Xét nghiệm acid uric trong nước tiểu và những điều cần biết

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Đỗ Thị Hằng

Trưởng khoa Xét nghiệm

Nhiều người thường nghĩ xét nghiệm acid uric chỉ thực hiện được qua xét nghiệm máu mà không biết rằng chúng ta cũng có thể đo lường chỉ số này qua xét nghiệm nước tiểu. Hôm nay, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về xét nghiệm đo chỉ số acid uric trong nước tiểu nhé.

1. Tìm hiểu về acid uric

Acid uric là một loại acid hữu cơ yếu, là sản phẩm của quá trình chuyển hóa purine có trong các loại thực phẩm như hải sản, cá, thịt và từ đồ uống có cồn. Ngoài ra, khi cơ thể lão hóa, các nhân purine sẽ bị phá hủy và tạo ra acid uric.

Acid uric được sử dụng như một nguồn năng lượng giúp kích thích bộ não hoạt động hiệu quả. Nếu như cơ thể bị thiếu acid uric thì chúng ta có thể đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh nội thần kinh như Alzheimer, Parkinson… Ngoài ra, acid uric còn là một chất chống oxy hóa hiệu quả, giúp tổng hợp nhiều chất quan trọng trong cơ thể.

80% lượng acid uric trong cơ thể sẽ được đào thải qua đường nước tiểu, còn lại sẽ qua đường tiêu hóa và mồ hôi. Trường hợp quá trình đào thải gặp vấn đề khiến acid uric tích tụ và lắng đọng tại các mô trong cơ thể. Đây là nguyên nhân gây nên bệnh gout, sỏi thận, suy thận, tắc ống thận.

Xét nghiệm acid uric là gì

Acid uric là nguyên nhân chính gây bệnh gout

2. Phương pháp xét nghiệm acid uric qua nước tiểu

Cũng tương tự như xét nghiệm máu, xét nghiệm kiểm tra chỉ số acid uric trong nước tiểu cũng giúp theo dõi quá trình điều trị ung thư, sàng lọc các bệnh lý về thận. Ngoài ra, thông qua xét nghiệm nước tiểu, chúng ta cũng có thể đánh giá tình trạng thiếu máu, nhiễm độc thai nghén ở phụ nữ mang bầu…

2.1. Chỉ định đối tượng thực hiện xét nghiệm acid uric 

Với những mục tiêu xét nghiệm ở trên, đo nồng độ acid uric trong nước tiểu là xét nghiệm thường được chỉ định trong trường hợp nghi ngờ sỏi thận tái phát hoặc phải theo dõi quá trình hình thành sỏi thận trong cơ thể.

Bên cạnh đó, định lượng acid uric trong nước tiểu còn hỗ  trợ chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh nhân có các bệnh lý sau: 

– Người bệnh suy thận

– Người mắc các bệnh về máu

– Người bị thiếu máu do mắc bệnh tan máu

– Người bị viêm khớp

– Bệnh nhân đã hoặc đang xạ trị, hóa trị liệu

– Người nghiện rượu có nguy cơ mắc bệnh gan mật, bệnh thận

– Theo dõi và tiên lượng tình trạng nhiễm độc thai nghén nặng.

Người có những biểu hiện lâm sàng dưới đây cũng có thể được chỉ định thực hiện xét nghiệm nước tiểu để đo nồng độ acid uric:

– Đau quặn ở thận

– Thận bị ứ nước: Thường đau ở vùng thắt lưng hoặc đau bụng, cơn đau dữ dội.

– Người bị đau khớp

thực hiện xét nghiệm acid uric

Người mắc bệnh lý về thận nên thực hiện xét nghiệm đo chỉ số acid uric

2.2. Ý nghĩa chỉ số xét nghiệm acid uric trong nước tiểu

Chỉ số acid uric trong nước tiểu được xem là bình thường khi nằm trong khoảng 250-750 mg/24h. Khi nồng độ acid uric tăng hay giảm đều cho thấy những vấn đề bất thường về sức khỏe.

Nếu như khi xét nghiệm định lượng acid uric cho thấy chỉ số cao hơn mức bình thường, bạn có thể đang gặp một số vấn đề bất thường sau:

– Nguy cơ mắc bệnh viêm khớp, bệnh gout.

– Bệnh tiểu đường

– Khả năng chức năng thận bị rối loạn…

– Nghiêm trọng hơn, nếu chỉ số tăng cao đột biến, người bệnh có thể ở giai đoạn ung thư di căn.

Ngược lại, nếu nồng độ acid uric thấp hơn mức bình thường, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý:

– Hội chứng Fanconi – rối loạn tiết niệu sinh dục, bệnh lý này có thể ảnh hưởng đến ống lọc của thận.

– Bệnh Wilson: Đây là kết quả của sự tích tụ đồng trong gan cũng như trong các cơ quan khác, nguyên nhân phổ biến là do di truyền.

– Rối loạn chức năng bài tiết của gan, thận.

– Ngộ độc chì

giá xét nghiệm acid uric

Xét nghiệm định lượng acid uric giúp chẩn đoán nhiều bệnh lý

3. Một số lưu ý quan trọng khi thực hiện xét nghiệm

Nhìn chung, xét nghiệm nước tiểu khá đơn giản và có thể dễ dàng thực hiện. Tuy nhiên, để có kết quả chính xác nhất, người bệnh nên chú ý một số lưu ý dưới đây:

– Nên hạn chế ăn hải sản, sử dụng chất kích thích và đồ uống có cồn. Những thực phẩm có thể khiến nước tiểu đổi màu như củ cải đường, quả mâm xôi… cũng cần phải hạn chế.

– Tránh sử dụng các loại thuốc ảnh hưởng đến chỉ số acid uric như thuốc chống viêm, thuốc giảm đau, thuốc lợi tiểu…

– Hạn chế vận động quá mạnh trước khi thực hiện xét nghiệm.

– Nữ giới đang ở trong chu kỳ kinh nguyệt hoặc gần thời gian bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt nên thông báo cho bác sĩ để hoãn xét nghiệm. sau khi hết chu kỳ kinh nguyệt khoảng 5 ngày, bạn có thể thực hiện thủ thuật bình thường.

– Tuân thủ hướng dẫn của nhân viên kỹ thuật để. Chú ý, thực hiện lấy nước tiểu giữa dòng, bỏ nước tiểu lần đầu để đảm bảo mẫu xét nghiệm đạt chuẩn.

Xét nghiệm định lượng nồng độ acid uric có thể giúp sàng lọc và chẩn đoán nhiều bệnh lý nguy hiểm tới sức khỏe. Bạn có thể kết hợp danh mục này khi khám sức khỏe định kỳ để có thể kịp thời phát hiện bệnh và hỗ trợ điều trị hiệu quả.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital