Gan nhiễm mỡ là tình trạng chất béo tích tụ quá nhiều trong mô gan, cản trở tế bào gan thực hiện chức năng vốn có của nó. Bệnh nhân khi được chẩn đoán mắc bệnh dù ở giai đoạn nhẹ cũng cần điều trị tích cực, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm xảy ra. Cùng đọc bài viết sau đây để hiểu hơn bệnh gan nhiễm mỡ là gì, triệu chứng và nguyên nhân cũng như cách phòng ngừa.
Menu xem nhanh:
1. Bệnh gan nhiễm mỡ là gì, tiến triển thành mấy giai đoạn?
Ở một người bình thường, lượng mỡ trong gan chiếm từ 3-5% tổng trọng lượng lá gan. Như vậy được coi là ngưỡng an toàn với sức khỏe. Khi lượng mỡ vượt quá 5%, người bệnh được chẩn đoán mắc bệnh gan nhiễm mỡ.
Khi lượng chất béo tích tụ trong gan tăng lên nhiều đồng nghĩa với việc chức năng gan đã suy giảm đáng kể, ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe.
Gan nhiễm mỡ vốn được biết là căn bệnh lành tính do không ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng con người. Tuy nhiên, nếu như người bệnh chủ quan không điều trị, bệnh sẽ tiến triển nặng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Bệnh có thể diễn tiến thành xơ gan, ung thư gan thậm chí đe dọa tính mạng.
Hiện nay, tình trạng bệnh được chia thành 3 cấp độ chính. Ở mỗi cấp độ, lượng mỡ tích tụ thay đổi do đó triệu chứng và mức độ nguy hiểm cũng khác nhau.
– Cấp độ 1: lượng mỡ tích tụ trong gan chiếm từ 5-10%, lúc này bệnh chưa gây hại tới gan.
– Cấp độ 2: lượng mỡ chiếm từ 10-25% tổng trọng lượng gan.
– Cấp độ 3: lượng mỡ cao hơn 30%, đây là cấp độ nguy hiểm nhất.
2. Biểu hiện của gan nhiễm mỡ
Ở giai đoạn đầu, bệnh chưa gây ra các triệu chứng rõ ràng. Một số người bệnh có cảm giác chán ăn, mệt mỏi và đau hạ sườn phải. Tuy nhiên tất cả dấu hiệu này đều ở mức độ nhẹ nên hầu hết mọi người đều bỏ qua. Đa số người bệnh chỉ tình cờ phát hiện mình mắc bệnh khi thăm khám định kỳ, siêu âm gan.
Khi lượng mỡ tăng lên hoặc biến chứng thành viêm gan hoặc xơ gan, các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn, bao gồm:
– Bụng sưng to, nhiều mạch máu nổi dưới da bụng
– Lòng bàn tay đỏ rực
– Phù chân, bàn chân
– Xuất huyết tiêu hóa
– Ngứa ngáy, vàng da, vàng mắt
– Nôn, nôn ra máu
3. “Điểm mặt” các nguyên nhân gây ra bệnh gan nhiễm mỡ
Nguyên nhân gây ra căn bệnh này được chia thành 2 loại dựa trên đặc điểm tiến triển và tổn thương của bệnh.
3.1. Giải đáp: Nguyên nhân của bệnh gan nhiễm mỡ là gì? – Nhóm nguyên nhân do rượu
Rượu bia là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh về gan trong đó có gan nhiễm mỡ. Với trường hợp uống rượu bia với lượng nhỏ, không liên tục, tế bào gan có cơ chế tự phục hồi. Ngược lại với người uống rượu bia liên tục, lượng lớn sẽ khiến chất cồn gây hại cho gan, giảm phân giải mỡ xấu và tăng lượng mỡ thừa tích tụ tại gan. Bên cạnh đó, chất cồn còn làm ức chế phân giải lipoprotein trong máu, gây rối loạn chuyển hóa lipid máu.
Người uống nhiều rượu bia có nguy cơ bị gan nhiễm mỡ cao hơn khi kết hợp với các yếu tố nguy cơ sau đây:
– Thừa cân, béo phì
– Suy dinh dưỡng
– Mắc bệnh viêm gan virus mạn tính như viêm gan B, C, …
– Tuổi tác
– Yếu tố di truyền
Nếu đã bị gan nhiễm mỡ cấp độ 1 mà người bệnh vẫn tiếp tục uống nhiều rượu bia, bệnh sẽ nhanh chóng tiến triển thành cấp độ 2, 3 và gây ra nhiều biến chứng nguy hại.
3.2. Giải đáp: Nguyên nhân của bệnh gan nhiễm mỡ là gì? – Nhóm nguyên nhân không liên quan đến rượu
Bên cạnh nguyên nhân do lạm dụng bia rượu, bệnh gan nhiễm mỡ có thể do các yếu tố sau đây:
Thừa cân, béo phì
Bạn cần biết rằng, cân nặng của cơ thể tỷ lệ thuận với lượng chất béo tích tụ trong gan. Người có cân nặng càng cao sẽ có lượng mỡ thừa trong gan nhiều. Tỷ lệ tổn thương gan do mỡ tích tụ ở nhóm người béo phì ở ngưỡng rất cao, từ 61%-94%.
Suy dinh dưỡng
Nhiều người vẫn quan niệm rằng chỉ người béo mới có nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ. Điều này hoàn toàn sai lầm, những người suy dinh dưỡng cũng có thể mắc căn bệnh này. Nguyên nhân có thể do cơ thể thiếu hụt dinh dưỡng, gặp khó khăn trong việc tổng hợp apolipoprotein. Điều này gây ra tình trạng triglyceride tích tụ trong gan dẫn đến mỡ thừa tại gan.
Giảm cân quá mức
Giảm cân quá nhanh trong thời gian ngắn cũng gây áp lực cho gan đồng thời làm gan tổn thương. Lúc này lượng chất béo trong cơ thể sẽ tăng nhanh chóng.
Bệnh tiểu đường
Tiểu đường xảy ra khi tuyến tụy không tự sản xuất được hormone insulin. Hoặc do hàm lượng insulin đủ nhưng không hoạt động bình thường. Thiếu hụt insulin khiến chỉ số đường huyết tăng quá mức cho phép.
Lượng đường trong máu cao cũng gây ra tình trạng rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protein, lipid. Từ đó mà nguy cơ gan nhiễm mỡ cũng tăng lên.
Tác dụng phụ của thuốc
Sử dụng thuốc điều trị trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp protein và chuyển hóa lipoprotein. Do đó, để bảo vệ gan và sức khỏe nói chung, cần uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Hội chứng chuyển hóa
Đây là hội chứng được chẩn đoán khi người bệnh có ít nhất 3 trong tổng số các triệu chứng sau đây:
– Vòng bụng to
– Hàm lượng triglycerides hoặc cholesterol LDL ở mức cao
– Cholesterol HDL ở mức thấp
– Huyết áp cao
– Chỉ số đường máu ở ngưỡng cao
4. Người bệnh gan nhiễm mỡ cần lưu ý gì khi điều trị?
Gan nhiễm mỡ thường tiến triển âm thầm, triệu chứng mơ hồ nên rất khó nhận biết. Tuy nhiên bệnh vẫn có một số triệu chứng cảnh báo như mệt mỏi, chán ăn, đau bụng. Do đó, ngay khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng trên dù mờ nhạt, người bệnh cũng cần thăm khám để được điều trị sớm.
Cho đến nay, vẫn chưa có phương pháp đặc trị gan nhiễm mỡ. Tuy nhiên, người bệnh nên:
– Thay đổi lối sống
– Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng đủ nhóm chất
– Không rượu bia
– Duy trì và tăng cường vận động
– Kiểm soát tốt các bệnh lý
Đây là những biện pháp quan trọng, có vai trò lớn trong việc điều trị và phòng ngừa bệnh gan nhiễm mỡ, giúp giảm ảnh hưởng của triệu chứng và ngăn bệnh tiến triển nặng. Lưu ý rằng, đây không phải là bệnh lành tính nên người bệnh cần điều trị tích cực, tránh có tâm lý chủ quan.