Các biến chứng của sốt xuất huyết gồm hạ tiểu cầu, cô đặc máu, sốc mất máu, suy tim, suy thận, xuất huyết não, tràn dịch màng phổi… Khi gặp các biến chứng này, nguy cơ tử vong của người bệnh là rất cao.
Menu xem nhanh:
1. Bệnh sốt xuất huyết gây biến chứng khi nào?
Là căn bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây ra, sốt xuất huyết không chỉ khiến người bệnh sốt, mệt mỏi trong nhiều ngày mà còn có thể gây ra những những biến chứng nguy hiểm.
Các biến chứng chủ yếu xảy ra ở giai đoạn bệnh nặng, khi bệnh nhân có các triệu chứng sốt cao trên 7 ngày không hạ, xuất huyết ngoài da, chảy máu mũi hoặc ở chân răng, nôn ra máu hoặc phân lẫn máu, người mệt mỏi li bì, choáng. Nếu không được cấp cứu thì nguy cơ tử vong rất cao.
Vì vậy, người bệnh và người nhà không nên chủ quan, lơ là mà phải điều trị tích cực và dứt điểm căn bệnh này ngay từ giai đoạn nhẹ để tránh những biến chứng nguy hiểm.
2. Các biến chứng của sốt xuất huyết
Biến chứng của sốt xuất huyết rất đa dạng. Trong đó, những biến chứng thường gặp nhất là hạ tiểu cầu và cô đặc máu. Các biến chứng khác bao gồm: sốc mất máu, tràn dịch màng phổi, suy đa tạng, xuất huyết não.
2.1 Hạ tiểu cầu – Biến chứng của sốt xuất huyết thường gặp nhất
Hạ tiểu cầu là biến chứng hay gặp nhất ở bệnh nhân sốt xuất huyết. Tình trạng hạ tiểu cầu gây khó khăn trong việc cầm máu, có thể dẫn đến chảy máu tự nhiên dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết ở các tạng trong cơ thể như dạ dày, não…
Biến chứng không khiến cơ thể mệt mỏi, li bì nên làm cho nhiều người chủ quan không theo dõi, dẫn tới tiềm ẩn nguy cơ xuất huyết ồ ạt.
2.2 Cô đặc máu
Biến chứng cô đặc máu có thể khiến người bệnh mệt mỏi li bì, đau tức vùng gan, nôn hoặc buồn nôn, lơ mơ… Các triệu chứng có thể kéo dài 24 – 48 giờ.
2.3 Sốc mất máu
Tình trạng này xảy ra do tăng tính thấm mao quản, thoát huyết tương và cô đặc máu. Biểu hiện là máu sẽ bị đẩy ra ngoài khiến người bệnh bị chảy máu cam, chảy máu chân răng, chảy máu qua vết thương hở. Việc mất máu nhiều và sốt cao liên tục có thể khiến cơ thể kiệt quệ, người bệnh vã mồ hôi, nôn nhiều.
2.4 Tràn dịch màng phổi, tim
Tràn dịch màng phổi là biến chứng xảy ra do không cân bằng được giữa việc truyền dịch và thải dịch ra ngoài. Bên cạnh tràn dịch ở phổi, bệnh nhân còn có nguy cơ tràn dịch màng bụng, màng tim. Ngoài ra huyết tương bị tràn trong cơ thể có thể gây viêm đường hô hấp, viêm phổi, phù phổi cấp, rất nguy hiểm.
2.5 Suy đa tạng
Sốt xuất huyết có thể khiến máu chảy liên tục. Lượng máu cung cấp cho các cơ quan thiếu hụt khiến tim phải làm việc nhiều hơn để bù đắp lượng máu này, dẫn đến tình trạng suy tim. Bên cạnh đó gan thận có thể suy yếu do không được cung cấp đủ máu nhưng lại phải tăng cường chức năng đào thải, bài tiết. Không ít trường hợp bệnh nhân sốt xuất huyết bị suy thận cấp.
Đối với những bệnh nhân đã có bệnh nền như suy thận, suy gan do rượu… thì việc mắc sốt xuất huyết càng làm gia tăng mức độ nguy hiểm và dễ dẫn đến tử vong.
2.6 Xuất huyết não – Biến chứng của sốt xuất huyết vô cùng nguy hiểm
Người bệnh sốt xuất huyết thường bị rối loạn nguyên tố đông máu dẫn đến chảy máu dưới da, chảy máu niêm mạc, xuất huyết đường tiêu hóa và các tạng trong cơ thể… trong đó có não. Tỷ lệ xuất huyết não chỉ chiếm 1% các trường hợp sốt xuất huyết, tuy nhiên máu thường chảy lan nhiều chỗ trong não rất nguy hiểm. Tình trạng này thường xảy ra ở những bệnh nhân giảm tiểu cầu nhưng không được truyền kịp thời. Đây là một trong những nguyên nhân tử vong chủ yếu ở những người lớn mắc sốt xuất huyết.
2.7 Biến chứng về mắt
Hai biến chứng về mắt phổ biến nhất là xuất huyết võng mạc và xuất huyết trong dịch kính. Các biến chứng này xảy ra do các mạch máu ở mắt bị vỡ ra. Tình trạng này có thể gây suy giảm thị lực, thậm chí gây mù lòa.
2.8 Sinh non, sảy thai
Suy thai hoặc sinh non, thai chết lưu… là những biến chứng có thể xảy ra với thai nhi nếu thai phụ bị sốt xuất huyết. Căn bệnh này cũng khiến người mẹ mệt mỏi tột độ, suy kiệt. Khi chuyển dạ, người mẹ có thể gặp các tình trạng như chảy máu kéo dài, khó cầm máu, tiền sản giật, tổn thương đến chức năng gan, thận,…. Nếu lượng huyết tương bị thoát lớn, ồ ạt, có thể gây hiện tượng bụng to, cổ trướng.
2.9 Hôn mê
Tình trạng xuất huyết có thể khiến dịch huyết tương ứ đọng ở màng não, gây phù não, khiến người bệnh hôn mê.
2.10 Tụt huyết áp
Bệnh nhân sốt xuất huyết ở thể nặng có thể bị giảm huyết áp đột ngột, dẫn đến khó khăn khi đứng và đi bộ, nhức đầu nghiêm trọng. Biến chứng này dễ gây xuất huyết não và tử vong cho người bệnh.
3. Làm thế nào để hạn chế biến chứng khi mắc sốt xuất huyết?
Đa phần các biến chứng sốt xuất huyết đều xảy ra do bệnh nhân phát hiện muộn và chậm trễ điều trị. Bởi vậy, phát hiện bệnh sớm và điều trị nghiêm túc ngay từ khi bệnh còn nhẹ là “then chốt” của việc ngăn biến chứng sốt xuất huyết.
Nên đến cơ sở y tế khám ngay nếu có các triệu chứng nghi ngờ sốt xuất huyết như sốt cao, người mệt mỏi… Đặc biệt là khi trong gia đình hoặc nơi ở đã có người bị sốt xuất huyết.
Khi đến cơ sở y tế, bạn sẽ được thực hiện các xét nghiệm, chụp chiếu để xác định tình trạng bệnh. Sau đó, bác sĩ sẽ quyết định cho bệnh nhân điều trị tại viện hay ở nhà.
Trong trường hợp điều trị tại gia đình, cần chăm sóc người bệnh chu đáo theo hướng dẫn của bác sĩ, cụ thể:
– Dùng Paracetamol để hạ sốt nếu bệnh nhân sốt cao, không được dùng Aspirin
– Bù dịch sớm bằng đường uống, uống nhiều nước Oresol, nước trái cây, nước cháo loãng với muối.
– Nếu bệnh nhân không uống được do nôn nhiều, mất nước nhiều thì cần truyền dịch theo chỉ định.
– Theo dõi sát sự thay đổi nhiệt độ cơ thể và các triệu chứng. Nếu có dấu hiệu bất thường, cần đưa người bệnh đến bệnh viện ngay.
Trên đây là thông tin về những biến chứng của sốt xuất huyết và phương pháp giúp phòng tránh biến chứng cho người bệnh. Nếu cần tư vấn hoặc muốn đặt lịch khám, vui lòng liên hệ 1900 55 88 92 để được hỗ trợ.