Băng huyết là một trong những tai biến sản khoa thường gặp. Hiện nay, băng huyết sau sinh vẫn là một trong những tai biến sản khoa gây tử vong mẹ hàng đầu trên thế giới và Việt Nam. Vậy, băng huyết là gì?
Menu xem nhanh:
1. Băng huyết là gì?
Băng huyết sau sinh là hiện tượng bộ phận sinh dục nữ chảy máu dữ dội trong vòng 24 giờ sau sinh, gây nên tình trạng mất máu quá nhiều. Băng huyết sau sinh là tai biến sản khoa thường gặp và là một trong những nguyên nhân gây tử vong mẹ hàng đầu.
2. Nguyên nhân băng huyết sau sinh
Có nhiều nguyên nhân tác động gây nên hiện tượng băng huyết sau sinh, có thể kể đến các nguyên nhân như sau:
– Do đờ tử cung.
– Sót nhau, nhau cài răng lược, do chấn thương sinh dục.
– Người mẹ bị rối loạn đông máu.
– Mẹ mang thai ở tuổi sau 35 tuổi, con trên 4 kg, u xơ tử cung, sinh mổ, có tiền sử băng huyết sau sinh cao hơn.
3. Dấu hiệu nhận biết băng huyết
– Sản phụ bị chảy máu từ đường sinh dục trong vòng 24 giờ đầu sau sinh.
-Lượng máu chảy ra ngoài có thể nhiều hoặc ít, máu đỏ tươi hoặc đỏ bầm, máu cục hoặc máu loãng.
-Máu chảy ứ trong buồng tử cung làm tử cung tăng thể tích. Đáy tử cung lên cao dần, tử cung to ra theo bề ngang, mềm nhão. Không thấy khối cầu an toàn trên xương vệ.
– Tùy thuộc lượng máu mất, người bệnh có thể tụt huyết áp, mặt xanh tái, vã mồ hôi, chóng mặt, tim đập nhanh…
4. Biến chứng của băng huyết sau sinh
Tùy thuộc vào mức độ mất máu và việc hồi sức, cầm máu có tích cực hay không, băng huyết sau sinh có thể gây ra nhiều biến chứng nặng – nhẹ khác nhau:
– Choáng do giảm thể tích tuần hoàn, đưa đến suy thận, suy đa cơ quan và tử vong.
– Là yếu tố thuận lợi của nhiễm trùng hậu sản.
– Biến chứng lâu dài thiếu máu, viêm tắc tĩnh mạch, hội chứng Sheehan (do hoại tử tuyến yên dẫn đến suy nhược, gầy ốm, rụng lông tóc, mất sữa, vô kinh), không thể có thêm con trong trường hợp phải cắt tử cung.
5. Dự phòng băng huyết sau sinh
Để giảm được tần suất và tỉ lệ tử vong do băng huyết sau sinh, cần dự phòng băng huyết trước khi nó xảy ra. Một số nguyên tắc dự phòng gồm:
– Phòng ngừa nhiễm trùng ối.
– Tránh chuyển dạ kéo dài, sử dụng cẩn thận các loại thuốc tê, mê, giảm đau trong chuyển dạ.
– Điều chỉnh các rối loạn đông máu nếu có, xử trí ngay các trường hợp có cơn gò cường tính, cơn gò yếu…
– Kiểm tra nhau kỹ lưỡng, soát lòng tử cung ngay khi nghi ngờ có sót nhau.
– Kiểm tra đường sinh dục nếu có thực hiện thủ thuật giúp sinh, kiểm tra tử cung nếu có vết mổ cũ.
– Cung cấp sắt và acid folic trong suốt thai kỳ để phòng ngừa thiếu máu. Điều này sẽ giúp cho băng huyết sau sinh nếu có xảy ra sẽ ít gây ra các biến chứng nặng hơn.
– Nhằm phòng ngừa các biến chứng nặng, nên theo dõi sát sản phụ ít nhất 6 giờ sau sinh để kịp thời phát hiện khi băng huyết sau sinh xảy ra, kịp thời tìm nguyên nhân và xử trí sớm.
Để biết thêm thông tin cũng như để được tư vấn trực tiếp về băng huyết là gì, bạn đọc vui lòng liên hệ với Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc theo số điện thoại 0936 388 288 hoặc 1900 55 88 92 để được giải đáp.