4 Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh lao

Bệnh lao vẫn là một trong những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và dễ lây lan nhất hiện nay. Dù y học ngày càng phát triển, mỗi năm vẫn có hàng triệu ca mắc mới trên toàn thế giới. Đáng lo ngại hơn, có những yếu tố tưởng chừng vô hại lại âm thầm làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Vậy đâu là 4 yếu tố chính khiến bạn dễ trở thành “mục tiêu” của vi khuẩn lao? Cùng tìm hiểu ngay để bảo vệ bản thân và người thân xung quanh!

1. Bệnh lao là gì?

Bệnh lao (Tuberculosis – TB) là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra. Vi khuẩn này lây truyền qua đường không khí, thường xảy ra khi người mắc lao ho, hắt hơi hoặc khạc nhổ, làm phát tán vi khuẩn vào môi trường. Người xung quanh chỉ cần hít phải một lượng nhỏ vi khuẩn cũng có thể bị nhiễm.

Mặc dù phổi là cơ quan bị ảnh hưởng phổ biến nhất, vi khuẩn lao vẫn có thể lan theo đường máu hoặc hệ bạch huyết đến các cơ quan khác như: não, thận, cột sống, hạch, màng tim,…. Nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng cách, bệnh lao có thể tiến triển nặng và đe dọa tính mạng.

Tìm hiểu về bệnh lao

Bệnh lao (Tuberculosis – TB) là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra

2. Một số yếu tố phổ biến làm tăng khả năng mắc bệnh

Mặc dù bất kỳ ai cũng có thể mắc lao, nhưng một số yếu tố nhất định có thể khiến nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn. Những yếu tố nguy cơ bao gồm:

2.1. Suy yếu hệ miễn dịch

Thông thường, hệ miễn dịch khỏe mạnh có thể kiểm soát và tiêu diệt vi khuẩn lao. Tuy nhiên, khi sức đề kháng bị suy giảm, khả năng chống lại tác nhân gây bệnh sẽ yếu đi. Một số tình trạng và thuốc có thể làm hệ miễn dịch suy yếu gồm:

– Nhiễm HIV/AIDS

– Bệnh tiểu đường

– Suy thận giai đoạn cuối

– Một số loại ung thư

– Đang trong quá trình hóa trị

– Sử dụng thuốc ức chế hệ miễn dịch

– Một số loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp, bệnh vẩy nến, hoặc bệnh Crohn

– Suy dinh dưỡng

– Trẻ nhỏ và người cao tuổi cũng có hệ miễn dịch yếu tự nhiên

2.2. Tiếp xúc hoặc cư trú tại khu vực có tỷ lệ mắc bệnh lao cao

Nguy cơ mắc bệnh cũng tăng lên khi bạn sống hoặc đi du lịch đến các khu vực có tỷ lệ lao hoặc lao kháng thuốc cao, chẳng hạn như:

– Châu Phi

– Đông Âu

– Châu Á

– Nga

– Mỹ Latinh

– Các đảo ở vùng Caribbean

2.3. Điều kiện sống và lối sống

– Thiếu thốn chăm sóc y tế: Những người sống ở khu vực nghèo khó có ít khả năng tiếp cận dịch vụ y tế, dễ mắc bệnh hơn.

– Lạm dụng rượu, ma túy: Làm suy yếu hệ miễn dịch, tăng khả năng nhiễm lao.

– Hút thuốc lá: Gia tăng nguy cơ mắc và tử vong do lao phổi.

2.4. Môi trường làm việc và nơi ở

– Nhân viên y tế: Những người làm trong bệnh viện, phòng khám, cơ sở điều trị dễ tiếp xúc với người bệnh. Sử dụng khẩu trang và rửa tay thường xuyên là biện pháp bảo vệ cần thiết.

– Người sống trong môi trường tập thể kín: Như nhà tù, viện dưỡng lão, trung tâm chăm sóc tâm thần hoặc nhà tạm trú. Những nơi này thường đông người, thông khí kém, tạo điều kiện cho vi khuẩn lao phát tán.

– Sống chung với người mắc lao: Đây là một trong những yếu tố nguy cơ cao nhất do tiếp xúc lặp lại và kéo dài với nguồn lây.

Yếu tố dẫn đến lao phổi

Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc lao phổi

3. Các thể của bệnh

3.1. Bệnh lao tiềm ẩn

– Là tình trạng vi khuẩn lao tồn tại trong cơ thể nhưng không hoạt động, không gây triệu chứng và không lây nhiễm cho người khác.

– Hệ miễn dịch của người bệnh kiểm soát được vi khuẩn, ngăn chặn chúng sinh sôi và phát triển.

– Người có lao tiềm ẩn vẫn có nguy cơ phát triển thành bệnh lao hoạt động, đặc biệt nếu hệ miễn dịch bị suy yếu. Do đó, nhiều trường hợp được khuyến cáo điều trị phòng ngừa.

3.2. Bệnh lao hoạt động

– Xảy ra khi vi khuẩn lao trở nên hoạt động, phát triển mạnh và gây ra các triệu chứng.

– Lúc này, người bệnh có khả năng lây truyền vi khuẩn sang người khác thông qua tiếp xúc gần.

– Bệnh hoạt động cần được điều trị tích cực bằng thuốc kháng lao, đúng phác đồ và theo dõi sát sao để tránh biến chứng và kháng thuốc.

4. Nguyên nhân gây ra bệnh

Nguyên nhân chủ yếu gây bệnh là do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis (MTB) – một loại vi khuẩn hiếu khí có khả năng tồn tại trong môi trường lâu dài. Bệnh lây lan từ người sang người thông qua các hạt nhỏ trong không khí (aerosol) được phát tán khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc khạc đờm.

Sau khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn MTB không gây bệnh ngay lập tức mà thường ở trong trạng thái “ngủ” – gọi là nhiễm lao tiềm ẩn. Trong giai đoạn này:

– Không xuất hiện triệu chứng.

– Người mang vi khuẩn không có khả năng lây bệnh cho người khác.

– Tuy nhiên, khi làm các xét nghiệm chuyên sâu, vẫn có thể phát hiện vi khuẩn MTB trong cơ thể.

– Nếu được phát hiện sớm và điều trị từ giai đoạn tiềm ẩn, nguy cơ tiến triển thành bệnh sẽ giảm đi đáng kể.

Theo thống kê, trong số 10 người nhiễm MTB, có khoảng 1 người sẽ phát triển thành lao hoạt động, đặc biệt là:

– Người cao tuổi

– Người có hệ miễn dịch suy giảm (ví dụ: nhiễm HIV/AIDS, đái tháo đường, suy dinh dưỡng…);

– Người sử dụng thời gian dài thuốc ức chế miễn dịch.

Khi vi khuẩn hoạt hóa, chúng phát triển mạnh tại phổi, sau đó có thể lan theo đường máu hoặc hệ bạch huyết đến các cơ quan khác như não, xương, thận, hoặc hạch lympho và gây ra bệnh ngoài phổi.

5. Bệnh lây truyền như thế nào?

– Lao là bệnh truyền nhiễm lây qua đường không khí, chủ yếu từ người bệnh sang người khỏe mạnh. Khi một người mắc lao phổi hoặc lao thanh quản ho, nói, cười, hắt hơi hay khạc nhổ, vi khuẩn lao sẽ phát tán vào không khí dưới dạng những hạt nhỏ li ti.

– Người xung quanh, nếu đứng gần và hít phải các giọt không khí chứa mầm bệnh, sẽ có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn lao. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn thường trú ngụ ở phổi trước tiên rồi có thể lan theo đường máu tới các cơ quan khác như thận, cột sống, hoặc não, gây ra các dạng lao ngoài phổi.

Đường lây nhiễm của lao

Lao là bệnh truyền nhiễm lây qua đường không khí

Chủ động phòng ngừa bệnh lao không chỉ là bảo vệ chính mình mà còn góp phần bảo vệ cộng đồng. Việc hiểu rõ các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh sẽ giúp bạn điều chỉnh lối sống, chăm sóc sức khỏe tốt hơn và nâng cao khả năng miễn dịch. Hãy luôn duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh, tiêm phòng đầy đủ và đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm – điều trị kịp thời nếu chẳng may nhiễm bệnh.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital