Ung thư đại trực tràng là căn bệnh ung thư đường tiêu hóa dưới phổ biến, có tỷ lệ mắc mới cao thứ ba và tỷ lệ tử vong cao thứ tư trong các bệnh ung thư hay gặp trên thế giới. Tầm soát ung thư đại trực tràng sớm sẽ giúp cho người bệnh phát hiện được những dấu hiệu bất thường tiền ung thư để kịp thời điều trị. Vậy các bước tầm soát ung thư đại trực tràng cơ bản như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu các bước khám này trong bài viết nhé!
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu về căn bệnh ung thư đại trực tràng
1.1. Ung thư đại trực tràng là gì?
Hiện nay ung thư đại trực tràng là căn bệnh có tỷ lệ mắc mới cao trong các loại bệnh ung thư. Ung thư đại trực tràng chủ yếu phát triển ở ruột già (đại tràng) hoặc trực tràng. Hầu hết, người bệnh mắc ung thư đại trực tràng đều khởi phát từ sự tăng sinh của niêm mạc đại trực tràng gọi là polyp.
1.2. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng
Các yếu tố làm tăng nguy cơ có thể thay đổi được
– Tình trạng béo phì.
– Lười hoạt động.
– Chế độ ăn uống có chứa nhiều thịt đỏ (thịt bò, lợn) và thịt chế biến sẵn, thịt nấu ở nhiệt độ rất cao như rán, nướng.
– Hút thuốc lá.
– Uống nhiều rượu bia.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ không thể thay đổi được
– Tuổi cao: tuổi càng cao càng có nguy cơ bị ung thư đại trực tràng, đặc biệt nguy cơ tăng cao rõ rệt sau 50 tuổi.
– Tiền sử bị polyp hoặc tiền sử bị viêm đại trực tràng, bao gồm cả bệnh Crohn.
– Tiền sử gia đình bị ung thư hoặc polyp dạng tuyến đại trực tràng: theo thống kê cứ 1 trong 5 bệnh nhân ung thư đại trực tràng có thành viên trong gia đình cũng bị ung thư đại trực tràng, thường gặp nhất ở bố mẹ, anh chị em ruột.
– Bệnh nhân đái tháo đường type 2 có nguy cơ cao và tiên lượng kém hơn khi được chẩn đoán mắc ung thư đại trực tràng.
2. Ý nghĩa của tầm soát ung thư đại trực tràng mang lại cho người bệnh
Tầm soát ung thư đại trực tràng là quá trình tìm kiếm phát hiện ung thư hoặc các dấu hiệu tiền ung thư trước khi có triệu chứng lâm sàng. Vì vậy, tầm soát thường xuyên ung thư đại trực tràng sẽ giúp chẩn đoán sớm và điều trị bệnh kịp thời.
Tỷ lệ tử vong do ung thư đại trực tràng đã giảm trong vài những năm gần đây là nhờ việc phát hiện sớm các dấu hiệu tiền ung thư như polyp và điều trị kịp thời trước khi chúng phát triển thành ung thư. Bởi vì, polyp phải mất 10 đến 15 năm để phát triển thành ung thư. Sàng lọc thường xuyên còn giúp phát hiện sớm khi khối u còn nhỏ, chưa xâm lấn và việc điều trị sẽ dễ dàng hơn, tỷ lệ sống thêm tương đối sau 5 năm đạt tới 90%
3. Các bước tầm soát ung thư đại trực tràng cơ bản nhất
Đây là các bước khám cơ bản để tầm soát ung thư đại trực tràng. Tuy nhiên, tùy vào tình trạng của mỗi người mà bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện thêm một số phương pháp chuyên sâu hơn để chẩn đoán.
3.1. Khám lâm sàng là phương pháp đầu tiên trong các bước tầm soát ung thư đại trực tràng
Sau khi hoàn tất thủ tục đăng ký khám, người bệnh sẽ được hướng dẫn đến phòng khám nội để tư vấn và trao đổi qua với bác sĩ. Trong bước khám này, người bệnh cần cung cấp những triệu chứng và vấn đề gặp phải trong 2 đến 3 tuần gần đây. Sau đó, bác sĩ hỏi thêm một vài thông tin khác và cần bệnh nhân trả lời, cụ thể:
– Tiền sử gia đình đã từng có người mắc ung thư đại tràng hay chưa?
– Người bệnh có đang mắc bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa dưới hay không?
– Ngoài ra là các câu hỏi liên quan đến chế độ ăn uống, sinh hoạt và các bệnh lý đang điều trị.
Đây là những thông tin cần thiết để bác sĩ nắm rõ được tình trạng sức khỏe hiện tại của người bệnh. Từ đó làm căn cứ để chỉ định thực hiện các bước sàng lọc tiếp theo.
3.2. Xét nghiệm
Sau thăm khám ban đầu, người bệnh sẽ được sắp xếp thực hiện một số xét nghiệm trong đó có xét nghiệm dấu ấn ung thư. Xét nghiệm dấu ấn ung thư là một trong những phương pháp tầm soát ung thư đại trực tràng quan trọng. Xét nghiệm này sẽ giúp xác định nồng độ chất chỉ điểm ung thư CEA với độ nhạy trong sàng lọc ung thư đại trực tràng là 50%, còn độ đặc hiệu là 90%.
– Nồng độ chất chỉ điểm CEA duy trì trong khoảng 0 đến 5ng/ml ở người khỏe mạnh.
– Nếu nồng độ chất chỉ điểm CEA vượt mức 5ng/ml thì đây là dấu hiệu cảnh báo ung thư đại trực tràng.
3.3. Chẩn đoán hình ảnh – Thăm dò chức năng là phương pháp không thể thiếu trong các bước tầm soát ung thư đại trực tràng
Từ các xét nghiệm trên, bác sĩ sẽ chỉ định một số phương pháp như siêu âm, nội soi đại tràng, chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ,… Tùy vào tình trạng bệnh của mỗi người mà bác sĩ sẽ sử dụng các phương pháp khác nhau. Dưới đây là các phương pháp chẩn đoán hình ảnh – thăm dò chức năng thường được sử dụng:
– Nội soi đại trực tràng là phương pháp dùng để quan sát bên trong lòng đại trực tràng giúp phát hiện, xác định chính xác các polyp, khối u lành tính hoặc ác tính và các vùng mô bất thường tiền ung thư. Trong quá trình nội soi đại trực tràng, nếu có phát hiện nghi ngờ, bác sĩ cũng có thể lấy trực tiếp mẫu mô bất thường để làm sinh thiết tế bào.
– Chụp cắt lớp vi tính CT hoặc chụp cộng hưởng từ MRI giúp quan sát toàn bộ hệ thống tiêu hóa, phát hiện được hình dạng, kích thước và mức độ xâm lấn, di căn của khối u đến các cơ quan khác trong cơ thể. Tuy nhiên phương pháp này không thể sinh thiết khối u hoặc cắt polyp ngay khi thực hiện.
Có thể thấy, các bước khám trên có ý nghĩa quan trọng trong việc tầm soát ung thư đại tràng. Hiện nay, Hệ thống y tế Thu Cúc TCI đã và đang triển khai đa dạng các gói tầm soát ung thư tổng quát bao gồm cả ung thư đại trực tràng nhằm đáp ứng nhu cầu kiểm tra sức khỏe của người dân. Tất cả các bước khám đều được xây dựng với quy trình khép kín, chuyên nghiệp được thực hiện bởi các bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề.
Trên đây là những thông tin về những bước tầm soát ung thư đại trực tràng hiệu quả, mong rằng phần nào cung cấp thêm cho bạn đọc những hiểu biết cần thiết.