khỏe cho chủ cơ sở và người trực tiếp tham gia quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

hồ sơ mẫu giấy khám sức khỏe an toàn thực phẩm

Không phải cơ sở y tế nào cũng có đủ thẩm quyền cấp giấy khám sức khỏe an toàn thực phẩm

3.3. Chi phí khám sức khỏe an toàn thực phẩm

Giấy chứng nhận sức khỏe an toàn thực phẩm có giá trị là 12 tháng, do đó bạn cần tham gia khám sức khỏe thẻ xanh hàng năm. Và chi phí khám sức khỏe sẽ phụ thuộc vào quy định của từng cơ sở y tế nhưng sẽ dao động từ 500.000 – 2.000.000 VNĐ.

Khám sức khỏe thẻ xanh là điều kiện cần thiết đối với người lao động làm trong ngành chế biến và kinh doanh thực phẩm. Đây không chỉ là điều kiện để bạn có thể nhận thức được về tình trạng sức khỏe bản thân mà còn là góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Vì thế, hãy chủ động tham gia khám sức khỏe an toàn thực phẩm theo quy định bạn nhé.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital