30 tuổi có nên niềng răng? Các loại niềng răng phù hợp

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Văn Quyết

Trưởng khoa Răng Hàm Mặt - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Như chúng ta đều biết rằng, độ tuổi thiếu niên là lý tưởng nhất để niềng răng. Tuy nhiên vì một lý do nào đó bạn chưa thực hiện được, thì 30 tuổi có nên niềng răng hay không? Hãy cùng phân tích cùng chúng tôi và tìm ra câu trả lời cho mình trong bài viết này nhé.

30 tuổi có nên niềng răng

30 tuổi có nên niềng răng không là câu hỏi nhiều người thắc mắc, do lo ngại về mặt hiệu quả.

Hàm răng hoàn hảo nhất là răng xếp thằng hàng, ngay ngắn như những phím đàn piano. Tuy nhiên, rất nhiều người không may mắn khi sở hữu hàm răng khấp khểnh, chen chúc, hoặc khớp cắn không thẳng hàng. Các vấn đề này về răng không chỉ ảnh hưởng tới thẩm mỹ, mà còn khó vệ sinh, dẫn tới sâu răng và các bệnh lý về nướu. Các răng không khớp với nhau đúng cách khi bạn đóng hàm – một vấn đề được gọi là sai khớp cắn, hay “khớp cắn xấu” – có thể gây ra các vấn đề về nhai và nuốt. Sự liên kết của răng kém cũng có thể gây khó khăn khi phát âm một số âm thanh và có thể gây căng thẳng quá mức lên cơ nhai, gây đau mặt. Và đó chính là lý do chúng ta cần niềng răng.

1. Độ tuổi tối ưu nhất để niềng răng

Theo các bác sĩ nha khoa, niềng răng là tốt nhất cho trẻ em khi chúng đang ở độ tuổi 10 – 14. Sở dĩ tuổi tác là một yếu tố quan trọng là vì niềng răng làm dịch chuyển răng và điều chỉnh khớp cắn, ở độ tuổi này, nhìn chung trẻ sẽ có đầy đủ răng vĩnh viễn, đây là yếu tố ảnh hưởng đến thời gian niềng răng. Quan trọng hơn, xương hàm của trẻ chưa phát triển hoàn thiện mà vẫn đang trong quá trình hình thành, do đó răng sẽ dễ dịch chuyển, chỉnh sửa được hầu hết các khớp cắn một cách dễ dàng. Do vậy, đây là độ tuổi lý tưởng để niềng răng. 

Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện niềng răng khi còn nhỏ. Do vậy, rất nhiều trường hợp niềng răng muộn hơn.

2. 30 tuổi có nên niềng răng không? Những khó khăn khi niềng răng muộn là gì?

Theo các bác sĩ nha khoa, mặc dù độ tuổi lý tưởng nhất là 10 – 14 hoặc dưới 18 tuổi, song không bao giờ quá muộn để niềng răng. Hiện nay có rất nhiều phương pháp niềng răng, trong đó phương pháp mới – Invisalign có thể áp dụng cho mọi độ tuổi. 

Theo thống kê, có tới hơn ⅕ trường hợp chỉnh nha khi ở độ tuổi trên 18. Ở độ tuổi 30 hoặc muộn hơn, chúng ta hoàn toàn có thể niềng răng, và hầu hết mọi người đều có kết quả ưng ý. Tuy nhiên, nhược điểm khi niềng răng ở độ tuổi muộn đó là quá trình niềng răng có thể mất nhiều thời gian hơn so với trẻ em hoặc thanh thiếu niên do xương hàm đã phát triển ổn định. Mặc dù thời gian để đạt được hiệu quả mong muốn có thể khác nhau ở mỗi người, nhưng trung bình sẽ kéo dài khoảng 2 năm. 

3. Tuổi nào là quá muộn để niềng răng?

Về mặt y khoa, niềng răng không có giới hạn độ tuổi, mà yêu cầu quan trọng nhất đó là xương đủ tốt, sức khoẻ đảm bảo thì vẫn có thể thực hiện và đem lại hiệu quả. Do vậy, ở bất kỳ độ tuổi nào, nếu bạn muốn niềng răng, hãy thăm khám bác sĩ nha khoa để được tư vấn xem sức khoẻ và xương hàm của mình còn thích hợp để niềng răng hay không.

4. Các loại niềng răng bạn cần biết

4.1 Niềng răng vô hình – Invisalign

Niềng răng Invisalign

Niềng răng Invisalign không giới hạn độ tuổi, do đó phù hợp cho cả những người 30 tuổi hoặc trên 30 tuổi.

Nếu như bạn vẫn lăn tăn 30 tuổi có nên niềng răng không thì Invisalign sẽ là lựa chọn phù hợp nhất. Đây là phương pháp niềng răng hiện đại nhất và có hiệu quả với mọi lứa tuổi. Thay vì sử dụng các loại mắc cài truyền thống, người ta sử dụng hệ thống khay niềng bằng nhựa để điều chỉnh răng. Ưu điểm lớn nhất của phương pháp này là tính thẩm mỹ cao, do khó phát hiện ra 1 người đang sử dụng niềng răng Invisalign. Ngoài ra, thời gian điều trị cũng được rút ngắn đáng kể, không gây đau đớn hay khó chịu như mắc cài, có thể tháo ra, lắp vào khi cần thiết. Nhược điểm duy nhất của phương pháp này đó là chi phí khá cao. 

4.2 Niềng răng mắc cài kim loại thường

Đây chính là loại niềng răng mắc cài được sử dụng phổ biến nhất. Mắc cài kim loại thường là inox, thép không gỉ, hoặc bạc… Khung kim loại của mắc cài này có khả năng chịu lực tốt. Mắc cài kim loại sử dụng dây thun buộc cố định dây cung trong rãnh mắc cài, nhờ đó sẽ tạo ra lực kéo, giúp di chuyển răng về vị trí lý tưởng.  

Niềng răng mắc cài kim loại

Niềng răng mắc cài kim loại được sử dụng nhiều nhất.

Phương pháp này có ưu điểm là chi phí rẻ nhất trong các loại mắc cài. Thời gian điều trị để đạt được hiệu quả mong muốn là khá ngắn. Tuy nhiên, phương pháp này cũng kém thẩm mỹ hơn bởi các mắc cài nhìn rất rõ, và khi sử dụng mắc cài này cần tránh ăn những đồ ăn cứng, dai, dính.

4.3 Niềng răng mắc cài kim loại tự buộc

Phương pháp này có hệ thống nắp trượt tự động hoặc cánh kim loại để đậy và giữ dây trong mắc cài, chứ không dùng dây thun như mắc cài kim loại thông thường. Chính nhờ điều này mà dây cung có thể trượt tự do trong rãnh mắc cài. 

4.4 Niềng răng mắc cài bằng sứ, pha lê

Mắc cài sứ và pha lê được làm từ những vật liệu cao cấp, có tính thẩm mỹ cao bởi khá giống màu sắc răng thật và khó nhận ra hơn mắc cài kim loại. 

Tư vấn chọn loại niềng răng

Để chọn được loại niềng răng phù hợp nhất với độ tuổi cũng như tình trạng răng miệng của mình, bạn nên đến gặp bác sĩ trực tiếp để được tư vấn và phân tích ưu, nhược điểm từng loại.

4.5 Niềng răng mắc cài mặt lưỡi (bên trong)

Đây là loại mắc cài được gắn ở mặt trong của răng thay vì mặt trước, do vậy đảm bảo tính thẩm mỹ cao hơn. Bạn có thể thoải mái nói chuyện mà không lo lộ mắc cài. 

Mỗi loại mắc cài sẽ có những ưu, nhược điểm và chi phí khác nhau. Để lựa chọn loại niềng răng phù hợp nhất với độ tuổi của bạn, tình trạng răng miệng, mong muốn của bản thân cũng như chi phí, hãy tới trực tiếp các cơ sở nha khoa để được bác sĩ thăm khám và tư vấn cho bạn nhé.

Như vậy, với thông tin phía trên, chắc chắn bạn đã có câu trả lời 30 tuổi có nên niềng răng không và biết được các loại niềng răng hiện nay. Chúc bạn sẽ sớm có hàm răng ưng ý và nụ cười thật xinh nhé.

 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital