6 loại thuốc trị đau mắt đỏ mà bạn nên biết

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Trần Bích Dung

Bác sĩ Chuyên khoa Mắt

Đau mắt đỏ không phải bệnh lý hiếm gặp và thông thường bệnh nhân có thể tự khỏi trong thời gian ngắn. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp cần áp dụng kết hợp các biện pháp điều trị khi bệnh lâu ngày không khỏi. Trong đó, thuốc trị đau mắt đỏ là giải pháp được nhiều người tìm đến nhờ tính thuận tiện và hiệu quả cao.

1. Tìm hiểu về bệnh lý đau mắt đỏ

1.1. Định nghĩa

Đau mắt đỏ là bệnh lý phổ biến nhưng không phải ai cũng hiểu rõ nó. Bản chất của đau mắt đỏ là viêm kết mạc, cụ thể là kết mạc mi hoặc lớp màng trong suốt trên bề mặt nhãn cầu. Ai cũng có thể bị đau mắt đỏ và bệnh có nguy cơ bùng phát thành dịch bởi đặc tính lây lan nhanh chóng.

Tuy đau mắt đỏ không phải bệnh lý quá nguy hiểm, đa số có thể điều trị dễ dàng và không mất quá nhiều thời gian nhưng tiềm ẩn nguy cơ tái phát cao do cơ thể không miễn dịch với bệnh.

thuốc trị đau mắt đỏ

Tình trạng đau mắt đỏ có thể đem đến nhiều bất tiện trong cuộc sống hàng ngày.

1.2. Nguyên nhân

Ba nguyên nhân phổ biến dẫn đến đau mắt đỏ bao gồm:

– Virus: Đây là tác nhân gây bệnh thường gặp nhất, đau mắt đỏ do virus có thể lây lan nhanh chóng trong cộng đồng chỉ qua tiếp xúc dịch tiết. Phần lớn bệnh nhân có thể tự khỏi nhưng cần chú ý giữ gìn vệ sinh mắt sạch sẽ bằng nước muối sinh lý để giảm thiểu triệu chứng bệnh và không lây cho người khác. Đối với những trường hợp nặng có thế sử dụng thuốc kháng sinh để phòng tránh rủi ro bội nhiễm.

– Vi khuẩn: Không giống virus, đau mắt đỏ do vi khuẩn thường có biểu hiện mắt tiết nhiều mủ, bết dính, cộm, chảy nhiều nước mắt đặc biệt vào buổi sáng. Đa phần thuốc điều trị trong trường hợp này là kháng sinh.

– Dị ứng: Tình trạng đau mắt đỏ thường bắt gặp ở người có cơ địa dễ dị ứng, đặc biệt nếu những người này thường xuyên tiếp xúc với những yếu tố như lông thú, bụi, phấn hoa,… Tuy nhiên khác với hai nguyên nhân trên, đau mắt đỏ do dị ứng không có khả năng lây nhiễm nhưng người bệnh cần cẩn thận bảo vệ mắt và điều trị dứt điểm.

2. Tìm hiểu về các loại thuốc trị đau mắt đỏ hiện nay

2.1. Nước muối sinh lý

Khi bị đau mắt đỏ do virus, nước muối sinh lý thường được các chuyên gia khuyên dùng bởi tính dịu nhẹ, an toàn và hiệu quả của nó. Dù không phải thuốc đặc trị nhưng sử dụng natri clorid 0.9% nhiều lần trong ngày giúp rửa trôi mầm vi khuẩn gây bệnh và tạo độ ẩm, êm dịu cho mắt. Tuy nhiên, khi sử dụng cần lưu ý về liều lượng, thời gian và cách bảo quản.

thuốc trị đau mắt đỏ

Natri clorid 0.9% được khuyên dùng bởi tính dịu nhẹ, an toàn và hiệu quả.

2.2. Nước mắt nhân tạo

Các loại nước mắt nhân tạo, chất làm ẩm hoặc dung dịch bôi trơn nhãn cầu có độ nhớt thấp cũng có thể sử dụng để trị đau mắt đỏ với công dụng tương tự nước muối sinh lý. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh lại nước muối hay nước mắt nhân tạo đều không phải thuốc đặc trị đau mắt đỏ mà chúng chủ yếu có tác dụng duy trì độ ẩm và tăng độ nhầy ở mắt, hạn chế tình trạng khô mắt.

Khi lựa chọn nước mắt nhân tạo nên chọn loại không có chất bảo quản benzalkonium chloride bởi nếu sử dụng lâu dài sẽ gây tích lũy trên bề mặt nhãn cầu, phá vỡ cấu trúc lipid và làm mất đi tính bền vững của màng phim nước mắt.

2.3. Thuốc chống dị ứng

Đối với đau mắt đỏ do dị ứng, bệnh nhân có thể sử dụng các loại thuốc chống dị ứng ví dụ như thuốc kháng Histamin H1 (Antazoline, Clorpheniramin, Diphenhydramine,…)

Phần lớn thuốc điều trị đau mắt đỏ do dị ứng sẽ có tác dụng ngắn, liều lượng sử dụng theo khuyến cáo là 4 lần mỗi ngày và không dùng liên tục 2 – 3 ngày do dễ gia tăng kích ứng.

2.4. Thuốc co mạch

Giãn mạch cũng là một trong những vấn đề liên quan đến đau mắt đỏ, do đó cần sử dụng các loại thuốc điều trị có tác dụng co mạch để hạn chế sự khó chịu do bệnh gây ra. Tuy nhiên theo các chuyên gia, thuốc co mạch không nên sử dụng thường xuyên vì có thể gây nhờn thuốc và tái phát đau mắt đỏ nhiều lần bởi sau khi thuốc mất tác dụng thì mạch máu có xu hướng giãn to hơn trước. Do đó, bệnh nhân đau mắt đỏ chỉ nên sử dụng thuốc co mạch trong khoảng 3 ngày, không quá 2 lần mỗi ngày.

2.5. Thuốc kháng sinh

Khi bệnh đau mắt đỏ xảy ra bởi viêm nhiễm, thông thường là do virus thì kháng sinh thường không có tác dụng, bệnh sẽ kéo dài vài ngày rồi tự hết. Đối với kháng sinh, người dân hay có tâm lý muốn dùng kháng sinh mạnh, một số thậm chí tự mua kháng sinh đắt tiền để sử dụng. Tuy nhiên, thuốc kháng sinh không thể tiêu diệt mầm mống bệnh mà chỉ diệt các vi khuẩn bội nhiễm có mặt kèm với virus khi chúng hoành hành trên kết mạc. Do đó, nguyên tắc khi sử dụng kháng sinh trị đau mắt đỏ là chỉ dùng một loại phổ rộng là đủ.

2.6. Vitamin

Khi bị đau mắt đỏ, người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc điều trị chứa thành phần bổ mắt là vitamin nhóm A, B, E. Những dưỡng chất này có tác dụng giảm thiểu, cải thiện các triệu chứng do bệnh gây ra.

3. Nguy cơ và lưu ý khi sử dụng thuốc

3.1. Nguy cơ khi sử dụng thuốc trị đau mắt đỏ không đúng cách

Những người có tâm lý nôn nóng thường tự tìm mua các loại thuốc về tra mắt, thực hiện xông lá hoặc làm theo lời mách của người xung quanh. Đã có nhiều trường hợp bỏng mắt do xông lá hoặc tinh dầu. Bên cạnh đó, bệnh nhân sử dụng thuốc nhỏ mắt cortizol tùy tiện có thể gây ra loét giác mạc do Herpes hay nấm. Hàng năm, có hàng chục cho đến hàng trăm người khiến bệnh trở nặng, biến chứng do những hành động bộc phát này, hệ quả là quá trình điều trị khó khăn, tốn kém và nguy cơ suy giảm thị lực.

3.2. Lưu ý khi sử dụng thuốc trị đau mắt đỏ để điều trị

Trong quá trình sử dụng thuốc điều trị, bệnh nhân cần lưu ý:

– Dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Người bệnh cần đảm bảo sử dụng đúng loại thuốc, liều lượng và không tự ý căn chỉnh liều dùng. Tùy từng trường hợp, bác sĩ sẽ có những hướng dẫn cụ thể.

– Bảo quản thuốc và sử dụng đúng cách, không để mắt và đầu nhỏ của lọ thuốc chạm vào nhau.

– Khám mắt định kỳ để theo dõi tiến triển bệnh. Đối với những trường hợp bệnh không giảm dù đã dùng thuốc theo chỉ định, thậm chí có dấu hiệu trở nặng thì người bệnh cần tái khám và thông báo ngay cho bác sĩ.

– Không điều trị theo các mẹo dân gian như đắp hành củ, nhỏ sữa mẹ, xông lá trầu,… bởi có thể làm nghiêm trọng thêm các triệu chứng bệnh. Ngoài ra nếu chưa đi khám và nhận chỉ định từ bác sĩ, bệnh nhân tuyệt đối không tự ý mua thuốc để điều trị.

– Nếu bệnh nhân nhận thấy các triệu chứng bất thường hoặc gia tăng cần đến các cơ sở y tế uy tín có chuyên khoa mắt để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

thuốc trị đau mắt đỏ

Thăm khám ngay khi nhận thấy các triệu chứng bất thường để được chẩn đoán và điều trị hiệu quả.

Trên đây là những thông tin về các loại thuốc trị đau mắt đỏ thông dụng. Hi vọng thông qua bài viết trên bạn đã giải đáp được thắc mắc của bản thân và nếu còn bất kỳ câu hỏi nào, bạn hãy liên hệ ngay đến Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI để được trả lời nhanh nhất.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital