Các bài tập yoga chữa thoái hóa đốt sống cổ

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CK II, Thầy thuốc ưu tú

Nguyễn Thị Kim Loan

Bác sĩ Nội Khoa

Bệnh thoái hóa đốt sống cổ ngày càng phổ biến và gây ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người bệnh. Trong đó dân văn phòng, người thường xuyên phải bê vác nặng là đối tượng chịu nhiều tác động. Ngày càng nhiều người tìm đến yoga để mong cải thiện tình trạng này. Vậy yoga chữa thoái hóa đốt sống cổ được không và các bài tập thường được áp dụng ra sao?

1. Tập yoga chữa thoái hóa đốt sống cổ được không?

Thoái hóa đốt sống cổ là căn bệnh mạn tính, xảy ra khi sụn, đĩa đệm, dây chằng và xương ở cột sống cổ suy yếu một các tự nhiên. Bệnh tiến triển từ từ tăng dần gây đau, cứng, hạn chế vận động, biến dạng cột sống mà không có biểu hiện viêm.

Tình trạng thoái hóa đốt sống cổ thường gặp ở những người từ 30 tuổi trở lên. Ở tuổi 60 tỷ lệ mắc bệnh khoảng 90%. Hiện nay, căn bệnh này ngày càng trẻ hóa, xảy ra ở những người trẻ tuổi thường làm việc trong văn phòng, ít vận động, phải cúi nhiều hoặc thực hiện nhiều động tác ảnh hưởng đến vùng đầu cổ. Bệnh gây ra nhiều khó khăn trong sinh hoạt và lao động cho người bệnh.

Yoga không thể chữa khỏi thoái hóa đốt sống cổ nhưng được xem là một trong những cách hỗ trợ điều trị bệnh tại nhà. Một số bài tập yoga nhẹ nhàng có tác dụng giúp cột sống cổ khỏe mạnh hơn. Bạn có thể lựa chọn tập những động tác giúp kéo giãn, định hình lại đốt sống cổ, lưng và vai. Nếu tập đúng động tác, các triệu chứng của thoái hóa đốt sống cổ như đau cổ, đau bả vai, cổ cứng hay đau nhức phía sau đầu sẽ được cải thiện đáng kể.

Ngoài ra các bài tập này cũng giúp lưu thông khí huyết, cải thiện vóc dáng.

Thoái hóa đốt sống cổ chữa bằng yoga được không?

Yoga là một trong những phương pháp hỗ trợ điều trị thoái hóa đốt sống cổ.

2. Các bài tập yoga thường dùng hỗ trợ điều trị thoái hóa đốt sống cổ

Người bị thoái hóa đốt sống cổ có thể tập yoga vào buổi sáng sau khi thức dậy hoặc buổi chiều tối sau khi ăn 2-3 tiếng, với các bài tập dưới đây.

2.1 Tập yoga chữa thoái hóa đốt sống cổ với tư thế rắn hổ mang

Tư thế rắn hổ mang tác động chủ yếu lên vai và thân người trên vì thế khá phù hợp với người bị thoái hóa đốt sống cổ. Để tập tư thế rắn hổ mang, bạn thực hiện những bước sau:

– Úp người xuống, nhô cao mông, chống tay để tạo thành chữ V ngược.

– Duỗi thẳng hai cánh tay và lưng để tay, đầu, lưng nằm trên một đường thẳng, đồng thời đầu gối thẳng, hai bàn chân dính chặt lên sàn.

– Từ từ hạ bàn tay, khuỷu tay để đưa thân người về tư thế plank sau đó hạ toàn bộ cơ thể xuống. Lúc này lòng bàn tay úp bên cạnh ngực.

– Dồn lực vào hai cánh tay, từ từ nâng ngực, vai và cằm lên. Sau đó hít vào, tay chống thẳng, mở rộng vai tạo thành tư thế giống con rắn hổ mang.

– Khi đã ổn định tư thế, nâng cằm nhìn thẳng về phía trước và thở đều trong 5 giây.

– Cuối cùng thở ra, đưa người về lại tư thế chữ V ngược.

Nếu chỉ mới tập, bạn cũng không cần nhất thiết phải thẳng tay khi nâng người, chỉ cần đẩy người để rốn không chạm sàn.

Không nên thực hiện bài tập này nếu đang mang thai, bị hội chứng ống cổ tay, phẫu thuật bụng hoặc chấn thương lưng.

cải thiện tình trạng thoái hóa bằng yoga - tư thế rắn hổ mang

Tư thế rắn hổ mang giúp cải thiện tình trạng đau nhức do thoái hóa cổ.

2.2 Tư thế ngồi xoay nửa người

Đây là một tư thế đơn giản giúp cải thiện tình trạng đau mỏi do thoái hóa cổ, đặc biệt dân văn phòng không nên bỏ qua. Các bước thực hiện bài tập này ngồi xoay nửa người như sau:

– Người tập ngồi duỗi thẳng chân trên thảm, gập gối trái, bàn chân trái đặt ra má ngoài đùi phải.

– Xoay thân trên sang bên trái, cùng lúc đó hít vào. Mở vai, đặt bàn tay trái ra phía sau để cách hông chừng 15 cm. Đồng thời tay phải đưa lên cao, hạ khuỷu tay để khuỷu tay phải ép đầu gối trái sang bên phải, tay phải giơ lên cao.

– Giữ như vậy trong 3 giây, hít thở đều. Sau đó, đưa tay lên cao lại, đưa người trở lại tư thế ban đầu kết hợp thở ra và đổi bên.

Lưu ý, khi ngồi xoay nửa người, lưng vẫn phải thẳng. Nếu việc gập gối khiến bạn cảm thấy đau thì có thể duỗi thẳng chân ngay trước mặt.

Bài tập này không tập cho người bị chấn thương cột sống, chấn thương lưng đau lưng hoặc đang mang thai.

2.3 Tư thế cánh cung

Thực hiện tư thế cánh cung không chỉ giúp thư giãn vùng cổ mà còn giúp bạn giảm tình trạng táo bón, căng thẳng, mệt mỏi,…

Hướng dẫn thực hiện tư thế cánh cung như sau:

– Nằm sấp trên thảm, để hai tay xuôi dọc theo thân người. Hạ cằm và thả lỏng hướng về phía sàn.

– Từ từ gập hai đầu gối để bắp chân và đùi tạo góc 45 độ.

– Hai tay duỗi thẳng đưa ra sau ôm lấy mu bàn chân, hít vào và kéo chân nâng phần gối lên cao vào kéo ngực nâng lên khỏi mặt đất, phần lưng uốn cong.

– Giữ đầu và mắt hướng về phía trước để toàn cơ thể của bạn uốn cong tạo thành một tư thế cánh cung.

– Giữ ổn định, cân bằng trong khoảng 10 -15 giây và hít thở sâu.

– Thở ra, thả tay nhẹ nhàng, đưa chân và ngực xuống đất và thư giãn toàn cơ thể.

Tư thế cây cầu là động tác yoga giúp hỗ trợ cải thiện các triệu chứng thoái hóa vùng cổ.

Tư thế cây cầu giúp hỗ trợ cải thiện các triệu chứng thoái hóa vùng cổ.

2.4 Tư thế cây cầu – Bài tập yoga chữa thoái hóa đốt sống cổ

Tư thế cây cầu là một bài tập khá tốt cho người bị thoái hóa đốt sống cổ. Ngoài ra còn giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa, giảm đau lưng, đau đầu, tăng sức mạnh của lưng, mông và đùi sau.

Tư thế cây cầu chuẩn được thực hiện như sau:

– Nằm ngửa xuống sàn hoặc thảm, hai tay đặt xuôi theo hông. Đùi và đầu gối gập sao cho hai chân rộng bằng vai.

– Duỗi thẳng tay, hai bàn tay nắm lấy cổ chân hoặc đan tay vào nhau.

– Hít sâu, từ từ nâng phần lưng lên khỏi mặt đất, cảm nhận độ căng của lưng hoặc cổ.

– Nâng người cho đến khi đùi và bắp chân vuông góc với nhau, đầu gối thẳng với hông, hai bàn chân nhấn xuống sàn.

– Nâng hông và ngực lên trong khi phần cổ chạm sàn, mắt hướng lên trần nhà.

– Giữ tư thế trong 30 giây hoặc lâu hơn, người tập thở đều và chậm rãi.

– Từ từ đưa cơ thể nằm xuống, duy trì hơi thở chậm và sâu rồi thư giãn.

– Khi cuộn vai xuống dưới, hãy mở ngực để vai của bạn chạm sàn. Giữ đầu và cổ thẳng, không xoay cổ sang trái hay sang phải.

Nếu bị chấn thương cổ, vai, đầu gối hay lưng thì không nên tập động tác này để tránh tình trạng nặng hơn.

Như vậy, các bài tập yoga chữa thoái hóa đốt sống cổ được không còn tùy vào tình trạng bệnh. Đa phần các trường hợp, tập yoga sẽ có tác dụng hỗ trợ tốt cho việc điều trị thoái hóa cổ. Tuy nhiên cần tập đúng cách và tham khảo ý kiến của bác sĩ và chuyên gia để được hướng dẫn đúng.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital