Xét nghiệm là gì và những thắc mắc thường gặp

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Đỗ Thị Hằng

Trưởng khoa Xét nghiệm

Xét nghiệm là một trong những phương pháp thăm khám phổ biến trong y học hiện đại. Tuy nhiên, bạn đã hiểu rõ xét nghiệm là gì, những phương pháp xét nghiệm phổ biến hay chưa? Hãy cùng tìm hiểu cụ thể trong bài viết dưới đây nhé.

1. Tìm hiểu xét nghiệm là gì? 

Xét nghiệm y khoa là một nghiệp vụ của ngành y, sử dụng các thiết bị, máy móc để phân tích các mẫu bệnh phẩm nhằm phát hiện, cung cấp thông tin về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Các mẫu bệnh phẩm thường là mẫu máu, nước tiểu, dịch, mô tế bào… 

Các xét nghiệm là một phần không thể thiếu của quá trình chẩn đoán, điều trị bệnh trong nền y học hiện đại. Bởi:

– Kết quả của xét nghiệm rất cụ thể, độ chính xác cao. Kết quả xét nghiệm phản ánh tình trạng bệnh một cách khách quan. Theo thống kê, có khoảng 70% quyết định y khoa tại Việt Nam được đưa ra dựa trên kết quả của xét nghiệm y khoa.

– Kết quả xét nghiệm được dùng để theo dõi sự tiến triển của quá trình phát triển bệnh. Từ đó, bác sĩ có thể đưa ra những thay đổi, điều chỉnh phác đồ điều trị, tối ưu thời gian khám – chữa bệnh.

– Các kết quả của việc xét nghiệm giúp hạn chế được các sai sót trong quá trình chữa bệnh, hỗ trợ phòng bệnh hiệu quả hơn nhờ vào các công nghệ tiên tiến.

mẫu xét nghiệm là gì

Xét nghiệm có nhiều ứng dụng trong y học

2. Một số phương pháp xét nghiệm phổ biến

Với sự phát triển của y học chúng ta hiện nay có rất nhiều phương pháp xét nghiệm khác nhau. Trong đó, những xét nghiệm phổ biến nhất là xét nghiệm dịch thể như xét nghiệm máu, nước tiểu, dịch…

– Xét nghiệm máu: Đây là xét nghiệm phổ biến nhất với nhiều ứng dụng trong y học. Xét nghiệm này sẽ giúp người bệnh biết được nhóm máu, phát hiện bệnh lý về rối loạn máu. Ngoài ra, xét nghiệm máu còn đo được tỷ lệ các chất trong thành phần máu ví dụ như cholesterol, glucose, ure máu… Từ đó, bác sĩ có thể chẩn đoán các bệnh lý gan thận, tim mạch, bệnh về máu…

Xét nghiệm nước tiểu: Xét nghiệm này được thực hiện với mẫu nước tiểu. Thủ thuật dùng để phát hiện và theo dõi một số rối loạn, tình trạng bệnh như nhiễm trùng đường tiết niệu, đái tháo đường, bệnh thận…

– Xét nghiệm sinh thiết: Hình thức xét nghiệm này được thực hiện bằng cách lấy mẫu mô để quan sát bằng kính hiển vi. Mục đích của xét nghiệm này nhằm tìm kiếm các tế bào bất thường. Việc sinh thiết có thể thực hiện với nhiều bộ phận trong cơ thể nếu kết hợp với những phương pháp y khoa khác.

– Xét nghiệm dịch tiết: Mẫu dịch tiết là những dịch nhầy, chất lỏng tại các bộ phận như dịch não tủy, chất hoạt dịch… Các chất dịch ở những bộ phận khác nhau sẽ giúp kiểm tra những bệnh lý của bộ phận đó.

– Xét nghiệm dịch tễ: Mục đích của xét nghiệm dịch tễ nhằm kiểm tra khả năng dương tính của người bệnh với các bệnh truyền nhiễm.

phương pháp xét nghiệm là gì

Xét nghiệm máu là một trong những xét nghiệm phổ biến nhất hiện nay

3. Những thắc mắc thường gặp về xét nghiệm

3.1. Mẫu xét nghiệm là gì?

Mẫu xét nghiệm như đã nói ở trên có thể bao gồm nhiều loại, ví dụ như máu, nước tiểu, phân, dịch đờm… Nói chung, mẫu xét nghiệm là đối tượng để kiểm tra, phân tích nhằm tìm kiếm những bệnh lý bất thường của cơ thể. Như vậy, mẫu xét nghiệm được xem là có tính đại diện cho sức khỏe, chức năng của một hoặc một vài cơ quan trong cơ thể. 

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, kết quả của xét nghiệm có thể không hiện rõ tính đại diện nói trên. Ví dụ với trường hợp xét nghiệm sinh thiết biểu mô tế bào gan để tìm tế bào ung thư. Thủ thuật sinh thiết chỉ có thể lấy một số lượng ít tế bào tại một vị trí. Nhưng nếu khối u chưa di căn tới vị trí sinh thiết thì kết quả xét nghiệm này có thể bị sai lệch.

3.2. Âm tính và dương tính trong xét nghiệm là gì?

Thực chất thì “Âm tính” hay “Dương tình” là thuật ngữ để chỉ ra kết quả của một xét nghiệm mà người bệnh thực hiện. Xét nghiệm âm tính có nghĩa là người thực hiện xét nghiệm không bị bệnh, không mắc bệnh hay không phát hiện yếu tố gây bệnh tại thời điểm làm xét nghiệm. Ngược lại, dương tính nghĩa là là người thực hiện bị bệnh, có nguy cơ mắc bệnh, bị phơi nhiễm bệnh.

Tuy nhiên, cả 2 khái niệm này chỉ mang ý nghĩa định tính. Trong một số trường hợp, xét nghiệm còn phải căn cứ vào kết quả định lượng. Trong đó, định lượng nghĩa là việc đo nồng độ, tỷ lệ các chất trong mẫu xét nghiệm.  

kết quả xét nghiệm là gì

Âm tính – dương tính thể hiện kết quả xét nghiệm định tính

3.3. Việc thực hiện xét nghiệm có nguy cơ nào hay không?

Mức độ nguy cơ của các xét nghiệm phụ thuộc mức độ xâm lấn khi thực hiện quy trình xét nghiệm. Đa số các xét nghiệm máu, nước tiểu, mẫu phân… đều được thực hiện khá đơn giản, dễ dàng, ít xâm lấn. Do đó, gần như các xét nghiệm không mang đến các nguy cơ có hại nào cho cơ thể. 

Với những xét nghiệm sinh thiết, quá trình thực hiện có thể sử dụng kèm thêm những phương pháp có xâm lấn như chọc hút, nội soi, phẫu thuật… Theo đó, nguy cơ ảnh hưởng cho người bệnh cũng cao hơn.

Viêc lạm dụng các xét nghiệm cũng có thể ảnh hưởng ít nhiều tới tâm lý, thể trạng hay tài chính của người thực hiện. Ví dụ việc lấy máu xét nghiệm nhiều lần, có thể gây đau đớn, tạo tâm lý sợ hãi cho người bệnh… Vì vậy, trong tất cả các trường hợp, xét nghiệm không được tự ý chỉ định thực hiện, tùy tiện mà luôn phải có ý kiến của bác sĩ.

Trên đây là một số thông tin cơ bản về các xét nghiệm y khoa phổ biến và những thắc mắc thường gặp về xét nghiệm. Hy vọng bạn sẽ tìm được những thông tin bổ ích cho mình!

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital