Menu xem nhanh:
Ăn gì mau lành vết thương
Vết thương lành nhanh hay chậm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi vết thương, thông thường chế độ ăn mau lành vết thương bao gồm:
Ăn đầy đủ đạm
Đây là nguyên liệu chính để tạo các tế bào mới cũng như các thành phần có liên quan đến quá trình lành vết thương. Mỗi ngày cần khoảng 200g các thức ăn cung cấp chất đạm như: thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, đỗ… Nếu có chế độ ăn quá nghèo đạm hoặc ở người bị suy giảm dinh dưỡng, người có bệnh lý làm giảm đạm trong cơ thể, người bị rối loạn chuyển hóa đạm thường làm lành vết thương chậm hơn…
Thực phẩm giàu vitamin A, B, C, K
Vitamin C có nhiều trong các loại rau quả tươi như cà chua, ớt chuông, khoai tây, rau bina, trái cây thuộc họ cam quýt, dâu tây, bông cải xanh, các loại rau có màu xanh lá…. Vitamin C hoạt động như một yếu tố trong quá trình sản sinh collagen, giúp gia tăng sức đề kháng của cơ thể chống lại hiện tượng nhiễm trùng ở vết thương, làm gia tăng sự hấp thụ chuyển hóa sắt trong cơ thể.
Vitamin A có nhiều trong các loại quả màu vàng như cà rốt, đu đủ, bí ngô, gan động vật, các sản phẩm chế biến từ bơ sữa… Vitamin A giúp chữa lành vết thương nhờ kích thích sự tổng hợp collagen và sự đa dạng hóa của nguyên bào sợi, cũng như kiểm soát tình trạng viêm nhiễm.
Vitamin K có trong bông cải trắng, bông cải xanh, nho, bơ, kiwi… có vai trò quan trọng trong quá trình chống đông máu ở giai đoạn đầu tiên của việc chữa lành vết thương.
Ăn những thực phẩm bổ máu chứa sắt, acid folic, vitamin B12
Thực phẩm bổ máu gồm thịt bò, gan, trứng, sữa, các loại rau có màu xanh đậm… sẽ giúp mang protein, vitamin, khoáng chất và oxy đến nuôi dưỡng các mô bị tổn thương đồng thời mang tế bào bạch cầu đến tiêu diệt các vi khuẩn xâm nhập vào vết thương…
Nên dùng các loại thực phẩm giàu kẽm và selen
Đây là những loại chất khoáng giúp mau lành vết thương, chống nhiễm khuẩn. Kẽm có nhiều trong các loại hải sản (nghêu, sò, ốc, tôm…), gan lợn, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, đậu nành, các hạt có dầu (hạnh nhân, hạt điều…). Selen có trong cá, hải sản, trứng, thị gia cầm, đậu hạt…
Uống đủ nước
Luôn cung cấp đủ nước và các đồ uống không chứa đường khác cho cơ thể như: nước quả nguyên chất 100% và sữa cũng có chứa protein…
Các loại thực phẩm không nên ăn để vết thương mau lành
– Tránh hút thuốc lá vì đây là nguyên nhân dẫn đến việc co các mạch máu ở ngoại vi, làm giảm lượng oxy, lượng máu đến mô và vết thương…
– Cần tránh những thực phẩm mà trước khi bị vết thương người bệnh cũng không ăn được vì gây ra dị ứng.
– Đối với những người có rối loạn đường huyết, đái tháo đường, bệnh thận có tăng urê huyết, đang điều trị bằng hóa trị, xạ trị… mà có các vết thương khó lành thì phải tham khảo ý kiến của các chuyên viên dinh dưỡng để có chế độ ăn phù hợp giúp ổn định cơ thể để vết thương mau lành mà không ảnh hưởng xấu đến bệnh lý đang có.