Bị HP dạ dày khi nào cần điều trị?

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

“Bị HP dạ dày dày khi nào cần điều trị?” là thắc mắc của nhiều người khi đứng trước các luồng thông tin khác nhau về cách kiểm soát loại vi khuẩn được xác định là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới ung thư dạ dày. Ở bài viết này, hãy cùng Thu Cúc TCI làm rõ vấn đề nêu trên.

1. Hiểu về vi khuẩn HP dạ dày

Vi khuẩn HP dạ dày (Helicobacter Pylori) là một loại xoắn khuẩn, gram âm sinh sống và phát triển tại niêm mạc dạ dày. Loại vi khuẩn này có khả năng tiết ra các men và độc tố, gây viêm loét dạ dày – tá tràng cấp và mãn tính, cũng như làm tăng nguy cơ dẫn tới ung thư. 

Vi khuẩn HP là tác nhân chủ yếu gây viêm loét dạ dày - tá tràng.

Vi khuẩn HP là tác nhân chủ yếu gây viêm loét dạ dày – tá tràng và ung thư dạ dày

Mặc dù là nguyên nhân của nhiều bệnh lý tiêu hóa nghiêm trọng, song sự tồn tại của vi khuẩn HP không phải lúc nào cũng có hại. Nếu không gây triệu chứng, nó có thể giống như một vi khuẩn cộng sinh, đôi khi có lợi cho cơ thể. Do vi khuẩn HP có khả năng tiết ra men trung hòa dịch vị axit, người bệnh thường ít gặp phải các dấu hiệu trào ngược dạ dày hơn. Nguy cơ người bệnh dị ứng với phấn hoa, bụi phấn…cũng giảm rõ rệt.

Mặt khác, vi khuẩn HP dù là một trong các nguyên nhân gây ung thư dạ dày nhưng tỷ lệ tiến triển ác tính chỉ chiếm 1%. Đồng nghĩa không phải ai nhiễm vi khuẩn HP cũng sẽ bị ung thư dạ dày. Chỉ một số loại HP mang gen CagA có độc lực cao làm tăng nguy cơ ung thư. 

Người bệnh nhiễm HP sẽ được làm các xét nghiệm để xác định loại vi khuẩn HP mắc phải và các tổn thương thực thể do vi khuẩn này gây ra (nếu có). Dựa trên các yếu tố này, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh điều trị diệt vi khuẩn HP hay tiếp tục theo dõi. 

2. Trường hợp cần điều trị vi khuẩn HP dạ dày

Để trả lời câu hỏi “Bị HP dạ dày khi nào cần điều trị?” ngoài dựa trên kết quả xét nghiệm, các bác sĩ sẽ kết hợp xem xét các triệu chứng lâm sàng. Hiện nay, theo khuyến cáo của thế giới (trừ Nhật Bản chủ trương cứ có HP là cần diệt trừ), chỉ nên thực hiện điều trị diệt vi khuẩn HP trong các trường hợp sau đây:

Viêm dạ dày kết hợp với u MALT (một dạng bệnh hiếm gặp liên quan đến nhiễm khuẩn HP, có khả năng đáp ứng với liệu pháp kháng sinh diệt trừ HP)

– Loét dạ dày – hành tá tràng

– Ung thư dạ dày muộn nhưng đã phẫu thuật

– Ung thư dạ dày sớm được cắt hớt (EMR) hoặc cắt tách niêm mạc qua nội soi (ESD)

Điều trị dự phòng ung thư cho các trường hợp nhiễm HP:

– Sinh ra trong gia đình có người thân mắc ung thư dạ dày

– Có polyp tăng sản, khối u dạ dày adenoma

– Bị viêm teo niêm mạc dạ dày

Có thể cân nhắc điều trị cho các bệnh nhân có HP: 

– Bị thiếu sắt hoặc vitamin B12 không rõ nguyên nhân

– Xuất huyết giảm tiểu cầu 

– Mắc chứng khó tiêu chức năng

– Từng sử dụng thuốc giảm đau, chống viêm NSAIDs trong thời gian dài 

– Làm việc ở môi trường có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày như: mỏ than, mỏ quặng….

– Có nguyện vọng diệt trừ vi khuẩn HP ngay cả khi đã được giải thích bởi bác sĩ

Người bệnh bị HP dạ dày có tổn thương thực thể được chỉ định điều trị tiêu diệt

Người bệnh bị HP dạ dày có tổn thương thực thể được chỉ định điều trị tiêu diệt

3. Phương pháp điều trị diệt vi khuẩn HP

3.1 Bị HP dạ dày uống thuốc gì?

Trong điều trị HP dạ dày, bên cạnh mục tiêu chính là diệt trừ vi khuẩn HP, các bác sĩ cũng có những kết hợp để tránh tình trạng các tổn thương cũ tăng nặng và ngăn ngừa hình thành tổn thương mới. Dựa trên nguyên tắc này, các loại thuốc được sử dụng trong phác đồ diệt HP thường bao gồm:

– Thuốc kháng sinh diệt vi khuẩn HP

– Thuốc ức chế bơm proton (PPI): ngăn tiết axit dạ dày.

– Thuốc bao phủ và bảo vệ niêm mạc dạ dày: có tác dụng che phủ các ổ loét, ngăn ảnh hưởng của axit dịch vị lên vết thương.

– Thuốc làm thuyên giảm triệu chứng ở dạ dày như: giảm đau, giảm co thắt…

Các thuốc này sẽ được phối kết hợp để tạo thành các phác đồ điều trị HP chuyên biệt cho từng trường hợp. Có 5 phác đồ điều trị HP được áp dụng phổ biến ở Việt Nam là: 

– Phác đồ 3 thuốc chuẩn

– Phác đồ 4 thuốc chuẩn

– Phác đồ điều trị HP nối tiếp

– Phác đồ điều trị hp dạ dày có levofloxacin

– Phác đồ cứu vãn

Người bệnh bị HP dạ dày có thể chỉ cần một phác đồ để đạt được mục tiêu diệt HP hoặc nhiều hơn phụ thuộc vào tỷ lệ vi khuẩn kháng thuốc. Sở dĩ có tình trạng này là do việc sử dụng thuốc tràn lan, không đúng bệnh, không đúng chỉ định ở người bệnh. Vi khuẩn HP có thể được loại trừ hoàn toàn nếu bạn có ý thức tuân thủ phác đồ điều trị và có chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học.

3.2 Đánh giá hiệu quả điều trị cho người bị HP dạ dày

Thông thường, một liệu trình điều trị HP sẽ kéo dài từ 8-12 tuần. Người bệnh sau đó sẽ được làm xét nghiệm để kiểm tra xem vi khuẩn HP đã bị tiêu diệt hết hay chưa. Cần lưu ý, trước khi thực hiện bài kiểm tra, người bệnh cần chắc chắn đã dừng tất cả các loại kháng sinh trong 4 tuần và thuốc ức chế axit dạ dày trong 2 tuần trước ngày chỉ định. Người bệnh cũng cần nhịn ăn từ buổi tối trước đó. 

Đánh giá này có ý nghĩa xác định hiệu quả của phác đồ điều trị HP đã được chỉ định. Trong trường hợp vẫn còn vi khuẩn HP tồn tại trong dạ dày người bệnh, bác sĩ sẽ thay đổi phác đồ điều trị khác với sự kết hợp các loại kháng sinh mới. Vi khuẩn HP không dễ điều trị song nếu đã được diệt trừ, khả năng tái nhiễm trên thực tế rất ít. Do đó, có thể coi là HP đã được điều trị khỏi. 

Tuy nhiên sau điều trị, người bệnh vẫn cần có ý thức phòng tránh vi khuẩn HP bằng cách ăn chín, uống sôi, vệ sinh cơ thể và không gian sống thường xuyên, cũng như có kế hoạch kiểm tra sức khỏe định kỳ 1 năm/ lần.

 

Rửa tay với xà phòng đúng cách giúp chặn đường lây nhiềm của vi khuẩn HP

Rửa tay với xà phòng đúng cách giúp chặn đường lây nhiềm của vi khuẩn HP

Theo số liệu thống kê, có tới 70% dân số nước ta bị HP dạ dày. Tuy nhiên, không phải tất cả trường hợp có HP đều bị bệnh và cần điều trị. Điều trị diệt HP cần được thực hiện đúng lúc, đúng chỉ định để tránh gây lãng phí và đạt hiệu quả.

 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital