Chiều 7/6, theo thông báo chính thức của Cục Y tế dự phòng, 3 trường hợp được giám sát, cách ly tại BV do có biểu hiện sốt khi trở về từ vùng có dịch MERS – CoV đều có kết quả xét nghiệm âm tính. Giám sát chặt các ca bệnh nghi ngờ.
Theo đó, trường hợp được giám sát tại TP Hồ Chí Minh là bệnh nhân nữ 52 tuổi trở về nước từ Dubai (UEA) qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất có các triệu chứng ho, sốt, sổ mũi; được nhập Bệnh viện Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh ngày 05/6/2015.
Ngay khi tiếp nhận, bệnh viện đã tiến hành cách ly bệnh nhân, điều trị và làm các xét nghiệm cần thiết và kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân âm tính với vi rút MERS-CoV.
Còn tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, ngày 04/6/2015 có 1 bệnh nhân nữ, 54 tuổi trở về nước từ Hàn Quốc qua cửa khẩu sân bay Nội Bài ngày 01/6/2015. Sau 3 ngày về Việt Nam bệnh nhân có các triệu chứng: sốt, ho khan; được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, kết quả xét nghiệm cũng cho thấy âm tính với vi rút MERS-CoV.
Cùng ngày 4/6 tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương có bệnh nhân nam, 30 tuổi trở về nước từ Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái ngày 03/6/2015 và có các triệu chứng: sốt, ho, khó thở; bệnh nhân đã được nhập viện, cách ly và điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và có kết quả xét nghiệm cũng âm tính với vi rút MERS-CoV.
Sáng 7/6, tại buổi kiểm tra hoạt động phòng chống dịch tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng chỉ đạo các bệnh viện phải hết sức lưu ý khi có bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng ho, sốt đến khám. “Có bệnh nhân có dấu hiệu này các bác sĩ cần khai thác ngay tiền sử dịch tễ có đi từ vùng có dịch hay không, nâng mức độ giám sát đối với có dịch. Chỉ cần bệnh nhân sốt mà có yếu tố dịch tễ cần đưa ngay vào giám sát, lấy mẫu xét nghiệm khẳng định”, GS Long chỉ đạo.
Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Nhiệt đới Trung ương, thời gian tới, số người cần theo dõi cách ly chắc chắn vẫn còn tiếp tục tăng lên, nhưng mọi người không nên quá lo lắng bởi đây là quy trình giám sát thông thường, tất cả những người nhập cảnh vào Việt Nam từ vùng có dịch trong thời điểm này ngoài việc giám sát thân nhiệt tại sân bay, khai báo y tế… đều được y tế cơ sở theo dõi tại nơi cư trú để kịp thời phát hiện dấu hiệu nguy cơ. Dấu hiệu sốt, ho có thể chỉ đơn giản là viêm đường hô hấp thông thường, còn nếu là MERS – CoV thì cũng sẽ kịp thời và đã đảm bảo yếu tố cách ly, hạn chế lây nhiễm ra cộng đồng và được điều trị sớm.
Không nên đi du lịch tới vùng có dịch
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, virus MERS-CoV có khả năng lây truyền từ người sang người, chủ yếu qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết đường hô hấp trong nhóm người có tiếp xúc gần với bệnh nhân. Thời gian ủ bệnh từ 2-14 ngày. Người bệnh có biểu hiện từ nhẹ như sốt, ho đến nặng hơn như khó thở, viêm phổi, suy hô hấp cấp, ngoài ra có thể kèm theo các triệu chứng đường tiêu hóa như tiêu chảy và có thể gây suy tạng, đặc biệt là suy thận, nguy cơ tử vong cao; tỷ lệ chết/mắc từ 35 – 40%. Một số người nhiễm vi rút MERS-CoV có thể không có triệu chứng hoặc biểu hiện lâm sàng rất nhẹ, gây khó khăn cho việc phát hiện.
Vì là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiếp xúc, tỉ lệ tử vong cao, trong khi đó ngay nước châu Á là Hàn Quốc, Trung Quốc (bệnh nhân xâm nhập từ Hàn Quốc) đã ghi nhận bệnh nhân, nguy cơ tràn vào Việt Nam rất lớn nên Bộ Y tế khuyến cáo người dân hạn chế đi du lịch tới các vùng đang có dịch. Đặc biệt là đối với những người mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, bệnh phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch ….
Nếu phải đi, cần tìm hiểu các thông tin tình hình dịch bệnh tại nơi đến để chủ động có các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho bản thân; lúc về phải khai tờ khai y tế khi nhập cảnh, tự theo dõi tình trạng sức khỏe trong vòng 14 ngày và thông báo ngay cho cơ quan y tế khi có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh.
TS Phu cũng khuyến cáo, kêu gọi người dân khi có các triệu chứng viêm đường hô hấp hoặc nghi ngờ mắc bệnh như sốt, ho, khó thở không nên đi du lịch hoặc đến nơi tập trung đông người. Nếu là đối tượng có yếu tố dịch tễ thì cần ý thức cách ly rồi nhanh chóng báo với y tế địa phương để kịp thời được cách ly theo dõi, tránh lây lan ra cộng đồng.
Người bệnh viêm đường hô hấp cũng tránh tiếp xúc với nhiều người, đeo khẩu trang, không đến nơi đông người. Khi ho, hắt hơi cần che miệng bằng khăn giấy, khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp, sau đó hủy hoặc giặt sạch khăn ngay.
Để phòng bệnh viêm đường hô hấp nói chung, trong đó có MERS – CoV, người bệnh cần giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; Tăng cường thông khí nơi ở, nơi làm việc, trường học, cơ sở y tế… bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa; Thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng các chất tẩy rửa thông thường, như xà phòng và các dung dịch khử khuẩn thông thường khác; Tăng cường sức khỏe bằng ăn uống đủ chất, sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý; Nếu thấy có biểu hiện của bệnh viêm đường hô hấp cấp tính phải thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và xử trí kịp thời.
Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, đến ngày 07 tháng 6 năm 2015, đã có 1.209 trường hợp mắc, trong đó có 448 trường hợp tử vong tại 26 quốc gia, trong đó có 4 quốc gia châu Á gồm Hàn Quốc, Trung Quốc, Philippines, Malaysia. Riêng tại Hàn Quốc đã có 64 trường hợp mắc, với 5 trường hợp tử vong.
Theo Dân trí