Bệnh suy tim là một hội chứng bệnh lý thường gặp trong nhiều bệnh về tim mạch, như: Các bệnh van tim, bệnh cơ tim, bệnh mạch vành, bệnh tim bẩm sinh và một số bệnh khác có ảnh hưởng nhiều đến tim.
-Xin bác sĩ cho biết, thế nào là bệnh suy tim? (Hồng Vân – Hà Nội)
Suy tim là một hội chứng lâm sàng do máu bơm ra từ tim không đủ đáp ứng nhu cầu chuyển hóa hằng ngày của cơ thể. Trong bệnh suy tim, máu lưu thông qua tim cũng như khắp cơ thể với tốc độ chậm hơn, và áp lực trong tim gia tăng. Kết quả là tim không thể bơm máu để đáp ứng đủ nhu cầu ôxy và dưỡng chất của cơ thể.
-Xin hỏi bác sĩ, có những dạng suy tim nào? (Khánh Đức – Hưng Yên)
Có hai loại suy tim là: Rối loạn chức năng tâm thu (suy tim tâm thu) và rối loạn chức năng tâm trương (suy tim tâm trương). Để phân biệt hai loại suy tim này, người bệnh cần được làm xét nghiệm phân suất tống máu (EF).
-Khi bị suy tim, điều gì có thể xảy đến với người bệnh, thưa bác sĩ? (Hoàng Hải – Thái Nguyên)
Khi bị suy tim, người bệnh sẽ gặp phải các vấn đề như: Tim không bơm đủ máu; máu bị ứ trong tĩnh mạch, chất dịch tích tụ, làm cho bàn chân, mắt cá chân và cẳng chân bị phù; cơ thể chứa quá nhiều dịch; dịch tích tụ trong phổi; cơ thể không nhận được đủ máu, thức ăn và ôxy.
-Chào bác sĩ! Xin bác sĩ cho biết những dấu hiệu của bệnh suy tim! Cảm ơn bác sĩ! (Mỹ Hạnh – Nam Định)
Các dấu hiệu nhận biết bệnh suy tim gồm: Thở gấp, đặc biệt là khi nằm. Người bệnh có cảm giác mệt mỏi, kiệt sức. Ho hay thở khò khè, đặc biệt khi người bệnh luyện tập hay nằm. Sưng – phù bàn chân, mắt cá chân và cẳng chân. Tăng cân do tích tụ dịch. Nhầm lẫn hay không thể suy nghĩ sáng suốt…
-Đâu là nguyên nhân gây bệnh suy tim, thưa bác sĩ? (Khải Hưng – Hà Nam)
Nguyên nhân thường gặp nhất của suy tim là bệnh động mạch vành (CAD). CAD xảy ra khi các động mạch cung cấp máu cho cơ tim bị hẹp do chất béo tích tụ, còn gọi là mảng bám.
Các yếu tố nguy cơ thường dẫn đến suy tim là:
-Cơn đau tim trước đây đã gây nên một số tổn thương cho cơ tim
-Các khiếm khuyết bẩm sinh của tim.
-Cao huyết áp.
-Bệnh lý van tim.
-Các bệnh của cơ tim.
-Tim và/hoặc các van tim bị viêm.
-Nhịp tim bất thường (chứng loạn nhịp tim).
-Thừa cân.
-Bệnh tiểu đường.
-Các vấn đề của tuyến thượng thận.
-Lạm dụng rượu bia hoặc dược chất.
-Một số loại hình hóa trị liệu.
-Bác sĩ ơi! Căn cứ vào đâu để phân chia các mức độ suy tim? Hiện suy tim được chia thành mấy độ? (Hoài Thương – Hải Dương)
Phân chia mức độ suy tim căn cứ vào mức độ khó thở, xảy ra khi gắng sức ít hay nhiều. Hiên nay, y học chia suy tim thành 4 độ:
- Suy tim độ I: Người bệnh chưa thấy triệu chứng gì của suy tim dù lúc nghỉ ngơi hay khi gắng sức, sinh hoạt hàng ngày vẫn bình thường. Có thể coi là suy tim tiềm tàng.
- Suy tim độ II: Sinh hoạt hàng ngày đã bị ảnh hưởng nhẹ, nghỉ ngơi thì không có triệu chứng gì, nhưng hoạt động thường nhật đã thấy khó thở. Có thể gọi là suy tim nhẹ.
- Suy tim độ III: Sinh hoạt bị ảnh hưởng mức độ trung bình, nghĩa là nghỉ ngơi vẫn không có triệu chứng gì, nhưng chỉ hoạt động nhẹ hơn thường nhật đã thấy khó thở rồi. Ðây là suy tim trung bình.
- Suy tim độ IV: Sinh hoạt bị ảnh hưởng nhiều, cả khi nghỉ ngơi cũng thấy khó thở, chỉ làm được những việc nhẹ. Suy tim ở đây được coi là nặng.
-Xin bác sĩ cho biết, cách chẩn đoán bệnh suy tim? (Như Ngọc – Bắc Ninh)
Bệnh suy tim có thể được chẩn đoán qua thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng và làm các xét nghiệm chẩn đoán bệnh. Các xét nghiệm bao gồm: Xét nghiệm máu, xét nghiệm BNP, X-quang ngực, siêu âm tim, phân suất tống máu, điện tâm đồ, chụp CT…
-Xin bác sĩ cho biết, cách điều trị bệnh suy tim? Cảm ơn bác sĩ! (Trần Đình Triển – Hà Nội)
Mục tiêu điều trị suy tim đầu tiên là làm giảm khả năng tiến triển của bệnh (Do đó làm giảm nguy cơ tử vong và nhu cầu phải nhập viện), làm giảm các triệu chứng của suy tim và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Dưới sự tiến bộ của y học hiện đại, hiện đã có nhiều chọn lựa cho việc điều trị bệnh suy tim. Kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng thuốc và lối sống là những bước khởi đầu trong điều trị suy tim. Khi bệnh đã tiến triển thì bác sĩ có thể chọn lựa một số phương pháp điều trị.
Trong điều trị suy tim, các bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân dùng thuốc tăng cường tim và thuốc lợi tiểu để giúp cơ thể lọa bỏ lượng dịch dư thừa. Người bệnh có thể được cung cấp oxy để dùng tại nhà. Bác sĩ sẽ tư vấn cho người bệnh về chế độ ăn ít muối, thay đổi lối sống lành mạnh, khoa học hơn. Một số trường hợp người bệnh có thể được chỉ định phẫu thuật tim…
Tùy vào từng trường hợp bệnh nhân, bác sĩ sẽ có phương án xử trí cụ thể.
-Xin bác sĩ cho biết cách phòng tránh và ngăn ngừa bệnh suy tim tiến triển nặng lên! Cảm ơn bác sĩ! (Thảo Miên – Hà Nội)
Bạn cần giữ cho huyết áp ổn định, theo dõi các triệu chứng của bệnh, duy trì sự cân bằng về dịch, hạn chế ăn muối, theo dõi cân nặng và giảm cân khi cần thiết, sử dụng thuốc theo kê đơn của bác sĩ, tái khám theo lịch hẹn, bỏ hút thuốc lá và rượu bia, luyện tập thể dục thường xuyên…
-Các thuốc nên tránh trong điều trị bệnh suy tim? (Văn Quân – Hà Nội)
Có một số loại thuốc nên tránh sử dụng khi bị suy tim, bao gồm: Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) để điều trị giảm đau, nhức, hạ sốt. Thuốc chống loạn nhịp tim. Thuốc chẹn kênh canxi (nếu bạn bị suy tim tâm thu). Thuốc antacids (giảm tiết dịch vị ở dạ dày) có chứa Natri. Thuốc giảm xung huyết như Sudafed.
Nếu bạn đang sử dụng các loại thuốc này thì cần thông báo đến bác sĩ.
…
Để biết thêm thông tin cũng như để được tư vấn trực tiếp về bệnh suy tim, bạn đọc vui lòng liên hệ Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc theo số điện thoại 1900 55 88 92 để được giải đáp.
Tham khảo thêm : đau tim, bệnh tim mạch, đau tim có nguy hiểm không