Bệnh sụp mí mắt: Nguyên nhân, dấu hiệu, cách điều trị

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Xuân Loan

Phó khoa Khám bệnh phụ trách chuyên khoa Mắt

Sụp mi mắt là bệnh lý thường gặp trong số các bệnh lý nhãn khoa, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khoẻ của người bệnh. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết hơn về bệnh sụp mí mắt, nguyên nhân gây bệnh, các dấu hiệu nhận biết và cách điều trị hiệu quả ngay trong bài viết sau!

1. Thế nào là sụp mí mắt?

Mắt là cơ quan cảm giác đặc biệt của con người, đảm nhiệm chức năng thị giác. Cấu tạo của mắt bao gồm nhãn cầu, bộ phận bảo vệ nhãn cầu, hệ thống dây thần kinh và trung khu phân tích thị giác. Mi mắt là phần thuộc bộ phận nhãn cầu với đặc trưng mỗi mắt có mi trên và mi dưới, đảm nhiệm chức năng bảo vệ mắt và nhãn cầu trước bụi bẩn và các tác nhân gây hại.

Sụp mi mắt là tình trạng sa xuống của mi mắt trên, thấp hơn so với vị trí của mí mắt khi ở trạng thái bình thường. Nguyên nhân gây sụp mí được xác định là do nhiều vấn đề như cơ mí mất đi khả năng co giãn, đàn hồi hoặc do tổn thương của dây thần kinh số 3, tổn thương bẩm sinh hoặc mắc phải, khối u và nhiễm khuẩn…

Mặc dù không phải là bệnh ảnh hưởng tới tính mạng hoặc gây mù mắt nhưng sụp mí cản trở chức năng thị giác và gây mất thẩm mỹ khuôn mặt nên cần được phát hiện và điều trị sớm.

Sụp mi mắt là tình trạng sa xuống của mi mắt trên, thấp hơn so với vị trí của mí mắt khi ở trạng thái bình thường

Sụp mi mắt là tình trạng sa xuống của mi mắt trên, thấp hơn so với vị trí của mí mắt khi ở trạng thái bình thường

2. Nguyên nhân gây sụp mí

2.1. Nguyên nhân bẩm sinh

Tình trạng sụp mi xuất hiện nay sau khi trẻ mới được sinh ra chiếm tới gần 75% trường hợp người mắc sụp mí. Theo bác sĩ nhãn khoa, phần lớn trẻ sơ sinh đều có một hoặc một vài điểm bất cân đối trên khuôn mặt. Và mí mắt cũng là một trong những cơ quan có thể chịu ảnh hưởng từ khi trẻ con nằm trong tử cung. Đa phần các dấu hiệu này có thể sẽ cân đối lại sau khi trẻ trưởng thành dần. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp không thể tự cải thiện theo thời gian và các chuyên gia gọi đó là sụp mi bẩm sinh.

Trẻ mắc sụp mí thường ngửa đầu ra sau để nhìn, hoặc cố gắng nhướng mày nhiều để nâng mi lên, đồng thời tăng tiết nước mắt. Sau nhiều năm, tư thế đầu bất thường của trẻ mắc bệnh có thể gây ra dị tật ở đầu và cổ. Đồng thời, bệnh cũng ảnh hưởng đến thẩm mỹ gây tâm lý mặc cảm, hạn chế giao tiếp của trẻ.

2.2. Nguyên nhân mắc phải

– Do cân cơ: Có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất là ở người cao tuổi. Cơ chế do cân cơ nâng mi thoái hóa, giãn mỏng, không còn bám chắc được vào sụn mi (tuột điểm bám, đầu cân chỉ còn bám lên vách ngăn) do tuổi cao, chấn thương, bị viêm mi, chắp lẹo nhiều lần, sau phẫu thuật, day ấn quá mức, đeo kính áp tròng… Khi mắc bệnh nhân có biểu hiện sụp mi với biên độ vận động mi không giảm đáng kể. Nếp mi trên bị nâng cao hoặc không rõ, mi trên mỏng.

– Do tổn thương thần kinh: thường gặp do tổn thương các cấu trúc thần kinh chi phối cơ nâng mi và cơ Muller. Biểu hiện tùy vị trí và mức độ tổn thương, có các thể bệnh sau: Liệt dây thần kinh sọ số III hay dây vận nhãn chung; Liệt nhân dây thần kinh sọ số III; Liệt trên nhân dây thần kinh vận nhãn; Hội chứng Claude Bernard – Horne…

– Do cơ: cơ nâng mi bị giảm chức năng co cơ vĩnh viễn hoặc tạm thời trong các bệnh cơ khu trú hoặc tỏa lan (bệnh loạn dưỡng cơ, liệt vận nhãn tiến triển mạn tính, loạn dưỡng cơ mắt – hầu, hội chứng Guillain – Barré…), sau tiêm Botulinum toxin (Botox, Dysport)… Biểu hiện: sụp mi với biên độ vận động mi giảm, kèm theo các triệu chứng của bệnh cơ toàn thân.

– Do tác nhân cơ học: do mi trên bị chèn ép (u mi trên, u hốc mắt, tuyến lệ phì đại…), do chùng da mi, do dính (xơ hóa quanh cơ, sẹo lớn mi, dính mi – cầu do bỏng, dị ứng thuốc, mắt hột…)… Sụp mi với biên độ vận động mi giảm, kèm theo các triệu chứng của bệnh lý gây sụp mi.

– Do thần kinh – cơ trong bệnh nhược cơ nặng: tổn thương synapse thần kinh – cơ (tấm vận động) do rối loạn miễn dịch, có thể do u hoặc phì đại tuyến ức. Sụp mi hay khởi phát vào tuổi dậy thì, ở 1 hoặc 2 bên mắt, thường thay đổi, nặng hơn về cuối ngày hay sau vận động, gắng sức. Có thể kèm theo rối loạn vận nhãn và bại các cơ khác… Đáp ứng các mức độ khác nhau với các nghiệm pháp như nước đá, Tensilon, Prostigmin… Điện cơ có giá trị tốt. Chụp CT lồng ngực có thể thấy bất thường tuyến ức.

– Do chấn thương, phẫu thuật, can thiệp mạch máu: chấn thương đụng giập hoặc đâm xuyên vào cân cơ có thể gây sụp mi tạm thời hoặc vĩnh viễn. Phẫu thuật hốc mắt, sọ não, can thiệp mạch máu cũng có thể làm tổn thương trực tiếp cân cơ, thần kinh gây sụp mi.

Bệnh sụp mí mắt có thể hình thành do cơ mí mắt bị ảnh hưởng bởi một số bệnh lý khu trú vùng mí mắt

Bệnh sụp mí mắt có thể hình thành do cơ mí mắt bị ảnh hưởng bởi một số bệnh lý khu trú vùng mí mắt

3. Biểu hiện bệnh sụp mi

Người mắc bệnh sụp mi ngoài tình trạng mi mắt chùng xuống quá nhiều thì còn gặp phải các vấn đề như:

– Khi nhìn, người bệnh thường ngửa đầu lên trên, phải nhăn trán hoặc nghiêng đầu để nhìn rõ.

– Đôi khi có thể nhìn thấy song thị (hai hình)

– Trường hợp sụp mi nặng, bệnh nhân sẽ nhìn mờ, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, trẻ em có thể bị nhược thị do che lấp, mắt có thể bị lác (lé)

– Sụp mi cũng có thể là biểu hiện của các bệnh nặng khác như bệnh nhược cơ, liệt dây thần kinh sọ não số III (do u não,…), nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh.

Người bệnh cần đi khám ngay để được bác sĩ chẩn đoán chính xác bệnh và nguyên nhân gây bệnh cũng như đưa ra các phương án xử trí phù hợp.

4. Phương pháp điều trị

Vì sụp mí mắt ảnh hưởng trực tiếp đến tính thẩm mỹ và các hoạt động thường ngày nên rất nhiều người không biết sụp mí mắt phải làm sao để cải thiện. Thực tế, cần tìm nguyên nhân gây sụp mi để điều trị. Đặc biệt đối với trẻ em, nếu sụp mi độ 3, độ 4 (bờ mi trên đã che qua đồng tử của bệnh nhân), cần phải điều trị sớm, đề phòng nhược thị.

– Dùng thuốc nhỏ mắt

Nếu bị sụp mí do các vấn đề về mắt như đau – viêm mắt, kèm theo đó là tình trạng mỏi mắt, ngứa mắt,… thì bạn có thể dùng thuốc nhỏ mắt. Tuy nhiên, nên sử dụng theo liều lượng khuyến cáo, không lạm dụng để tránh gây kích ứng.

– Để mắt được nghỉ ngơi

Làm việc cường độ cao, liên tục với máy tính có thể khiến mắt mỏi và bị sụp mí tạm thời. Do đó, hãy để đôi mắt được nghỉ ngơi bằng cách nhắm mắt lại và nằm thư giãn trong 10 – 15 phút. Đây cũng là bí quyết để bạn có đôi mắt sáng và khỏe mạnh.

– Phẫu thuật

Trường hợp bị sụp mí mắt do bẩm sinh, lão hóa hay tai nạn, hoặc nếu điều trị bệnh toàn thân ổn định mà vẫn bị sụp mi, bạn có thể được chỉ định điều trị bằng phẫu thuật. Đây là phương pháp an toàn, hiệu quả, giúp khắc phục tình trạng sụp mí rõ rệt.

Theo đó, bác sĩ sẽ thực hiện một đường mổ nhỏ tại vị trí mí trên của mắt. Sau đó tiến hành điều chỉnh lại vùng cơ bằng cách kéo một phần cơ mi mắt lên cơ trán bằng các nhiên liệu như silicon, farcialata, dây treo sinh học,… Nhờ đó, mí mắt của 2 bên sẽ trở nên đồng đều và cân xứng.

Phẫu thuật để điều chỉnh cơ mi mắt bị sụp giúp lấy lại tầm nhìn cho người bệnh

Phẫu thuật để điều chỉnh cơ mi mắt bị sụp giúp lấy lại tầm nhìn cho người bệnh

Như vậy, bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích nhất về bệnh sụp mí mắt. Để bảo vệ sức khoẻ thị lực tốt nhất, mọi người nên xây dựng một chế độ sinh hoạt lành mạnh, chăm sóc mắt đúng cách và thường xuyên thăm khám tại các cơ sở y tế theo hướng dẫn của bác sĩ.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital