Các nguyên nhân sỏi bàng quang phổ biến nhất

Tham vấn bác sĩ
Thầy Thuốc ưu tú, Bác sĩ CKII

Phạm Huy Huyên

Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc, Phụ trách Ngoại thận tiết niệu

Sỏi bàng quang là bệnh lý thường gặp và có nhiều nguyên nhân sỏi bàng quang. Sỏi thường hình thành từ sự lắng đọng các chất khoáng trong nước tiểu. Sỏi bàng quang cần được phát hiện sớm để tránh để lại các biến chứng khó lường. 

1. Sỏi bàng quang là gì?

Sỏi bàng quang được hình thành khi các khoáng chất trong nước tiểu cô đặc, kết tinh và tạo thành sỏi. Điều này xảy ra khi nước tiểu không được thường xuyên đẩy ra khỏi cơ thể. Nam giới có tỷ lệ mắc sỏi cao hơn phái nữ. Nguyên nhân sỏi bàng quang rất đa dạng trong đó có những sỏi thận di chuyển xuống niệu quản và rơi vào bàng quang. Sỏi bàng quang nhỏ có thể tự thoát ra ngoài khi đi tiểu. Đối với các sỏi lớn hơn 8mm thường sẽ bị kẹt trong niệu đạo hoặc ở cổ bàng quang gây bí tiểu, tiểu đau. 

Sỏi bàng quang là bệnh lý thường gặp ở hệ tiết niệu

Sỏi bàng quang là bệnh lý thường gặp ở hệ tiết niệu

2. Các dấu hiệu thường gặp của bệnh sỏi bàng quang

Một số trường hợp sỏi bàng quang không gây ra vấn đề gì. Tuy nhiên nếu sỏi kích thích vào thành bàng quang hoặc bị kẹt ở niệu đạo sẽ gây ra một số triệu chứng.

– Cảm giác đau đớn khi đi tiểu

Đau bụng dưới 

– Tiểu rắt, thường xuyên đi tiểu nhưng chỉ đi được rất ít mỗi lần

– Tiểu bí, khó đi tiểu, tiểu gián đoạn

– Trong nước tiểu có lẫn máu 

– Nước tiểu có màu sắc bất thường: Nước tiểu đục, sẫm màu

3. Nguyên nhân gây sỏi bàng quang

Nước tiểu bị ứ đọng và cô đặc lâu ngày sẽ kết tinh và tạo thành sỏi. Bên cạnh đó nguyên nhân sỏi bàng quang rất đa dạng. 

3.1 Phì đại tiền liệt tuyến là nguyên nhân sỏi bàng quang

Khi tuyến tiền liệt ở nam giới to lên sẽ chặn dòng chảy của nước tiểu khiến bàng quang không thể làm rỗng hoàn toàn. Nước tiểu không thể thoát ra ngoài bị ứ đọng tạo điều kiện cho sỏi hình thành. 

3.2 Sa bàng quang 

Nguyên nhân sa bàng quang này phổ biến ở nữ giới. Nguyên nhân do thành bàng quang suy yếu và sa xuống âm hộ khiến dòng nước tiểu bị chặn lại.

3.3 Viêm bàng quang

Một số trường hợp viêm nhiễm đường tiết niệu hoặc xạ trị vùng chậu cũng dẫn tới sỏi bàng quang.

 3.4 Nguyên nhân sỏi bàng quang do sỏi thận 

Sỏi hình thành trong thận do nhiều nguyên nhân khác nhau cũng giống như sỏi bàng quang. Một số viên sỏi thận nhỏ có thể trôi xuống bàng quang, đi qua niệu quản và trở thành sỏi bàng quang

3.5 Dây thần kinh đến bàng quang bị tổn thương

Trong cơ thể có một dây thần kinh giữ nhiệm vụ truyền tín hiệu từ não xuống bàng quang. Khi dây thần kinh này bị tổn thương sẽ khiến bàng quang không còn hoạt động tốt. Tình trạng này gây ra ứ đọng nước tiểu và hình thành sỏi. 

3.6 Thiết bị y tế

Một số các dụng cụ y tế như: Thiết bị tránh thai, ống thông tiểu,…nếu để trong cơ thể lâu ngày có thể gây tích tụ sỏi. Các tinh thể khoáng chất có xu hướng bám lên trên bề mặt thiết bị và tăng dần kích cỡ theo thời gian.

Phì đại tuyến tiền liệt là nguyên nhân sỏi bàng quang

Phì đại tuyến tiền liệt là nguyên nhân sỏi bàng quang

4. Sỏi bàng quang có gây ra nguy hiểm không?

Sỏi bàng quang cần được phát hiện và điều trị sớm để không gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Một số biến chứng có thể xảy ra khi bị sỏi bàng quang như:

4.1 Viêm bàng quang

Các viên sỏi có kích thước lớn hơn 2cm sẽ gây kích thích bàng quang gây tiểu đau rát, tiểu nhiều lần, tiểu máu,…Các dấu hiệu này nếu không xử lý sớm sẽ gây viêm bàng quang mạn tính dẫn tới rò bàng quang, teo bàng quang,…

4.2 Viêm thận

Sỏi bàng quang có thể gây nhiễm khuẩn ngược dòng từ bàng quang khiến chức năng thận suy giảm. Biến chứng này có thể nguy hiểm tới sức khỏe và điều trị khó khăn.

 4.3 Đau hạ vị

Người bệnh sẽ thấy đau buốt ở vùng hạ vị do bàng quang bị kích thích. Các cơn đau có thể lan tới đầu bộ phận sinh dục, tầng sinh môn gây ra nhiều đau đớn, khó chịu cho người bệnh. 

4.4 Rò bàng quang

Sỏi bàng quang có thể gây rò âm đạo, rò tầng sinh môn, rò bàng quang. Nước tiểu rỉ ra từ đường rò sẽ gây nhiễm khuẩn cho vùng hậu môn, âm đạo. Người bệnh sẽ gặp nhiều bất tiện trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. 

5. Chẩn đoán sỏi bàng quang

Trước khi chẩn đoán bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng vùng bụng dưới của người bệnh để kiểm tra các dấu hiệu ban đầu. Đối với nam giới hơn 50 tuổi cần khám tuyến tiền liệt qua trực tràng. Sau đó bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện thêm một số xét nghiệm. 

– Siêu âm bụng: Giúp xác định có sỏi trong bàng quang hay không. Siêu âm cũng giúp xác định kích thước, cấu tạo sỏi và các bất thường ở thận, bàng quang,..

– Phân tích nước tiểu: Xét nghiệm này giúp đánh giá nhiễm khuẩn bàng quang, xác định vị khuẩn và các khoáng chất kết tinh trong nước tiểu. 

– Chụp X-quang thận – Niệu quản – Bàng quang: Phương pháp này giúp xác định sỏi. Tuy nhiên có một số loại sỏi không cản quang thì không thể nhìn được qua chụp X-quang thông thường.

– Soi bàng quang: Giúp xác định tình trạng sỏi về vị trí, kích thước trong bàng quang. Phương pháp này còn giúp xác định phì đại tuyến tiền liệt, hẹp niệu đạo và các tổn thương trong bàng quang

– Đo áp lực bàng quang: Giúp đánh giá trương lực cơ bàng quang, chức năng của bàng quang

Chụp X- quang giúp quan sát tình trạng sỏi

Chụp X- quang giúp quan sát tình trạng sỏi

6. Điều trị sỏi bàng quang

Nguyên tắc trong điều trị sỏi bàng quang cần:

– Loại bỏ hết sỏi

– Điều trị nguyên nhân sỏi bàng quang để tránh sỏi tái phát

Các biện pháp thường dùng để điều trị sỏi bàng quang là:

6.1 Điều trị nội khoa

– Thuốc chống viêm, giảm đau: Giúp giảm cảm giác khó chịu, xoa dịu cơn đau do sỏi gây ra

Thuốc giãn cơ trơn tiết niệu: Thuốc có tác dụng giãn rộng cổ bàng quang để sỏi có thể di chuyển qua dễ dàng

– Thuốc kiềm hóa nước tiểu: Điều chỉnh độ pH nước tiểu, hiệu quả trong việc làm tan sỏi acid uric

– Thuốc lợi tiểu: Tác dụng tăng lưu lượng nước tiểu để đẩy các chất cặn ra khỏi cơ thể

– Thuốc kháng sinh: Giúp điều trị các viêm nhiễm đường tiết niệu

6.2 Phẫu thuật

Các trường hợp điều trị nội khoa không hiệu quả hoặc sỏi khó điều trị thì cần phải phẫu thuật.

– Tán sỏi: Người bệnh được gây mê toàn thân hoặc gây tê tủy trước khi thực hiện tán sỏi. Bước tiếp theo, bác sĩ sẽ nội soi niệu đạo bàng quang để nhìn rõ vị trí sỏi. Sau đó máy móc được đưa vào để phá vỡ sỏi bằng tia laser. Các mảnh sỏi vỡ lấy ra khỏi cơ thể. Phương pháp nội soi này khá an toàn và ít để lại biến chứng

– Mổ mở: Đối với các sỏi lớn hơn 4 cm hoặc sỏi cứng không thể phá vỡ bằng laser được thì cần can thiệp mổ mở lấy sỏi.

7. Các biện pháp giúp phòng ngừa sỏi bàng quang

Để hạn chế nguy cơ bị sỏi bạn cần lưu ý:

– Uống nhiều nước: Nước giúp cơ thể đào thải các chất cặn bã ra khỏi thận, bàng quang để tránh sự tích tụ thành sỏi. 

– Bổ sung thực phẩm ít chất béo: Các loại thực phẩm như trái cây, rau củ tươi, ngũ cốc nguyên hạt, sữa ít béo,…Hạn chế ăn các đồ ăn chế biến sẵn, đồ ăn hộp, món chiên rán,…

– Hạn chế ăn chất đạm: Đạm làm tăng tích tụ acid uric trong máu, hình thành tinh thể muối urat tích tích tụ trong bàng quang. Mỗi ngày bạn chỉ nên bổ sung tối đa 200gr thịt. Bạn nên ưu tiên bổ sung thịt nạc, ức gà, hạn chế ăn đồ hải sản.

– Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ: Ngũ cốc nguyên hạt, đậu, các loại rau,…Nữ giới nên bổ sung khoảng 25gr chất xơ, nam giới nên bổ sung khoảng 38gr chất xơ mỗi ngày

– Tránh sử dụng các chất kích thích: Thuốc lá, bia rượu, cafe, trà,…vì dễ gây tích tụ sỏi trong cơ thể

Người bệnh nên hạn chế ăn thịt đỏ để giảm nguy cơ gây sỏi

Người bệnh nên hạn chế ăn thịt đỏ để giảm nguy cơ gây sỏi

Mong rằng bài viết đã cung cấp đủ kiến thức về nguyên nhân sỏi bàng quang cùng các thông tin cần thiết khác. Sau khi điều trị sỏi mọi người vẫn cần có ý thức giữ gìn sức khỏe để sỏi không có cơ hội quay lại.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital