3 điều cần biết về phương pháp xét nghiệm máu 32 chỉ số

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ

Lê Công Dần

Bác sĩ Xét nghiệm

Được xem là một phương pháp xét nghiệm cơ bản thường quy, xét nghiệm máu 32 chỉ số nhằm cung cấp cho bác sĩ những thông tin cần thiết để giúp phát hiện các bất thường trong cơ thể, từ đó có hướng chẩn đoán và chữa trị kịp thời. Cùng nắm vững 3 vấn đề xoay quanh phương pháp này qua bài viết dưới đây.

1. Xét nghiệm máu 32 chỉ số là gì?

Xét nghiệm 32 chỉ số hay còn gọi là xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu sơ bộ được thực hiện nhằm mục đích đánh giá sức khỏe của người thăm khám. Phương pháp này giúp bước đầu phát hiện những rối loạn trong cơ thể hoặc các bệnh lý về máu như nhiễm trùng, thiếu máu và một số bệnh lý liên quan khác.

Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu thường sẽ bao gồm việc phân tích các chỉ số dưới đây:

– Số lượng các loại tế bào như hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu.

– Kích thước trung bình của hồng cầu và kích thước tế bào hồng cầu.

– Thể tích khối hồng cầu có bên trong 1 lít máu.

– Các chỉ số phụ thuộc PCT, PDW, RDW, MCV, MCHC, MCH, MPV.

– Lượng hemoglobin ở bên trong tế bào hồng cầu.

– Xác định tỷ lệ phần trăm của từng loại bạch cầu trong mẫu máu ngoại vi.

xét nghiệm máu 32 chỉ số là gì

Xét nghiệm 32 chỉ số nhằm mục đích đánh giá sức khỏe của người thăm khám

2. Xét nghiệm 32 chỉ số giúp hỗ trợ phát hiện bệnh lý nào?

2.1. Xét nghiệm 32 chỉ số giúp đánh giá dòng hồng cầu

Dựa vào lượng huyết sắc tố hemoglobin trong xét nghiệm máu, bác sĩ sẽ có thể xác định được bệnh nhân có đang mắc bệnh thiếu máu hay không cũng như mức độ thiếu máu hiện tại của họ.

Để phân loại đó là thiếu máu hồng cầu nhỏ hay to, bác sĩ sẽ căn cứ vào thể tích trung bình hồng cầu MCV của bệnh nhân. Cụ thể như sau:

– MCV có thể tăng trong các trường hợp bệnh nhân thiếu thiếu vitamin B12, acid folic, hay người mắc các bệnh nghiện rượu, gan, xơ hóa tủy xương,…

– Ngược lại, MCV sẽ giảm khi người bệnh mắc bệnh nhiễm độc chì, thiếu sắt, thiếu máu mạn tính hay hội chứng thalassemia,…

Để phân loại tình trạng thiếu máu bình sắc hay nhược sắc, bác sĩ sẽ căn cứ vào lượng huyết sắc tố trung bình hồng cầu MCH và nồng độ huyết sắc tố trung bình hồng cầu MCHC để chẩn đoán.

– MCH và MCHC sẽ bị giảm khi bệnh nhân bị thiếu máu do thalassemia, thiếu sắt, ,…

Ngoài ra, kết quả xét nghiệm máu cũng có thể giúp hỗ trợ chẩn đoán bệnh đa hồng cầu. Trong trường hợp bệnh nhân bị sốt cao, mất nước hoặc bị bệnh tim, phổi thì có thể làm thực hiện xét nghiệm 32 chỉ số để kiểm tra số lượng hồng cầu có đang tăng cao hay không.

2.2. Xét nghiệm máu 32 chỉ số giúp đánh giá dòng bạch cầu

Xét nghiệm 32 chỉ số hỗ trợ giúp định lượng số bạch cầu trong máu của người bệnh. Lúc này, có thể xảy ra 1 trong 2 tình trạng sau:

– Số lượng bạch cầu giảm: Phụ thuộc vào loại bạch cầu giảm mà chia ra những tên gọi khác nhau như giảm bạch cầu đoạn trung tính, giảm bạch cầu ưa acid hay giảm bạch cầu lympho,…

– Số lượng bạch cầu tăng: Hiện tượng tăng số lượng bạch cầu cũng được chia thành nhiều loại khác nhau như tăng bạch cầu ưa acid, tăng bạch cầu lympho, tăng bạch cầu đoạn trung tính, tăng bạch cầu ưa kiềm,,…

Việc đột biến số lượng bạch cầu có thể bởi nhiều nguyên nhân gây ra như: nhiễm ký sinh trùng, một số bệnh dị ứng, nhiễm độc kim loại nặng hay bệnh ung thư máu cũng dẫn đến số lượng bạch cầu tăng đột biến.

xét nghiệm máu 32 chỉ số như thế nào

Xét nghiệm 32 chỉ số hỗ trợ cho việc định lượng số bạch cầu trong máu của người bệnh

2.3. Xét nghiệm máu 32 chỉ số giúp đánh giá dòng tiểu cầu

Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu 32 chỉ số giúp bác sĩ xác định được lượng tiểu cầu có trong máu của người bệnh. Từ đó họ có thể tìm ra nguyên nhân chính xác gây nên bệnh.

– Số lượng tiểu cầu giảm: Đây có thể là hậu quả của một số bệnh lý gây ảnh hưởng đến khả năng sản xuất hoặc sự tăng phá hủy tiểu cầu. Ngoài ra, khi cơ thể tự sinh ra kháng thể để chống lại tiểu cầu cũng có khả năng dẫn tới tình trạng giảm số lượng tiểu cầu.

– Số lượng tiểu cầu tăng: Tăng tiểu cầu tự phát hay các bệnh lý xương tủy,… là 1 vài trong số những nguyên nhân có thể gây ra việc tăng đột biến lượng tiểu cầu trong máu. Tình trạng này có khả năng dẫn tới việc tắc nghẽn mạch máu ở một số trường hợp người bệnh.

3. Xét nghiệm 32 chỉ số được chỉ định thực hiện khi nào?

Xét nghiệm 32 chỉ số là một trong những loại xét nghiệm cơ bản thường quy nên bạn có thể thực hiện bất kỳ khi nào để kiểm tra sức khỏe một cách tổng quát theo định kỳ.

Bên cạnh đó, một số trường hợp cụ thể khác sẽ được bác sĩ chỉ định làm phương pháp xét nghiệm này là:

– Bệnh nhân bị bệnh thiếu máu.

– Bệnh nhân bị nghi ngờ mắc chứng bệnh liên quan đến tế bào máu.

– Bệnh nhân trong quá trình điều trị và theo dõi điều trị bệnh liên quan đến tế bào máu

– Bệnh nhân bị nghi ngờ dị ứng hoặc nhiễm ký sinh trùng,…

Thông thường, quy trình xét nghiệm 32 chỉ số thường diễn ra nhanh chóng và đơn giản. Sau khi sát trùng tại vị trí lấy máu, nhân viên y tế sẽ tiến hành lấy một lượng máu vừa đủ (khoảng 2ml) vào ống chống đông EDTA. Ống nghiệm đựng máu này cần phải được ghi rõ thông tin của người bệnh và dán mã code để tránh sự nhầm lẫn. Sau đó, ống xét nghiệm này sẽ được bảo quản ở nhiệt độ khoảng 20 – 25 độ C và đem đi xét nghiệm (không quá 24h).

xét nghiệm máu quan trọng như thế nào

Xét nghiệm 32 chỉ số giúp bác sĩ phát hiện được nhiều loại bệnh

Có thể thấy, xét nghiệm 32 chỉ số có ý nghĩa rất quan trọng trong việc khám chữa bệnh, tuy nhiên nếu chỉ thực hiện mỗi phương pháp này thì bạn không thể nào biết chính xác tình trạng bệnh lý của mình. Do đó, chúng ta cần kết hợp thực hiện với các phương pháp thăm khám khác theo chỉ định của bác sĩ. Hiện nay, tại nhiều bệnh viện uy tín đã xây dựng nhiều gói khám sức khỏe và tầm soát ung thư, trong đó có kết hợp các phương pháp thăm khám 1 cách khoa học, đảm bảo phát hiện bệnh lý 1 cách chính xác và toàn diện. Vì vậy, hãy lựa chọn cho mình những địa chỉ thăm khám chất lượng và gói khám phù hợp với phù nhu cầu của mình để bảo vệ sức khỏe nhé!

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital