Bổ sung thực phẩm nào để tăng cường đề kháng trong mùa dịch?

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú

Tạ Quang Mậu

Bác sĩ Nội Khoa
Để bảo vệ sức khỏe, tăng cường đề kháng trong mùa dịch, việc duy trì lối sống lành mạnh, bao gồm những bữa ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu, kiểm soát cân nặng và lượng đường trong máu là rất quan trọng. Thực tế cho thấy người mắc bệnh tiểu đường type 2 và các bệnh lý chuyển hóa khác có nguy cơ dễ mắc bệnh COVID-19, cũng như có nhiều biến chứng hơn.

Vì vậy, bổ sung những thực phẩm chứa các  loại vitamin, khoáng chất được đánh giá có khả năng tăng cường miễn dịch sẽ có lợi cho cơ thể lúc này.

1. Vitamin C

Vitamin C cung cấp một rào cản đối với vi trùng và những tác nhân gây hại khác. Một số nghiên cứu còn cho thấy Vitamin C có thể cải thiện chức năng của một số tế bào bạch cầu chống nhiễm trùng. Mỗi người có thể dùng một lượng vừa đủ vitamin C, riêng những người thường xuyên hút thuốc và những người có nguy cơ cao được khuyên nên bổ sung thêm. Tuy vậy, không được sử dụng liều quá cao, bởi lúc đó Vitamin C có thể gây tiêu chảy hoặc làm tăng nguy cơ sỏi thận (đặc biệt là ở nam giới). Do vậy không nên dùng quá 2.000mg/ngày.

2. Vitamin D

tăng cường đề kháng trong mùa dịch

Ở nhà, hạn chế đi lại lâu ngày có thể gây giảm hấp thụ Vitamin D. Một nghiên cứu với 25 thử nghiệm ngẫu nhiên cho thấy: bổ sung Vitamin D có tác dụng phòng chống nhiễm trùng đường hô hấp ở hầu hết mọi người, nhất là ở những người bị thiếu Vitamin D. Một người có lượng vitamin D thấp cần được bổ sung 2.000 IU mỗi ngày (hoặc hơn, dưới sự chỉ định của bác sĩ). Nhiều người hiện đang thiếu vitamin D. Cơ thể có thể tự tạo Vitamin D bằng cách phơi nắng 15 phút mỗi ngày, tốt nhất vào buổi sáng, cùng với đó là bổ sung qua các bữa ăn.

3. Kẽm

Kẽm là một khoáng chất liên quan đến phản ứng của bạch cầu với nhiễm trùng. Vì thế, những người thiếu kẽm dễ bị cảm lạnh, cúm và các loại virus khác. Một phân tích tổng hợp cho thấy bổ sung kẽm giúp giảm thời gian bị cảm lạnh thông thường. Tuy nhiên, chỉ nên bổ sung ít hơn 40mg kẽm/ngày, tốt nhất là qua thực phẩm giàu kẽm như hải sản (hàu, tôm, cua), hoặc các loại hạt, nấm, súp lơ, ngũ cốc…

4. Tỏi

tăng cường đề kháng

Một nghiên cứu đã phát hiện rằng, những người dùng thực phẩm bổ sung tỏi ít bị cảm lạnh và hồi phục nhanh hơn so với những người bị cảm lạnh mà không dùng tỏi. Mỗi người có thể sử dụng tỏi một cách đa dạng trong các bữa ăn để giúp tăng cường khả năng miễn dịch.

5. Rau xanh, hoa quả tươi

Chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng thiết yếu và thực phẩm tự nhiên đặc biệt là rau xanh, trái cây sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, giúp tăng đề kháng.

6. Súp gà, nước hầm xương

Một nghiên cứu cho thấy, súp gà có thể cải thiện khả năng phục hồi sau khi bị nhiễm trùng.

Có thể thấy, việc sử dụng một số chất dinh dưỡng nêu trên sẽ hỗ trợ tăng đề kháng, củng cố hệ miễn dịch. Bên cạnh đó, mọi người nên thực hiện những điều cần thiết sau để giúp tăng cường sức khỏe:

– Ăn một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, đúng cách theo tư vấn của bác sĩ chuyên khoa giúp giảm lượng đường trong máu nếu có chỉ số đường huyết cao.

– Kiểm soát căng thẳng, tạo điều kiện thuận lợi để có giấc ngủ ngon.

– Ngừng, hạn chế tối đa việc hút thuốc.

– Tập thể dục vừa sức và đều đặn thường xuyên.

– Dành một khoảng thời gian nhất định và có lợi trong ngày để “tắm nắng”, tốt nhất là nắng buổi sớm.

– Hỏi ý kiến bác sĩ online nếu có vấn đề sức khỏe.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital