Chuyển mùa, thay đổi thời tiết là những thời điểm bùng phát bệnh viêm mũi dị ứng tại nước ta. Đây cũng là bệnh lý thường gặp trong khoa tai mũi họng, là nguyên nhân dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe khác. Cùng TCI tìm hiểu về bệnh lý này trong bài viết dưới đây để hiểu và có cách phòng bệnh phù hợp, bảo vệ cơ thể đúng cách.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu, nhận biết viêm mũi dị ứng
1.1. Tổng quan
Viêm mũi dị ứng là một bệnh lý liên quan đến thể dị ứng, là tình trạng viêm nhiễm khu vực mũi do mũi bị kích thích từ các tác nhân, hiện tượng trong đời sống thường nhật như: nấm mốc, phấn hoa, lông thú, khói bụi, hóa chất,… Khi tiếp xúc với các tác nhân dị ứng, hệ thống miễn dịch của chúng ta phản ứng bằng cách sản xuất histamine, gây ra những triệu chứng điển hình dễ nhận biết.
Tùy theo từng nhóm nguyên nhân mà người ta có thể quy ước về viêm mũi dị ứng với các kiểu như: dị ứng theo mùa, dị ứng lâu năm, dị ứng không thường xuyên, dị ứng nghề nghiệp
1.2. Nhận biết nhanh các dấu hiệu bệnh viêm mũi dị ứng
Các dấu hiệu viêm mũi dị ứng có thể kéo dài nhiều ngày hoặc ngắn ngày tùy theo từng trường hợp, nhưng thường gây ra sự khó chịu, mệt mỏi nhất định với người bệnh, ảnh hưởng đến công việc, học tập và sự nghỉ ngơi của chúng ta. Các dấu hiệu báo hiệu bệnh:
– Ngứa mũi
– Hắt hơi
– Chảy dịch mũi
– Hiện tượng nghẹt mũi
– Mũi ngửi kém
Một số triệu chứng khác: đỏ, ngứa, chảy nước mắt; thở bằng miệng; ngủ ngáy; nặng đầu; mệt mỏi;… Khi khám, có thể thấy:
– Niêm mạc mũi nhợt màu;
– Cuốn mũi phù nề, thoái hóa, tổn thương;
– Dịch ứ trong vòm họng,…
Tùy theo tính chất, thời điểm bệnh, viêm mũi dị ứng được chia thành hai nhóm:
– Bệnh theo chu kỳ
Viêm mũi dị ứng theo chu kỳ thường xuất hiện ở những thời điểm giao mùa, đầu mùa nóng hoặc mùa lạnh, chủ yếu do phấn hoa, bào tử hình thành. Bệnh thường kèm theo các dấu hiệu như: ngứa mắt – mũi, chảy dịch mũi nhiều, mắt đỏ và chảy lệ, dịch nhầy trong,… cùng tinh thần mệt mỏi do bệnh lý thường kéo dài nhiều ngày và mang tính tái phát hằng năm.
– Bệnh không theo chu kỳ
Người bệnh nhóm này thường bắt đầu với tình trạng hắt hơi, chảy mũi nhiều vào lúc thức dậy ban sáng và giảm hơn trong ngày. Nếu tiếp xúc với môi trường lạnh hay dị nguyên, các triệu chứng có thể nhiều hơn. Tình trạng nặng, người bệnh có thể nghẹt mũi thường xuyên và biến chứng viêm mũi họng.
1.3. Cẩn trọng trước biến chứng
Viêm mũi dị ứng không phải là bệnh lý nghiêm trọng, và có thể điều trị tại nhà khi phát hiện bệnh sớm, chưa xuất hiện các biến chứng. Tuy nhiên, trong trường hợp người bệnh để lâu không điều trị hoặc điều trị sai cách, tình trạng viêm có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng hơn như:
– Viêm kết mạch dị ứng
– Thoái hóa niêm mạc mũi
– Cuốn mũi phì đại
– Thoái hóa polyp mũi
– Viêm loét tiền đình mũi
– Lây nhiễm lân cận: viêm họng, viêm xoang, viêm phế quản, viêm tai giữa, …
– Biến chứng xa: viêm phổi, suy hô hấp.
Các bác sĩ tai mũi họng TCI cũng lưu ý: việc điều trị bệnh chậm trễ, không phù hợp là nguyên nhân chính khiến tình trạng viêm mũi dị ứng nặng nề hơn, đồng thời, khiến nguy cơ các biến chứng bệnh hiện nay rất phổ biến. Việc nhận biết bệnh sớm, thăm khám, điều trị đúng nguyên nhân bệnh là điều tối quan trọng giúp người bệnh được điều trị viêm mũi dị ứng nhanh chóng, đúng cách, phòng ngừa các nguy cơ lâu dài cho sức khỏe.
2. Xử lý và phòng ngừa viêm mũi dị ứng
Khi điều trị viêm mũi dị ứng cần chú ý rằng: bệnh do nhiều nguyên nhân khác nhau. Với mỗi người, biểu hiện lâm sàng cũng khác. Do cơ địa mỗi người có sự quá mẫn riêng, nên khi điều trị, không thể cứng nhắc áp dụng 1 cách điều trị chung cho nhiều người. Cần có sự thay đổi cách điều trị theo từng đối tượng, từng thời điểm, nguyên nhân.
Trong quá trình chẩn đoán, bên cạnh việc kiểm tra thực thể, cận lâm sàng cần thực hiện các test xác định như: test nội bì, test lẩy da, test kích thích mũi, phản ứng in vitro. Bên cạnh đó là các phương pháp gián tiếp định lượng kháng thể dị ứng như: phản ứng phân hủy mastocyte . phản ứng ngưng kết bạch cầu, tiêu bạch cầu đặc hiệu,… Ngoài ra, cần chẩn đoán phân biệt với tình trạng viêm mũi vận mạch cũng như các bệnh lý dễ nhầm lẫn để điều trị đúng cách.
2.1. Chữa bệnh viêm mũi dị ứng
Điều trị viêm mũi dị ứng chia thành 2 nhóm: các phương pháp đặc hiệu và điều trị không đặc hiệu.
Điều trị đặc hiệu: Sử dụng các biện pháp tránh dị nguyên bằng việc tránh tiếp xúc với yếu tố gây dị ứng, giảm mẫn cảm đặc hiệu (tiêm, nhỏ dưới lưỡi, nhỏ tại mũi,…)
Điều trị không đặc hiệu: Dùng các thuốc:
– Kháng histamin đường uống
– Xịt mũi chứa corticosteroid
– Điều trị giảm mẫn cảm
– Nhỏ mắt
Bên cạnh đó, cần kết hợp các biện pháp tại nhà, đặc biệt là việc bảo vệ tai mũi họng, tránh tiếp xúc dị nguyên.
Nhìn chung, các bác sĩ sẽ căn cứ vào nguyên nhân dị ứng, vấn đề thể trạng dị ứng, dấu hiệu để có chỉ định các thuốc chống dị ứng, thuốc điều trị triệu chứng cùng các biện pháp miễn dịch phù hợp.
Trong quá trình dùng thuốc, cần tuân thủ thời gian, liều lượng dùng thuốc, tránh việc tự ý bỏ thuốc hoặc sử dụng thuốc không theo hướng dẫn, bởi những yếu tố này đều có thể khiến viêm mũi dị ứng nặng nề, dễ biến chứng hoặc tái phát dễ dàng hơn.
2.2. Phòng ngừa đúng cách
Trước cơ chế của viêm mũi dị ứng, cần phòng tránh bệnh bằng các biện pháp thiết thực. Ví dụ như: tăng cường miễn dịch, tránh xa dị nguyên, dùng máy hút ẩm hoặc lọc không khí, … Ngoài ra, chúng ta cần chú ý sức khỏe thường nhật với lối sống khoa học. Hãy bổ sung dinh dưỡng phù hợp. Đồng thời, bạn nên tránh các chế phẩm độc hại hoặc các thức ăn lạ với cơ thể.
Nhìn chung, bệnh viêm mũi dị ứng là bệnh lý dễ bắt gặp, có thể tái phát liên tục với nhiều người. Chính vì thế, cần cảnh giác phòng ngừa trước dị nguyên cũng như những vấn đề về thời tiết. Bên cạnh đó, cần sớm đến các cơ sở tai mũi họng để kiểm tra, điều trị đúng cách, đúng thể dị ứng khi mắc bệnh. Từ đó, ta sẽ tránh để bệnh lây và những biến chứng nặng nề cho sức khỏe.