Bệnh hen phế quản: Nguyên nhân và cách kiểm soát

Tham vấn bác sĩ

Hen phế quản là tình trạng viêm đường thở mạn tính, gây tắc nghẽn, hạn chế luồng khí đi qua đường thở, làm xuất hiện các dấu hiệu khò khè, khó thở, nặng ngực và ho liên tục. Bệnh diễn biến nhanh và có thể gây tử vong nếu không có biện pháp theo dõi và xử trí kịp thời. Cùng tìm hiểu về bệnh hen qua bài viết sau đây.

1. Hen phế quản là gì?

Hen phế quản còn có tên gọi dân gian là hen suyễn. Đây là tình trạng viêm mạn tính đường thở, kích thích tăng tính đáp ứng đường thở với các biểu hiện co thắt, phù nề, tăng tiết đờm. Điều này có thể gây tắc nghẽn, hạn chế luồng khí đi qua đường thở.

Khó thở là triệu chứng đặc trưng của bệnh hen phế quản. Đặc điểm của cơn khó thở do bệnh hen gây ra:

– Lúc bắt đầu người bệnh khó thở chậm, gặp khó khăn khi thở ra, có tiếng khò khè người khác cũng nghe được.

– Sau đó mức độ khó thở tăng dần, người bệnh khó thở nhiều, vã mồ hôi, nói ngắt quãng…

– Cuối cùng, cơn khó thở giảm dần, kết thúc bằng những cơn ho và khạc đờm. Đờm thường trong, quánh, dính.

Cơn khó thở có thể kéo dài 5 – 15 phút, có khi hàng giờ, thậm chí xảy ra hàng ngày, thường xuất hiện về đêm, theo mùa, sau một số kích thích. Khi đi khám, có thể thấy trong cơn hen có tiếng ran rít, ran ngáy lan toả 2 phổi.

Trước khi vào cơn hen, một số bệnh nhân có thể có dấu hiệu hắt hơi, sổ mũi, ngứa mắt, ho khan, buồn ngủ…

Bệnh thường không thể chữa khỏi, có thể tái đi tái lại, đặc biệt là khi thời tiết giao mùa. Nếu bệnh nhân tuân thủ điều trị, các triệu chứng của bệnh có thể được kiểm soát.

Hen phế quản là bệnh lý đường hô hấp

Tình trạng viêm mạn tính đường thở có thể kích thích tăng tính đáp ứng đường thở với các biểu hiện co thắt, phù nề, tăng tiết đờm, gây ra các cơn hen.

2. Các nguyên nhân làm khởi phát cơn hen là gì?

Có rất nhiều tác nhân khởi phát cơn hen, bao gồm các tác nhân gây dị ứng và tác nhân không dị ứng.

2.1 Hen phế quản do các tác nhân dị ứng

Đây là nguyên nhân gây hen phế quản thường gặp nhất. Các tác nhân gây dị ứng gồm:

– Dị nguyên đường hô hấp: Phổ biến nhất là bụi nhà, phấn hoa, nấm, lông động vật, khói thuốc lá, bọ sống trong chăn nệm, bụi kim loại, khói xăng dầu, hơi sơn…

– Dị nguyên thực phẩm: Gồm các loại hải sản như tôm, cua, cá, sò…, trứng, lạc, thịt gà….

– Thuốc: Aspirin, penicillin…và một số loại thuốc khác có thể làm khởi phát cơn hen.

– Nhiễm khuẩn: Các bệnh lý nhiễm khuẩn đường hô hấp trên là một trong những tác nhân gây ra cơn hen ở bệnh nhân có cơ địa dị ứng. Các bệnh đường hô hấp trên thường gặp là: viêm mũi, viêm xoang, viêm họng, viêm amidan…

2.2 Hen phế quản do các tác nhân không dị ứng

– Di truyền: Nếu trong gia đình có người bị hen thì các thành viên khác rất dễ mắc bệnh này.

– Tâm lý: Lo âu, căng thẳng thường xuyên, sang chấn tâm lý đột ngột đều có thể là nguyên nhân gây hen phế quản.

Nếu đã được chẩn đoán bị bệnh hen thì việc tiếp xúc với các tác nhân kể trên có thể khiến bệnh nhân khởi phát cơn hen cấp.

3. Hen do viêm nhiễm phế quản có nguy hiểm không?

Hen phế quản là bệnh lý rất nguy hiểm, bởi bệnh diễn biến nhanh có thể đe dọa tính mạng của người bệnh tức thì. Khi lên cơn hen, bệnh nhân không thể hít đủ không khí để cung cấp oxy cho cơ thể. Khi đó, nếu không có thuốc cắt cơn hen hoặc không được cấp cứu kịp thời sẽ, người bệnh có thể bị suy hô hấp, hôn mê, mất ý thức, thậm chí tử vong.

Vì vậy, nếu vẫn thấy cơn khò khè, khó thở sau điều trị hoặc có triệu chứng của cơn hen ác tính, cần gọi ngay cấp cứu hoặc đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.

Nguyên nhân gây ra cơn hen

Vi khuẩn, virus và những tác nhân gây dị ứng và không gây dị ứng khác là nguyên nhân gây ra cơn hen.

4. Các phương pháp chẩn đoán bệnh hen phế quản

Khi thấy các triệu chứng nghi ngờ hen suyễn, bạn cần chủ động thăm khám tại cơ sở y tế có chuyên khoa Hô hấp. Tại đây các bác sĩ sẽ khám lâm sàng một cách chi tiết, khai thác các yếu tố về tiền sử, diễn biến của các triệu chứng qua đó định hướng chẩn đoán, đồng thời loại trừ các bệnh lý khác có triệu chứng tương tự như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), viêm đường hô hấp…

Sau đó các phương pháp cận lâm sàng có thể được chỉ định gồm:

– Đo chức năng hô hấp: Phương pháp kiểm tra chức năng hô hấp bằng cách đo lưu lượng đỉnh trước và sau khi sử dụng thuốc giãn phế quản. Cụ thể, nếu chức năng phổi cải thiện sau khi dùng thuốc thì bệnh nhân có khả năng cao bị bệnh hen.

Chẩn đoán hình ảnh: Thường dùng nhất là X-quang, CT Scan ngực, cho thấy những hình ảnh bất thường của phổi.

Bên cạnh đó một số xét nghiệm khác như xét nghiệm Methacholin, NO, xét nghiệm bạch cầu ưa acid trong đờm… có thể được chỉ định để chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác.

5. Điều trị bệnh hen như thế nào?

Theo các chuyên gia, việc kết hợp giữa các biện pháp dùng thuốc và không dùng thuốc có thể ngăn chặn được những cơn hen cấp. Mục tiêu dài hạn của điều trị hen là kiểm soát tốt triệu chứng hen, duy trì khả năng hoạt động bình thường, từ đó giảm tử vong do hen, giảm tần suất các đợt cấp và tác dụng phụ của thuốc.

Tùy thuộc vào tuổi, triệu chứng, nguyên nhân gây khởi phát bệnh hen mà các bác sĩ có thể chọn phương pháp điều trị phù hợp. Trong đó, điều trị bằng thuốc vẫn là phương pháp phổ biến nhất.

Các loại thuốc điều trị hen chủ yếu gồm:

– Thuốc kiểm soát cơn hen dài hạn: Đây là biện pháp giúp kiểm soát cơn hen hàng ngày và giảm tần suất xuất hiện cơn hen cấp. Corticosteroid dạng hít, thuốc đường hít kết hợp, thuốc kích thích beta tác dụng kéo dài, Leukotrien … là các loại thuốc điều trị hen thường được sử dụng.

– Thuốc cắt cơn hen cấp: Các thuốc này chỉ dùng để cắt cơn hen và giảm triệu chứng khó thở trong các đợt cấp hen. Các thuốc cắt cơn hen có thể kể đến như Ventolin, Berodual, Salbutamol …

– Thuốc điều trị bệnh hen nặng: Nếu bệnh nhân có triệu chứng hen dai dẳng và/hoặc vẫn còn đợt cấp, có thể xem xét kết hợp các loại thuốc điều trị phù hợp.

Trong quá trình điều trị hen, bệnh nhân cần tuân thủ đơn thuốc, thực hiện đánh giá mức độ tiến triển của bệnh, đánh giá đáp ứng, từ đó điều chỉnh phác đồ điều trị phù hợp.

Điều trị bệnh hen do viêm nhiễm phế quản

Bệnh hen có thể được kiểm soát nhờ điều trị theo phác đồ của bác sĩ.

6. Phòng ngừa hen phế quản bằng cách nào?

– Hạn chế tiếp xúc với các dị nguyên gây dị ứng như bụi nhà, lông động vật, phấn hoa….

– Luôn vệ sinh nhà cửa sạch sẽ

– Không nuôi chó, mèo, các con thú khác trong nhà nếu có cơ địa dị ứng

– Chú ý các loại thực phẩm tiêu thụ hàng ngày nếu có dị ứng

– Giữ ấm cơ thể, phòng tránh nhiễm khuẩn đường hô hấp, đặc biệt trong thời điểm giao mùa

– Tránh tình trạng lo âu, căng thẳng quá mức

– Chủ động tiêm phòng bệnh cúm hàng năm

– Thăm khám định kỳ để phát hiện bệnh và dự phòng sớm

Tóm lại, hen phế quản là một bệnh viêm đường hô hấp mạn tính nguy hiểm. Việc kiểm soát tốt với chuyên gia hô hấp sẽ giúp bệnh nhân giảm tác động từ cơn hen, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital