Các thông tin cần biết khi đi khám sức khỏe tổng quát

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú

Tạ Quang Mậu

Bác sĩ Nội Khoa

Đi khám sức khỏe tổng quát là một trong những hoạt động vô cùng cần thiết nhằm phát hiện sớm bệnh lý, giúp tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả điều trị. Với nữ giới, bởi đặc thù giới tính nên phụ nữ rất dễ gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe và vì vậy việc khám sức khỏe định kỳ càng trở nên quan trọng hơn.

1. Khám sức khỏe tổng quát nữ giới và những mốc thời gian cần nhớ

Đa số chúng ta vẫn thường “có bệnh mới vái tứ phương” và chưa có thói quen khám sức khỏe định kỳ. Vì thế, chúng ta có rất nhiều thắc mắc xung quanh chủ đề này. Dưới đây là một số câu hỏi liên quan tới các mốc thời gian mà bạn cần ghi nhớ khi đi khám sức khỏe.

1.1. Nên đi khám sức khỏe tổng quát khi nào?

Các chuyên gia đều khẳng định rằng đây phải là hoạt động cần được thực hiện đều đặn ngay từ khi chúng ta được sinh ra. Bởi ở mỗi độ tuổi khác nhau, con người lại phải đối diện với những nguy cơ riêng. Ở các nước phương Tây, khám sức khỏe định kỳ trở thành một trong những chính sách xã hội cơ bản và được thực hiện rất thường xuyên. Tuy vậy, tại Việt Nam thì điều này chưa được thực hiện phổ biến.

Đối với phụ nữ, khi tới một độ tuổi nhất định chị em thường có dấu hiệu suy giảm sức khỏe. Thông thường phụ nữ trên 35 tuổi hay gặp phải các vấn đề về phụ khoa, ung thư vú, ung thư cổ tử cung, xương khớp… Đặc biệt, những chị em bước vào tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh sẽ càng có nguy cơ cao mắc các bệnh lý nguy hiểm hơn. 

Do đó, các bạn nên khám sức khỏe và tầm soát ung thư sớm từ độ tuổi 25. Thậm chí, với những bạn gái đã có quan hệ tình dục cũng nên chú ý khám sức khỏe thường xuyên bởi khi đó bạn cũng có nguy cơ phải đối mặt với các bệnh lý về sản phụ khoa.

lưu ý đi khám sức khỏe tổng quát

Nên hình thành thói quen khám sức khỏe định kỳ từ sớm

1.2. Đi khám sức khỏe tổng quát bao nhiêu lần là đủ?

Vì sức khỏe là điều kiện cơ bản để bạn có thể thực hiện mọi việc trong cuộc sống nên quan tâm tới sức khỏe không bao giờ là đủ. Cũng vì thế cũng sẽ không có giới hạn số lần bạn phải khám sức khỏe tổng quát trong cả cuộc đời. Các chuyên gia khuyên rằng chúng ta nên đi khám sức khỏe mỗi năm từ 1 – 2 lần. Đối với những người mắc một số bệnh lý nhất định, có thể bác sĩ sẽ chỉ định bạn phải thực hiện các danh mục khám theo dõi thường xuyên hơn.

Mặt khác, khi thực hiện khám tổng quát đều đặn, có thể nguy cơ đối diện một số bệnh lý của bạn cũng sẽ giảm xuống và có thể bạn không cần phải thực hiện tầm soát những bệnh lý đó quá thường xuyên. Ví dụ đối với những người có họ hàng mắc bệnh ung thư trực tràng thì được xếp vào đối tượng có nguy cơ trung bình. Sau khi theo dõi, họ có thể chỉ cần tầm soát sức khỏe với kỹ thuật chụp cắt lớp CT khoảng 5 năm/lần. 

1.3. Nên thực hiện khám sức khỏe vào thời gian nào trong ngày?

Với sự phát triển của hệ thống các cơ sở y tế, người dân hiện nay đã có cơ hội chủ động hơn trong việc lựa chọn địa điểm và thời gian thăm khám. Tuy vậy, chúng ta vẫn nên thực hiện khám sức khỏe vào buổi sáng. Điều này để đề phòng số lượng người tới khám quá đông, kéo dài thời gian khám. Nên khám vào buổi sáng sẽ giúp bạn có thể hoàn thiện danh mục khám tổng quát trong ngày.

Hơn thế, vào buổi sáng, chỉ số cơ thể tương đối ổn định sẽ cho kết quả chính xác hơn. Trong các danh mục khám sức khỏe tổng quát cũng thường có xét nghiệm máu phải yêu cầu bạn phải nhịn ăn, có thể gây ảnh hưởng tới hoạt động của bạn nên việc khám và xét nghiệm vào buổi sáng sẽ hợp lý hơn.

đi khám sức khỏe tổng quát ở đâu

Khám sức khỏe vào buổi sáng thuận tiện hơn cho người bệnh

2. Danh mục khám sức khỏe tổng quát dành cho nữ giới

Tùy theo từng độ tuổi, gói khám sức khỏe tổng quát nhằm mang lại hiệu quả tối ưu nhất cho người bệnh. Ngoài các danh mục khám cơ bản, bạn cũng nên thực hiện các kiểm tra trọng tâm theo từng độ tuổi để phòng ngừa tối đa nguy cơ mắc bệnh.

2.1. Đi khám sức khỏe tổng quát cho nữ giới có những danh mục cơ bản nào?

Gói khám sức khỏe định kỳ tại nhiều bệnh viện chia các danh mục khám như sau:

  • Kiểm tra thể lực thông qua các chỉ số huyết áp, chiều cao, cân nặng.
  • Khám lâm sàng: kiểm tra thị lực, khám răng hàm mặt, khám tai mũi họng…
  • Khám cận lâm sàng: xét nghiệm máu và nước tiểu, chụp X-quang tim phổi, siêu âm ổ bụng…

Đối với các chị em phụ nữ, còn có thêm 2 danh mục khám sản phụ khoa và siêu âm vú, tử cung, buồng trứng. Đối với khám sản phụ khoa sẽ có sự khác biệt về phương pháp thực hiện dành cho người đã quan hệ tình dục hoặc chưa. Vì thế bạn cần phải chia sẻ về thông tin này với bác sĩ. Đây cũng là lưu ý chung đối với mọi người khi đi khám, bạn cần chia sẻ rõ ràng mọi thông tin đối với bác sĩ để họ có cơ sở chẩn đoán bệnh và đưa ra tư vấn phù hợp. 

nên đi khám sức khỏe tổng quát ở đâu

Chuẩn bị sẵn thông tin bệnh sử cá nhân và gia đình giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác hơn

2.2. Các danh mục khám bổ sung nên làm theo từng độ tuổi

Bên cạnh những kiểm tra đã nêu phía trên, tùy theo từng độ tuổi, chúng ta cần thực hiện các danh mục kiểm tra chuyên sâu hơn. Điều này sẽ giúp bạn nhận biết được các nguy cơ bệnh lý theo độ tuổi để phòng ngừa hoặc điều trị sớm.

 

Độ tuổiDanh mục khám bổ sung
Tuổi từ 20-30
  • Khám và làm xét nghiệm bệnh truyền nhiễm
  • Khám sức khỏe tiền hôn nhân và kiểm tra chức năng sinh sản 
Tuổi từ 30-40
  • Khám và làm xét nghiệm mỡ máu, gout, tiểu đường…
  • Khám sản phụ khoa, đo mật độ xương…
Tuổi từ 40-60
  • Tầm soát các bệnh ung thư như ung thư vú, ung thư tử cung, dạ dày, phổi…
  • Khám và làm xét nghiệm mỡ máu, tiểu đường, xương khớp, gout, tim mạch,…
Tuổi trên 60
  • Khám và làm xét nghiệm về mỡ máu, tim mạch, xương khớp, gout, tiểu đường, bệnh hô hấp …
  • Tầm soát các bệnh ung thư…
đi khám sức khỏe tổng quát định kỳ

Phụ nữ nên kết hợp khám sức khỏe và tầm soát ung thư định kỳ

3. Các lưu ý để đi khám sức khỏe tổng quát thuận lợi

Khám sức khỏe tổng quát không chỉ giúp bạn nhận biết về tình trạng của bản thân mà kết quả còn được sử dụng để đi xin việc, đi học, xuất khẩu lao động… Vì thế, nhu cầu khám sức khỏe tổng quát luôn luôn cao và số lượng người đi khám rất đông. Nên để đảm bảo việc thăm khám thuận tiện bạn nên chú ý:

  • Đặt lịch khám trước để chủ động lựa chọn thời gian phù hợp với bản thân.
  • Sử dụng dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm tại nhà (đối với một số viện tư nhân) để tối ưu thời gian thăm khám tại viện.
  • Không thực hiện khám phụ khoa nếu bạn đang trong kỳ kinh nguyệt hoặc đang có thai.
  • Tránh quan hệ tình dục trước ngày khám (nếu bạn có khám phụ khoa).
  • Phụ nữ đang mang thai không tham gia chụp X-quang.
  • Cần chuẩn bị trước các thông tin về sức khỏe của các thành viên trong gia đình và bản thân. 
  • Không ăn sáng, để bụng rỗng tối thiểu 6 tiếng và không uống sữa hay các loại nước có màu để đảm bảo kết quả xét nghiệm chính xác.

Trên đây là những thông tin cơ bản về việc khám sức khỏe tổng quát mà các chị em phụ nữ cần biết. Hy vọng qua bài viết này bạn đã hiểu rõ hơn về vai trò và sẽ thực hiện khám sức khỏe định kỳ để bảo vệ sức khỏe bản thân.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital